Chén chè đậu đỏ ở chùa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GN - Sau những ngày tá túc tại Sài thành thi cử, thí sinh trở lại quê nhà và gửi gắm chia sẻ rằng, sẽ nhớ mãi chén chè đậu đỏ ở chùa.

Chén chè ấy “đánh” trúng vào tâm lý thí sinh (đang thi cử, theo dân gian… nên ăn đậu đỏ để thi đậu và đậu cao) và cũng là lời chúc chân thành của nhà chùa dành cho thí sinh - những bạn trẻ vừa được nhà chùa “tiếp sức” trong Chương trình “Tiếp sức mùa thi 2012” (do Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư và Báo Giác Ngộ tổ chức).

Quý thầy, quý sư cô làm vậy tất nhiên không vì tin vào “luận điểm” thiếu lô-gích, không khoa học, cũng không theo luật nhân quả (bởi chánh nhân học giỏi, học chăm thì thi mới đỗ) mà là vì quý thầy, quý sư cô hiểu rất rõ, niềm tin của thí sinh (ở đây được hiểu là tâm lý thoải mái, bình tĩnh, tự tin trước khi vào cuộc thi) rất quan trọng. Chính vì vậy mà những buổi lễ mang tính chất tâm linh, làm an tâm (như lễ cầu nguyện, chú nguyện của quý thầy, quý sư cô tới thí sinh) mới được tiến hành một cách công phu, thiêng liêng. Và, cũng chính vì vậy mới có những nồi chè đậu đỏ ở chùa vừa ấm áp, vừa chứa đựng thông điệp gửi gắm, chúc lành cho thí sinh thi tốt.

Chén chè đậu đỏ được đón nhận bằng tâm hoan hỷ, và có ai đó cắc cớ thắc mắc, nhà chùa mà cũng tin chuyện ăn đậu đỏ thi đậu hay sao mà nấu chè đậu đỏ thì chắc chắn cũng sẽ được thí sinh trả lời rất dễ thương rằng: chén chè đậu đỏ ấy là tình thương, gửi gắm và chúc nguyện của nhà chùa.

Cũng vậy, lễ cầu nguyện mùa thi tất nhiên không phải là nghi thức chắc ăn sẽ đậu cho những ai tham dự buổi lễ (như cơ chế xin-cho, ban phát theo quan niệm của ngoại đạo) mà đó là một nghi thức an tâm, giúp cho người cầu nguyện trở lại với tự tánh an lạc vốn chơn như trong mình mà mình không có cơ hội tiếp xúc do không có tĩnh lặng, không sống được trong giây phút hiện tại vì mải chạy điên cuồng trong suy nghĩ, lo lắng về tương lai hay nhớ vẩn vơ về quá khứ…

Phong Châu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày