GNO - Bạn muốn tìm cách giảm cảm giác thèm ăn? Một nghiên cứu gần đây cho thấy có thể được đạt được cảm giác buông bỏ chúng thông qua một hình thức thiền có nguồn gốc trong Phật giáo.
Việc thực hành thiền chánh niệm làm suy giảm sự thèm sôcôla trong số những người tự cho là hảo ngọt, các nhà nghiên cứu Canada nói.
"Hiện nay, đã có thể chứng minh rằng chánh niệm có tác dụng trong việc quản lý chứng thèm ăn, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết khía cạnh của chánh niệm và những cơ chế nào chịu trách nhiệm cho những hiệu ứng này. Đây là điều thúc đẩy nghiên cứu này", tác giả dẫn đầu nghiên cứu Julien Lacaille, nhà tâm lý học tại Đại học McGill ở Quebec, nói.
Thực tập chánh niệm trong ăn uống - Ảnh minh họa
Một số kỹ năng tinh thần tạo nên trạng thái "lưu tâm", các nhà nghiên cứu viết trong tạp chí Appetite. Để tìm hiểu như thế nào mà thiền chánh niệm giúp kiềm chế cảm giác thèm ăn, và khía cạnh nào của chánh niệm là quan trọng nhất để điều đó có hiệu lực, nhóm của Lacaille đã tuyển chọn 196 người tham gia trải qua quá trình đào tạo chánh niệm.
Người tham gia được chia thành 5 nhóm, 4 trong số đó được đào tạo về các kỹ thuật thiền chánh niệm và được hướng để thực hành những kỹ thuật cụ thể bất cứ khi nào một khao khát về sôcôla nổi lên trong thời gian 2 tuần. Thành viên của nhóm thứ năm được yêu cầu phải tự làm phân tâm để chống lại cảm giác thèm ăn.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào kiểm tra 3 kỹ năng liên quan đến thiền chánh niệm, và đặt cho mỗi kỹ năng một cái tên mô tả đơn giản. Kỹ năng đầu tiên mà họ gọi là nhận thức (đơn giản chỉ là nhận thấy những suy nghĩ của chính mình) và kỹ năng thứ hai là chấp nhận (không phán xét về những suy nghĩ của chính mình). Kỹ năng thứ ba là không dự vào, trong đó người tham gia tách mình xa khỏi cảm giác thèm ăn bằng cách suy nghĩ về sự tham ái.
Các thành viên của 4 nhóm thiền tập trung vào thực hành 1 hoặc kết hợp của 3 kỹ năng.
Tất cả những người tham gia là những người thường xuyên dễ có cảm giác thèm ăn sôcôla mạnh mẽ và muốn giảm bớt chúng, và kỹ năng chánh niệm của họ được đánh giá trước và sau khi nghiên cứu để đánh giá hiệu quả mà họ đã thực hành các kỹ thuật như thế nào.
Một cuộc khảo sát trước và sau khi nghiên cứu cũng nhằm đánh giá cường độ của cảm giác thèm ăn sôcôla.
Sau 2 tuần, người tham gia được đưa cho một miếng sôcôla để bóc lớp vỏ và chạm vào trong vòng 1 phút, sau khi miếng sôcôla được lấy đi, họ sẽ đánh giá mức độ khao khát kẹo đến mức độ nào.
Những người đã trở nên lão luyện về việc không dự vào - tự tách mình khỏi ham muốn sau khi nhận ra nó - khao khát sôcôla ít hơn so với những người không lão luyện.
"Họ đã phát triển cảm giác ít thèm ăn sôcôla bởi vì họ bây giờ coi nó là kém hấp dẫn", Lacaille nói.
Đó là một bài học quan trọng cho những ai muốn những thay đổi mang tính xây dựng đối với cách mà họ suy nghĩ, các chuyên gia nói.
"Một điều gì đó mà tất cả chúng ta có thể rút ra từ nghiên cứu này là chúng ta không phải là những suy nghĩ của chúng ta và chúng ta có thể kiểm soát được suy nghĩ của chính mình trong một thời gian tương đối ngắn", Patrick Williams, một nhà nghiên cứu và nhà tâm lý học tại Đại học Chicago, người không tham gia trong nghiên cứu, cho biết.
Để làm điều đó, mục tiêu là phải tạo ra khoảng cách tinh thần giữa mình và cảm giác thèm muốn của chính mình, phải xác định khao khát đơn giản chỉ là một ý nghĩ. Kỹ thuật này có thể thực hiện bằng cách thay đổi thói quen tinh thần theo thời gian, "đào tạo não bộ để hình thành một trạng thái mà sự thèm khát không trở nên mạnh mẽ, và trong đó những thói quen tiêu cực bị phá vỡ và thay thế bằng tư duy tích cực", Williams nói.
Tuy nhiên, việc thay đổi này làm mất thời gian và rất nhiều sự thực hành. Và nghiên cứu không đề cập liệu kỹ thuật thiền có thể thay đổi cảm giác thèm ăn mà chúng ta sẽ kinh nghiệm trong tương lai.
"Lợi ích thay đổi não bộ thực sự do thiền định có được từ hàng ngàn giờ thực hành. Theo các nhà nghiên cứu chỉ ra trong bài viết của họ, ảnh hưởng lâu dài của thiền về việc phòng chống sự thèm muốn đòi hỏi nghiên cứu thêm", Williams nói.
Văn Công Hưng (Theo Reuters Health)