Lớp học ngăn nắp, giản dị với bảng đen, phấn trắng. Những đôi mắt trong veo của những cô bé cậu bé học trò ngoan đang chăm chú nhìn lên bục giảng, những đôi mắt to tròn biết "lắng nghe". Tan học, bước vội ra khỏi cổng chùa, các em bắt đầu công việc mưu sinh với hơn nửa ngày còn lại để giúp gia đình…
Các em trở thành những học trò ngoan
Những đứa trẻ xóm nhập cư
ĐĐ.Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Liên Hoa, Q.8 nhớ lại, đó là những buổi chiều trước cổng chùa có những đứa trẻ lang thang tụ tập, đứa nào cũng lấm lem, đánh nhau, miệng thì chửi thề… Hỏi ra mới biết, các em là trẻ cơ nhỡ, không được học hành và tự bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, có em bán vé số, đánh giày, lượm ve chai... Câu hỏi "rồi tương lai những đứa trẻ này sẽ đi về đâu?" cứ đau đáu trong lòng vị sư trẻ mới đỗ tiến sĩ chuyên ngành lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ vừa trở về lại trú xứ chùa Liên Hoa.
Xã hội hiện đại đang biến chuyển ngoài kia như đối lập hoàn toàn thế giới nhỏ bé của các em nơi này: thất học, không được cha mẹ dạy dỗ, không an toàn trong môi trường sống và tuổi thơ bị đánh cắp. Thế giới của các em là những ngày vất vưởng kiếm sống. Theo cha mẹ nhập cư từ các tỉnh lẻ, rồi tạm cư trong những xóm "ổ chuột" nằm dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, các em đa số không có hộ khẩu, không giấy khai sinh lận lưng. Nên, không đủ điều kiện đi học tại các trường tiểu học, chuyện học của các em cũng không được cha mẹ quan tâm. Sau bao ngày trăn trở, ĐĐ.Thích Thiện Quý quyết tâm đi vận động gia đình từng em và "dụ dỗ" bằng quà bánh để các em đến lớp mà học cái chữ. Và lớp học tình thương chùa Liên Hoa ra đời.
Em Lê Thị Kim Ngân (lớp 2) phải vất vả nương nhờ người cha bán vé số. Tối đến ba cha con ngủ dưới gầm cầu thang của một căn nhà trọ ở đường Chánh Hưng, Q.8. Ngoài giờ học, Ngân cùng em phụ ba bán vé số để có tiền trang trải cuộc sống. Hai chị em Kim Hoàng, Hồng Nga đều học lớp 2 lại có hoàn cảnh rất đáng thương, ba của em hàng ngày đi lưới cá kiếm sống, hai chị em ngoài giờ học phải tự đùm bọc và lo lắng cho nhau. Em Mỹ Hằng là con nhà nghèo, cha mẹ chạy ăn từng bữa nhưng em lại mang căn bệnh tim bẩm sinh, hàng tháng em phải vào bệnh viện thăm khám.
Câu chuyện hoàn cảnh của mỗi em là một câu chuyện buồn, cha mẹ bỏ nhau phải sống với ông bà, có em đầy đủ cha mẹ nhưng không được quan tâm, có em vất vả tự kiếm sống. Nhưng, đa số các em xuất thân từ những gia đình quá khó khăn, không có điều kiện đến trường, có khi cả mấy chị em đều vào học ở lớp tình thương chùa Liên Hoa, như hai chị em Kim Hoàng, Hồng Nga; ba chị em Phạm Quỳnh Hương, Phạm Tuấn Sanh và Phạm Quỳnh Lê. Cũng có những em vì cha mẹ bỏ nhau phải ở với bà, tâm lý không ổn định, không được chăm sóc từ phía gia đình nên học hoài mà không lên lớp được...
Chung tay vun từng con chữ
ĐĐ.Thích Thiện Quý nói, vất vả nhất là những ngày đầu gom các em vào lớp học, đa số các em xuất thân từ trẻ bán vé số, lượm ve chai, không được giáo dục từ phía gia đình nên các em đi học cũng "tùy hứng". Có khi lớp học có vài em, có khi được đôi chục, có em nào thầy Quý cũng đứng lớp dạy. Cần mẫn, chăm chút cho từng em một. Nhưng, vất vả nhiều vẫn là công tác vận động phía cha mẹ của các em. Mỗi tháng mấy bận làm công tác tư tưởng từ phía phụ huynh, ngoài lập sổ liên lạc cho cha mẹ theo dõi chuyện học của con, ĐĐ.Thiện Quý còn hướng dẫn phụ huynh về cách giúp đỡ, khuyến khích các em đến lớp học chữ và trong gia đình phải "biết nói lời yêu thương" để các em được giáo dục trực tiếp từ phía người thân trong gia đình.
Cô giáo trẻ Trúc Thanh vừa tình nguyện đến với lớp
đang trò chuyện với 3 chị em Hương, Sang, Lê
Đã 5 năm qua, lớp học tạm bợ trong hai căn phòng dành cho các chú tiểu, bàn ghế thì xin được từ các nơi không sử dụng nữa, tập bút cũng được chùa chăm lo cho từng em một. Tuy vất vả nhưng ĐĐ.Thiện Quý thấy vui bởi lẽ các em đến lớp ngày càng đông lại ngày một ngoan ngoãn, biết nghe lời. Hiện nay, lớp buổi sáng có 40 em được học chương trình phổ cập từ lớp 1 đến lớp 4; lớp 5 các em được ra Trường THCS Bông Sao để học và thi tốt nghiệp. Khi các em hết chương trình cấp 1, nếu đủ tiêu chuẩn được chuyển lên học lớp 6 của chương trình chính quy.
Không dừng lại ở đó, vài đứa trẻ quá tuổi không có điều kiện học văn hóa nên phải đi học nghề, ĐĐ.Thiện Quý lại tiếp tục mở lớp dạy thêm tiếng Anh vào chiều thứ Bảy, Chủ nhật cho hơn 60 em bao gồm các em lớn đi học nghề, các em lớp buổi sáng và học sinh nghèo trong khu vực chùa không có điều kiện học thêm. Lớp học được các giáo viên và sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại các trường đại học ngoại ngữ tình nguyện đứng lớp, giảng dạy.
Điều đáng quý là những người trực tiếp đứng lớp cho các em là các thầy cô giáo đã về hưu, có thầy cô từng là thầy cô của ĐĐ.Thiện Quý ngày xưa. Câu chuyện tình người ở lớp học tình thương chùa Liên Hoa như nối dài thêm đầy nghĩa tình. Đó là thầy Tổng, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng; cô Anh, giáo viên chuyên Văn lớp 9; đó là cô Tuyết, cô Liễu, thầy Sơn… những thầy cô giáo không ngại khó hàng ngày đến với lớp học bằng tất cả sự tận tụy và tình thương yêu.
Cô Tuyết, dạy lớp 1 từ khi mới thành lập trường đến nay tâm sự, nếu không có sự đồng cảm, chia sẻ và tình thương yêu trẻ thì rất dễ nản lòng. Nhưng, chúng tôi đã trót chọn lấy nghiệp giáo rồi. Cô Tuyết cho biết thêm: "Đứng lớp 1 là vất vả nhất vì các em có độ tuổi khác nhau, mỗi em vào lớp mỗi thời điểm khác nên phải kèm từng em một. Nhưng, rồi cũng ổn hết, vì có bạn học giỏi, khá hơn sẽ phụ giúp cho các bạn kém hơn".
Cô Phạm Quỳnh Anh, cựu giáo viên Trường THCS Chánh Hưng đang đứng lớp 2 tại đây cho biết, so với những ngày đầu vào lớp, các em có sự chuyển biến tốt về tính cách khá rõ rệt. Bởi lẽ, ở lớp ngoài học các môn học chính, thầy cô còn chú tâm rèn luyện các em về đạo đức, cách ứng xử với người lớn, gặp người lớn phải chào hỏi… Ở lớp, thầy cô cũng hướng các em đến những điều thiện lành của một người con Phật, các em biết niệm Phật, biết chắp tay chào quý thầy… Đó là cả một quá trình chắt chiu lâu dài từng con chữ một, uốn nắn từng mầm non với nhiều vất vả và yêu thương. Ở đó, những tấm lòng của một "cô giáo như mẹ hiền" luôn được trải rộng, bao dung. l