Cha & cánh đồng

GN - Ngày cha dẫn tôi về nhà tôi ốm như con mèo heng ướt mưa. Tôi rụt rè đứng nép sau cánh cửa. Cha bảo con cứ vào, đừng sợ. Bà nội, mẹ và hai đứa em gái tò mò đứng giương mắt hết nhìn tôi rồi nhìn cha. Họ bảo cha dẫn ở đâu đứa ăn mày này về nhà.

Tôi nghe cha to nhỏ với họ rằng mẹ nó chết ở bến tàu, nhìn tội nghiệp quá, thôi thì bữa ăn thêm cái chén và đôi đũa… Mẹ chì chiết cha, bảo tôi là đứa con hoang cha đánh rơi ngoài đời. Mẹ bảo muốn làm gì thì làm, nhà không còn thứ gì ăn, nuôi thêm một miệng rồi chết đói cả lũ.

bo con.jpg
Tranh minh họa

Chỉ có tôi mới biết tôi không là đứa con hoang của cha. Tôi lang thang kiếm ăn ở bến tàu cùng mẹ. Mẹ tôi bán vé số còn tôi ăn xin. Buổi tối hai mẹ con chia nhau ổ bánh mì khô khốc rồi ôm nhau ngủ ở bến tàu lạnh ngắt. Mẹ tôi bị bệnh, tôi biết mẹ bệnh lâu lắm mà chẳng bao giờ thấy mẹ uống thuốc vì không có tiền. Ngày mẹ chết co ro trên manh chiếu ở bến tàu vào một buổi sáng nắng ấm mà tôi nghe như biển đang bão. Mẹ chết đi, tôi như con thú lạc bầy. Những người xa lạ đi qua đi lại chỉ trỏ, người vứt cho vài đồng tiền lẻ mà tôi không buồn nhặt. Cha đi ngang, cha kéo tôi ra khỏi cảnh đó. Cha gom góp tiền lo hậu sự cho mẹ. Cha nghèo nàn và ốm đói như tôi vậy. Tôi lủi thủi theo cha như con tàu mất phương hướng. Rồi cha dẫn tôi về nhà.

Mẹ và bà nội, tôi biết chẳng ai thương tôi. Thương làm sao nổi khi bữa ăn không đủ còn san sẻ cho kẻ khác. Mẹ hay chì chiết tôi, hay nói móc tôi là của nợ, là con hoang, là kẻ từ trên trời rơi xuống. Bà nội thì vừa nhai trầu vừa bỏm bẻm: “Con hoang cũng được nhưng phải chi nó là thằng con trai, cái giống đàn bà ở nhà này hình như không biết đẻ. Có thằng cháu trai thì nhà này đỡ khổ. Không khéo rồi thì nhà này chẳng có ai nhang khói”. Mẹ tôi nín bặt, đi xuống nhà sau mắng hai đứa em tôi:

- Thứ của nợ, chúng mày ăn no không có việc gì làm à?

Tôi không ghét mẹ và bà nội. Mẹ vẫn chạy vạy khắp nơi, buổi sáng tất tả quang gánh ra chợ khi thì bó rau, khi thì vài con cá cha bắt ở ngoài đồng, mặc cả từng đồng để có tiền đong gạo. Bữa ăn vốn nghèo nàn chỉ vài con cá kho mặn chát cho năm người giờ phải san sẻ cho tôi. Nội tôi là thế, cái ăn cái mặc còn chưa đủ bà lại khao khát có một thằng cháu. Cái bóng ám ảnh về việc con cháu nối dõi ám ảnh nội tôi cả đời. Mẹ tôi chỉ sinh cho cha tôi hai đứa con gái. Trong những đêm khuya khoắt tôi vẫn nghe tiếng nội rên hừ hừ “phải chi có thằng cháu đích tôn...”.

Cha tôi vắng nhà biền biệt. Cha đi làm, hết ra bến tàu làm khuân vác đến lên rừng theo phu trầm xuyên rừng tìm vận may. Người cha ốm dặt dẹo, hai mắt hõm sâu, tóc râu lâu ngày không cạo. Nhìn cha dữ tợn lắm. Đến tháng, nhận được những đồng tiền ít ỏi, nhàu nát cha gửi về mẹ lại đay nghiến “lại cho con nào ăn hết rồi, lại con hoang rơi rớt, tiền đâu mà cho chúng nó ăn, chúng nó học bây giờ…”.

Khi về nhà tôi mới biết trước kia cha tôi là họa sĩ. Người cùng làng bảo cha hồi xưa nổi tiếng hào hoa lãng tử. Ngày còn nhỏ cha hay mang giấy đi quanh làng và vẽ nhiều lắm. Cha vẽ sông, vẽ cánh đồng, vẽ cả mục đồng và thôn nữ. Ai cũng khen cha vẽ đẹp.

Cha lên thành phố học vẽ, mơ mộng về một cuộc sống khác. Nhưng đời sống phố thị vốn dĩ không đẹp như cha nghĩ, gánh nặng cơm áo cứ ghì cha sát đất. Những bức tranh cha vẽ không ai mua, tằn tiện lắm mới đủ ăn và bám trụ nổi ở thị thành. Cha không vẽ hoa, vẽ cảnh nữa mà chuyên đi vẽ cho mấy chỗ quảng cáo bán hủ tiếu, bún mọc… nhưng riết rồi cũng chẳng có ai thuê cha vẽ nữa. Cha bảo cha cũng cố, cũng chạy vạy, cũng bon chen nhưng thành phố là nơi không dành cho cha.

Rồi cha về quê, hành trang bao năm ở thành phố chỉ là những bức tranh tích cóp. Cha lấy vợ sinh con. Mẹ hồi trước thương cha vì nét hào hoa của người họa sĩ nhưng rồi mẹ nhận ra điều ấy chẳng thể sinh ra tiền. Cha không vẽ nữa, cha làm tất cả những công việc có thể kiếm ra tiền từ làm đồng, đêm đêm đi soi cá về cho mẹ bán, đi làm thuê ở bến tàu.  Những đồng tiền cha kiếm ra như gió thổi vào nhà trống. Mẹ hay chì chiết cha, nói cha là thằng đàn ông vô dụng. Cha không nói gì, chỉ im lặng ngồi đốt thuốc…

Đêm đêm tôi vẫn nghe tiếng cha thở dài. Tiếng bước chân cha bước ra chái bếp sau nhà, nơi để những nông cụ, củi khô và cả những bức tranh của cha ngày trước. Những bức tranh cũ nát, nhòe màu vì nước mưa xếp lộn xộn, chất chồng nơi chái bếp. Thỉnh thoảng mẹ hay bà nội cần đồ kê bếp, cứ tiện tay lôi tranh cha xuống xé nham nhở. Lần đầu tiên cha thấy, cha hốt hoảng co rúm lại vì tức giận. Bà nội bảo mày để đấy cũng đâu có sinh ra tiền, mối mọt ăn cũng phí. Sau cái lần ấy cha không phản ứng gì nữa khi thấy những bức tranh của mình nham nhở nhọ nồi, cháy sém. Nhưng gương mặt cha như hóa đá. Đêm đêm cha vẫn ngồi ở đó lâu lắm, chỉ có cha và bóng tối.

***

Sau nhà tôi có cánh đồng. Cánh đồng mênh mông và xanh lắm. Những ngày cha về tôi hay theo cha ra cắt cỏ, bắt cá… Những lúc ngồi trên cánh đồng tôi hay nghĩ ngợi xa xăm lắm. Cha vuốt tóc tôi bảo: “Con gái cha lớn nhiều rồi, rồi con sẽ lớn lên, sẽ đi ra cuộc sống. Cuộc sống này rộng hơn cánh đồng của cha con mình nhiều”.

Tôi chỉ muốn mình mãi mãi được ngồi như thế, có cha và tôi trên cánh đồng xanh ngút mắt. Tôi ứa nước mắt nhìn xa xăm về cuối chân trời. Mẹ tôi bảo cha ruột tôi chết rồi. Nhưng nếu còn sống thì cũng chỉ là một thằng đàn ông làm khổ người khác, nghiện ngập say xỉn. Mẹ và tôi không có nhà, không có những bữa ăn đúng nghĩa. Tôi không có tuổi thơ, tôi chỉ có mẹ. Ngày mẹ chết, tôi lặng câm như cái xác. Nhưng cuộc đời lấy đi của tôi thứ này lại cho tôi thứ khác. Tôi có một người cha.

Cha lại đi, cánh đồng như thênh thang lạ. Ngày ngày tôi vẫn làm quần quật trên cánh đồng ấy và không thôi nghĩ về cha. Tôi nhớ những tiếng thở dài nhức nhối của cha ghim vào đêm. Tiếng bước chân hằng đêm cha đi ra ngoài cửa ngồi rít thuốc. Tiếng mẹ chì chiết cha không nguôi. Tiếng bà nội rên hừ hừ…

Những ngày bão nổi, mái nhà liêu xiêu của chúng tôi cứ rung lên mỗi đợt gió lùa. Gió cứ thổi mãi lạnh căm trên cánh đồng. Mưa nhỏ long tong trên những chiếc xoong mẹ dùng hứng nước mưa. Nhà dột tứ bề. Tôi thương cha, bão nổi mà cha chưa kịp về nhà. Giờ này chẳng biết cha lạnh căm trên cánh rừng nào xa lắc.

Tôi lớn lên khi cánh đồng qua biết bao mùa lúa. Hai sào ruộng không đủ ăn mà mưa nắng liên miên làm những thân lúa dặt dẹo, đến mùa gặt thì hạt lép nhiều hơn hạt chắc. Những con vịt chạy đồng cũng không thể ở nổi trên cánh đồng nhà tôi… Rồi mùa khô tới. Cánh đồng của tôi cạn khô, người qua không để lại dấu chân. Cỏ cháy xác xơ. Cánh đồng chỉ trơ lại những gốc rạ cằn cỗi mùa trước, những con bò ốm đói. Chưa bao giờ nhà tôi thiếu ăn như bây giờ. Bữa ăn khô khốc không một cọng rau, chỉ có những con cá lòng tong kho mặn từ cả tuần trước. Cả vùng tôi đang khao khát đợi chờ những cơn mưa tới. Tôi cũng khao khát mưa trên cánh đồng nhà mình. Cha tôi thì đi biền biệt, những đồng tiền cha gửi về ngày càng hiếm hoi.

***

Mẹ bảo tôi, cái nhà này sắp chết đói, mày lên thành phố kiếm việc làm đi. Tôi đi. Sài Gòn đón tôi bằng ánh đèn điện sáng nhức mắt. Cha tôi bảo cuộc đời này rộng lớn hơn cánh đồng của cha con tôi. Tôi ở trọ, đi phụ rửa chén cho một quán ăn. Đêm về gặm bánh mì và nghe gió thổi hoang hoải trên mái tôn gác trọ.

Tôi đổi từ việc này đến việc khác. Miễn sao kiếm được tiền gửi về cho mẹ. Có lẽ có tiền mẹ sẽ bớt chì chiết cha, than vãn cha về cái nghèo đeo bám. Tôi sa chân và cuộc đời cứ lẩn quẩn loanh quanh không phương hướng. Hàng đêm tôi vẫn nghe mùi rượu, mùi thuốc lá, mùi người lẩn quất trên cơ thể mình. Khi người đàn ông đóng vào tôi những nỗi cô đơn dài bất tận, tôi vẫn thôi không nghĩ về cha và về cánh đồng. Cánh đồng xanh lắm, xanh ngút mắt, cha tôi vuốt tóc và nói tôi nghe về cuộc đời. Nước mắt tôi ứa ra. Cha tôi và cánh đồng xa lắm…

Cha đón chuyến xe cuối ngày lên thành phố tìm tôi. Cha tìm thấy phòng trọ tôi với tờ giấy ghi địa chỉ nhàu nát trong tay. Cha ốm tong teo, vẫn đôi mắt sâu hằn những đêm không ngủ. Hai cha con ôm nhau khóc. Cha bảo, về đi con gái, cuộc đời rộng nhưng thiếu gì chỗ để ta thôi không dằn vặt và đau đáu. Về đi con, cánh đồng nhà mình mùa này đã có nước, cỏ xanh lắm…

Tôi ôm người đàn ông không chút máu mủ, ruột thịt ấy mà khóc. Gió thì cứ thổi mãi, khô khốc mãi. Cha đã gánh trên vai gánh nặng nhọc nhằn của một đứa con gái không hề quen biết. Nhiều lúc tôi nghĩ sao cha không quẳng gánh lo tôi xuống để cuộc đời cha bớt khổ. Gió lạnh căm, lòng cha rộng thênh thang như cánh đồng.

Tôi ngồi với cha trước cánh đồng, tóc buông xõa ngang vai. Gió lồng lộng thổi, chân trời tím ngắt. Tôi dang tay đứng dậy, chân trần chạy trên cỏ xanh mướt. Những cơn mưa đầu mùa làm sống dậy những mầm cỏ trên cánh đồng của cha con tôi. Cha đứng dậy, chạy về nhà. Tôi lơ ngơ chưa hiểu chuyện gì cha đã lôi ra mớ giấy và cọ vẽ, bụi bám đầy và cũ nát. Cha bảo chạy đi con gái, chạy trên cánh đồng đi con. Tôi chạy, tóc bồng bềnh trôi. Tôi dang tay đón những đợt gió lùa vào người mát lạnh. Cha vẽ, cha cặm cụi miệt mài, đôi mắt cha sáng lên lạ kỳ. Bàn tay chai sần và đầy sẹo cầm cọ vẽ, cha nhìn tôi nước mắt ứa ra. Cha vẽ và khóc. Bức tranh hoàn thành khi trời vừa tối: người con gái với nụ cười viên mãn chạy trên cánh đồng xanh ngắt. Cha ôm tôi bảo cả đời cha không có gì ngoài đôi bàn tay trắng, nhưng ít ra cha cũng lưu giữ được hình ảnh của con gái mình trong khoảnh khắc đẹp nhất.

Dù đã có mưa, dù làm quần quật nhưng nhà tôi vẫn thiếu ăn. Tôi lên thành phố làm công nhân gửi tiền về cho mẹ. Đã nghe cuộc sống bớt nhọc nhằn và đau đáu như cha nói. Mẹ nói cha vẫn đi biền biệt, hết khuân vác lại lên rừng mà đồng tiền gửi về vẫn nghèo nàn, nhàu nát. Tôi thương cha ứa nước mắt…

***

Tôi nghe tin cha chết vào một ngày nắng ấm giống như cái ngày tôi ôm xác mẹ lạnh căm ở bến tàu. Người ta bảo cha tôi đi tìm trầm bị sốt rét quật ngã. Tôi bắt chuyến xe muộn mằn về quê. Họ chôn cha tôi ở ngay cánh đồng mà hai cha con vẫn hay ngồi. Tôi không khóc, lặng lẽ ngồi bên mộ cha như những ngày cha còn sống. Trong lòng tôi bình yên lạ lùng. Cha đã nằm lại với cánh đồng xanh ngút mắt, lộng gió thênh thang…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày