Mê tín và mê-tín-nguy-hiểm
Trước hết, có lẽ cần thống nhất rằng, về hiện tượng, tôn giáo nào cũng có liên hệ ít nhiều đến mê tín.
Phật giáo cũng vậy. Dưới bàn thờ Phật, người ta có thể bói toán, xin xăm, xủ quẻ, coi hướng bếp, coi hướng giường, coi ngày tháng, xin tàn nhang, nước thải…
Mê tín tất nhiên là điều không hay. Nhưng vấn đề là ở chỗ có những loại mê tín chỉ làm cho người ta có những niềm tin sai lạc, những hành vi nhỏ bất lợi trong cuộc sống như trường hợp mê tín liên hệ ở đạo Phật đã nói ở trên.
Và, có loại mê tín đưa đến xung đột, bạo lực, chiến tranh giết người, tự sát, loạn luân, chia rẽ dân tộc...
Chúng tôi muốn nói đến kiểu mê tín dẫn đến một số hành động cực đoan ở Tây Bắc mới đây, và ở Tây Nguyên trước đó.
Không phải dân trí thấp mới có kiểu mê tín như vậy. Trái lại, ở các quốc gia phát triển theo đạo Cơ Đốc, loại mê-tín-cực-kỳ-nguy hiểm đó vẫn đe dọa, phát triển làm đau đầu chính quyền, gây đau thương cho người dân sở tại.
Các chi phái biến thái của đạo Tin Lành, một tôn giáo có giáo quyền phân tán, lỏng lẻo, thường là xuất phát điểm của loại mê tín nguy hiểm đó.
Người ta trên tin vào Thượng đế, nhưng dưới lại tin vào một giáo chủ. Mà vị giáo chủ ấy lại có những ý đồ trục lợi cá nhân, hoặc cuồng tín cao độ, không từ bỏ một thứ phương tiện nào để “hành đạo”, như tích lũy vũ khí, kể cả vũ khí nặng, kích động bạo lực, xung đột, tự sát và những hành động kỳ quặc, loạn luân, lồng kết vào niềm tin tôn giáo.
Chắc chúng ta còn nhớ vụ chính quyền Hoa Kỳ phải dùng tới máy bay trực thăng vũ trang, xe tăng trấn áp một giáo phái vũ trang ở một trang trại bang Texas vào tháng 2-1993. Giáo chủ và một số tín đồ chống trả quyết liệt rồi tự sát và bị ép buộc tự sát, bằng cách nổi lửa tự đốt căn cứ. Trong số người chết cháy có nhiều trẻ em.
Trong những trường hợp này, người ta tin Thượng đế ban cho giáo chủ những quyền hạn riêng, vương quốc riêng, là đại diện của Thượng đế. Tín đồ thì có thể về thiên đàng, hay là đấng siêu nhiên sẽ giáng trần gặp tín đồ, thành lập vương quốc riêng cho những người tin đạo…
Kiểu mê tín này đã lan đến ta qua những sự kiện xảy ra ở vùng cao nguyên miền Trung, rồi sau đó miền Bắc mới đây.
Kiểu mê tín này rất nguy hiểm, vì khả năng gây bạo loạn, chiến tranh làm thiệt hại nhân mạng rất lớn. Cuộc chiến Thái Bình Thiên Quốc từ niềm tin vào vương quốc riêng với sự bảo trợ của Thượng đế (Thiên Quốc) chia cắt miền Nam Trung Quốc trong nhiều năm vào thế kỷ XIX, làm chết một số lượng người rất lớn, gồm cả quân binh nhà Thanh, dân thường và quân binh Thái Bình Thiên Quốc là một ví dụ cho mê-tín-nguy-hiểm.
Vì vậy, khi dấu hiệu của dạng mê tín nguy hiểm này được bộc lộ, dù ở quy mô nhỏ, thì cũng phải hết sức cảnh giác.
Nếu mê tín cộng với cuồng tín thì hậu quả thảm khốc khôn lường. Nếu không thể gây bạo loạn phát động chiến tranh, chia cắt lãnh thổ thành lập vương quốc, thì họ có thể tự sát tập thể kiểu như những tín đồ ở Mỹ, hay hành động liều mạng, cuồng dại bất chấp hậu quả. Đã mê cuồng rồi thì khó mà ngăn được những hành động nông nổi, liều lĩnh.
Liều thuốc chữa bệnh mê tín
Tất nhiên đó là chánh tín, chánh kiến, chánh tư duy, những nguyên lý cơ bản của đạo Phật.
Cho dù đạo Phật ở Việt Nam cũng có bị vấy bẩn bởi một số dạng thức mê tín, nhưng đó là kiểu mê tín vụn vặt, tác hại hết sức giới hạn, và đang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền bài trừ mạnh mẽ và có kết quả.
Phần lớn lớp Tăng Ni được đào tạo trong những năm gần đây dưới sự tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều là những vị vững vàng trong chánh tín, chánh kiến, hầu như không bị mê tín vấy bẩn.
Phật giáo, với sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với thế hệ Tăng Ni mới ở cả phía Bắc lẫn phía Nam, từ các học viện, các trường cao cấp, trung cấp được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập tổ chức, điều hành, là những yếu tố có thể góp phần tích cực vào mục tiêu giải trừ mê-tín-nguy-hiểm, đang manh nha xuất hiện ở nơi này, nơi kia trên đất nước ta, đe dọa đến cuộc sống bình an của người dân, sự đoàn kết thống nhất của Tổ quốc.
Vấn đề đã trở nên cấp thiết sau những vụ việc gần đây, đòi hỏi việc giải trừ mê-tín-nguy-hiểm phải được chú trọng và đẩy mạnh.
Ở Tây Nguyên, có thể đã có những kết quả nhất định trong việc mê-tín-nguy-hiểm, với nhiều đợt quy y tập thể của đồng bào dân tộc ít người anh em.
Nhưng Tây Bắc hiện vẫn là một vùng trắng Phật giáo và đã bộc lộ điểm nóng của mê-tín-nguy-hiểm.
Đây là một trọng điểm truyền bá chánh tín, giải trừ mê-tín-nguy-hiểm.
Diện tích vùng Tây Bắc rộng lớn, cư dân sống phân tán, đường sá đi lại khó khăn. Do đó, để truyền bá chánh tín, giải trừ mê-tín-nguy-hiểm phải cần đến lực lượng Tăng Ni trẻ đông đảo.
Với yêu cầu như vậy từ thực tế, việc huy động lực lượng Tăng Ni cả từ nguồn phía Nam là điều các cơ quan chức năng có thể nghĩ đến.
Tôn giáo, và thậm chí, có thể là một chút mê tín vô hại, là sinh hoạt tâm linh đương nhiên của con người. Nhưng không nên coi mê-tín-nguy-hiểm là một dạng phát triển của mê tín, mà đó là mê tín theo kiểu hoàn toàn khác.
Trách nhiệm của Phật giáo đối với nhân sinh, đối với sự an nguy của dân tộc khiến Phật giáo Việt Nam không thể bàng quan trước mầm mống mê-tín-nguy-hiểm xuất hiện ở những nơi có đặc thù tôn giáo nhạy cảm.
Vì vậy, sự nỗ lực dấn thân truyền bá chánh tín của thế hệ Tăng Ni trẻ khắp mọi miền, sự động viên, hậu thuẫn kịp thời từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ chính quyền và các cơ quan chức năng là điều hết sức cấp thiết trong lúc này.
Tuy nhiên, cũng cần thấy đây là vấn đề chiến lược lâu dài, thường xuyên và trọng điểm trong việc bảo vệ sự an bình cho cuộc sống người dân. Đó không chỉ là vấn đề của riêng nước ta và càng không chỉ là trong thời điểm hiện tại.