Chân lý ở đâu?

GN - Trong một lần đến thăm Giáo sư Trần Văn Giàu tại nhà riêng, sau khi được nghe giáo sư chia sẻ những nghiên cứu, chiêm nghiệm về mối tương quan mật thiết giữa Phật giáo và Dân tộc được thể hiện qua lịch sử, chúng tôi còn được giáo sư bày tỏ sự tâm đắc với nhân vật Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua thứ 3 của đời Trần, “Người dám nghĩ, dám làm những việc không ai dám nghĩ chứ đừng nói đến làm!”. 

truclam4.jpg

Trích đoạn trong "Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn chi đồ"

Câu chuyện về nhân vật lịch sử Trần Nhân Tông, vị vua lãnh đạo đất nước, đã nhường ngôi, nói cách khác là chủ động về hưu sau khi làm tròn sứ mệnh lãnh đạo và xây dựng đất nước hùng mạnh, xuất gia chuyên tâm thực hành tâm linh, sống thiểu dục khổ hạnh, chủ trương lối sống đạo đức thiết thực hiện tại, đặc biệt chính sách ngoại giao uyển chuyển nhưng quyết liệt với phương Bắc là những kinh nghiệm vô cùng ý nghĩa. 
Đó cũng là một trong những cơ sở để giáo sư khẳng định mạnh mẽ: “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta” trong bài viết “Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam”. 
Hơn mười năm trở lại đây, tư tưởng Trần Nhân Tông, bậc triết vương của Việt Nam, vị Sơ tổ của dòng thiền Trúc Lâm Việt Nam đã được đề cập ở nhiều hội thảo, tọa đàm, gần đây nhất là Hội thảo “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”, trong khuôn khổ Đại lễ tưởng niệm 710 năm ngày ngài nhập Niết-bàn, tại danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. 
Tư tưởng của Trúc Lâm Điều ngự Trần Nhân Tông, như đã thể hiện qua các tác phẩm của ngài, nổi bật ở bài phú chữ Nôm “Cư trần lạc đạo”, xác lập rõ quan điểm thiết thực hiện tại, giá trị của chân lý không là lý thuyết suông, mà ở ngay đời sống này, nói phải đi đôi với làm, dấn thân tích cực; ngài lên án gay gắt sự ru ngủ bằng những lời hứa hẹn hão huyền, tệ nạn mượn đạo tạo đời… 
Giá trị của tư tưởng không phải để chiêm nghiệm suông, mà hơn thế nữa, với tư tưởng của Nhà vua - Thiền sư Trần Nhân Tông, là kinh nghiệm lịch sử cho việc tạo dựng các giá trị sống, hệ thống chuẩn mực đạo đức rất cần thiết cho thời đại, phù hợp yêu cầu thực tế. 
Mẫu hình Trúc Lâm Điều ngự Trần Nhân Tông không phải là duy nhất trong lịch sử dân tộc ta, mà hơn ba trăm năm sau, còn có Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), vị lãnh đạo thọ giới Bồ-tát tại gia với pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân, người có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, mở mang bờ cõi về phương Nam, mà chúng ta sắp kỷ niệm 320 năm Gia Định - Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh. 
Với Phật giáo, như Đức Phật đã dạy, giá trị thực sự của một con người không phải ở địa vị xã hội hay xuất thân, mà ở suy nghĩ, lời nói và hành động của cá nhân ấy; giá trị của giáo lý không phải được số đông ủng hộ, mà ở tính lợi lạc thiết thực hiện tại cho số đông. Nói cách khác, như Đức Điều ngự Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo phú, hội thứ ba nêu rõ: 
“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc 
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả uổng công”
Giá trị thực sự của chân lý là ở ngay trong lòng của cuộc sống này. Vấn đề còn lại, cũng là trách nhiệm, làm sao để chân lý ấy hiển bày ở hiện tại.
Hoàng Độ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.

Thông tin hàng ngày