Chị Tím…

GN - 48 tuổi, gần 20 năm thiện nguyện chăm sóc các em bé sơ sinh ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế: Với tâm niệm coi mình như là đất, các em như hoa để mặt trời chiếu vào hoa tỏa hương khoe sắc. Đó là tất cả những gì để nói về chị Cái Thị Tím, mẹ chung của những đứa con đặc biệt ở Cô nhi viện Đức Sơn...

Mất mát từ quá khứ

 Tôi gặp chị Tím vào một ngày Chủ nhật giữa tháng Tư với cái rét Nàng bân và tiết trời mưa lạnh ở Huế. Trước mắt tôi là chị với thân hình gầy guộc, lưng khom khom, tay bồng, tay bế những đứa trẻ chừng 3-4 tháng tuổi, hết công việc này rồi đến công việc khác, không nguôi tay. Trong khoảng thời gian ít ỏi của mình tại chùa Đức Sơn, tôi đã vui đùa với các em nhỏ ở đây, được nghe, được chứng kiến những câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc đời chị Tím.

CT.jpg
Chị Cái Thị Tím

Quá khứ của chị Tím mà tôi được nghe kể là một chuỗi ngày buồn. 24 tuổi, chị hạnh phúc vì lấy được người chồng hiền, chăm chỉ làm ăn. Niềm vui vỡ òa khi chị sinh được 3 người con “đủ nếp, đủ tẻ”. Thế mà, nỗi đau lại ập đến quá bất ngờ đối với tổ ấm nhỏ ấy, chồng chị chết không toàn thây trong một vụ nổ bom phế liệu ở nhà hàng xóm.

Lúc ấy, 3 đứa con còn quá nhỏ, đứa lớn nhất chỉ mới 4 tuổi, đứa út chỉ mới 5 tháng, chị phải cố sống tốt hơn. Một mình chị phải “lặn lội thân cò”, ai kêu gì làm nấy, miễn có tiền lo cho sắp nhỏ. Tưởng như đau thương thế là quá đủ nhưng  không ngờ nỗi đau dường như nhân lên gấp bội khi chị phát hiện hai đứa con trai của mình bị bệnh nặng. Đau đớn, tuyệt vọng, nhiều lần chị Tím định tự vẫn để quên đi thực tại phũ phàng. Cuộc đời mẹ góa, con côi le lói chút hy vọng khi có người giới thiệu chị đến chùa Đức Sơn, địa chỉ từ thiện cho những mảnh đời bất hạnh. Thế là, cuộc sống của chị và những đứa con có lối thoát…

Mẹ của những đứa con đặc biệt

Chị Tím chia sẻ với tôi: “Nhờ các sư cô trong chùa Đức Sơn thương cảm và cưu mang mẹ con chị và đem con đi chữa, nếu không có cái duyên này có lẽ, con chị đã chết từ lâu rồi”. Từ khi được sư cô cưu mang, chị Tím coi đây là ngôi nhà thật sự của mình và đến nay chị đã có gần 20 năm gắn bó với tổ ấm chùa Đức Sơn. Để đền đáp lại công ơn của các sư cô chùa Đức Sơn, chị Tím nguyện cả đời mình gắn bó và nuôi dưỡng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nên người.

Tôi thật ngạc nhiên bởi mấy em nhỏ gọi chị là mẹ. Chị nói: “Ở đây, tôi chăm sóc chúng từ khi chưa biết lật, biết nói nên các con gọi tôi bằng mẹ”. Ngồi nghe chị và các em bé nói còn chưa rõ chữ, xưng con con, mẹ mẹ nghe thật ấm lòng. Chị Tím chỉ về 2 chiếc nôi có 2 em bé gái sinh đôi còn đỏ hỏn: “Hôm trước, họ sinh ra rồi bỏ ở Bệnh viện Trung ương, các bác sĩ đem về chùa nhờ các sư cô cưu mang”. Kể tới đoạn này, chị Tím rơi nước mắt.

Nhìn các em vui chơi, chạy nhảy gọi chị Tím là mẹ, thỉnh thoảng có bé còn chạy lại hôn lên má mẹ Tím, tôi thấy thật nhẹ lòng, ít ra chúng cũng có một người mẹ tuy không thật đúng nghĩa nhưng đủ để các bé yêu thương.

Kể về công việc thường ngày, chị Tím cho biết, ở đây có tất cả 172 em đủ mọi lứa tuổi, chị được phân công chăm sóc các em bé sơ sinh. Trong căn phòng trẻ nhỏ có 12 em, có em đã biết đi, bi bô tập nói, có em chỉ mới biết lật. “Bé nào mình cũng xem như con, con ruột mình thương một, các con ở đây mình phải thương gấp hai vì các con tội lắm, đa số bị bỏ rơi, không có cha mẹ”, chị Tím chia sẻ.

“Lương tháng không bằng…  lương tâm”

Khi nghe tôi hỏi về lương mỗi tháng ở đây, chị Tím chỉ nói: “Lương tháng không bằng lương tâm”. Chị phân trần, “mình và các con được chùa cưu mang, ơn còn chưa trả hết, việc ni thì có đáng gì mà trả lương, trả bổng”. Tôi thấy mình hời hợt quá…Bây giờ, niềm an ủi lớn nhất của chị là 2 đứa con ruột đều khỏi bệnh đang học nghề do chùa trợ cấp. Đứa con gái út của chị đang học du lịch và vui hơn hết bây giờ chị là mẹ của hàng chục đứa trẻ.

CT (2).jpg
Các em ở mái ấm tập múa

Tôi thầm nghĩ, chăm sóc và nuôi lớn một đứa con đã khó đối với bậc làm cha mẹ, thế mà chị Tím và các sư cô ở chùa Đức Sơn chăm sóc hàng trăm đứa trẻ là một điều phi thường. Đó không chỉ là chuyện cho ăn, cho mặc, là trách nhiệm nuôi dạy mà còn cả sự yêu thương vô bờ bến. Với chị Tím, những đêm thức canh chừng sợ các con sốt cao, rồi co giật hay những ngày vô bệnh viện chăm những đứa con bị bệnh không là gì cả so với tấm lòng của một người mẹ.

Chị tâm sự: “Việc gì tôi cũng làm, mong sao cho tất cả các con đều được sống khỏe mạnh, vui vẻ”. Nhiều người giàu có biết chị giữ con nít giỏi nên ngã giá 3-4 triệu đồng một tháng thuê chị nhưng chị từ chối thẳng thắn, với chị không chỉ cái duyên ở chùa mà còn là nghĩa, là tình.

Sư cô Liên An thì cho biết: “Chị Tím là người xem các bé bị bỏ rơi như là máu thịt của mình, sẵn sàng lo cho các con mà không tính phần thiệt về mình, thật đáng trân trọng…”.  Chính vì thế, nhiều đứa trẻ được chị Tím nuôi lúc nhỏ, khi thành đạt làm bác sĩ, kỹ sư… về thăm chị và các sư cô, hỗ trợ kinh phí để chùa tiếp tục nuôi các em nhỏ.

Ở chùa Đức Sơn gần 20 năm, chị Tím chưa từng bị đau một lần nào, có chăng chỉ là cảm nhẹ. Có lẽ, Trời Phật gia hộ cho chị có sức khỏe để nuôi dưỡng các con nên người. Ước mơ của chị Tím cũng là ước mơ của nhiều sư cô ở đây, mong sao cho các con được mạnh khỏe, học giỏi, thành người có ích cho xã hội.

 Chị chia sẻ: “Tôi sẽ gắn bó hết cuộc đời này ở đây, để có thể chăm sóc thêm nhiều mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh nữa”. Chia tay chị Tím và những đứa con bé nhỏ của chị, trong lòng tôi văng vẳng những câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

Bài, ảnh Văn Mến

Cặp song sinh mồ côi, học giỏi

GN - Bố bị tai nạn đột ngột qua đời, người mẹ quá đau buồn đổ bệnh thần kinh rồi bỏ đi từ đấy. Hai chị em song sinh Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hiền Lương bỗng trở thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Từ quê hương Tiền Giang xa xôi, các em đã đến chùa Đức Sơn nương nhờ cửa Phật.

Sư cô Liên An vừa kể với chúng tôi vừa đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình che đi những giọt nước mắt đang chực trào ra. Khi Nhàn và Lương mới được 7 tuổi thì tai ương đổ xuống tổ ấm nhỏ, người bố bị tai nạn giao thông ra đi quá bất ngờ, còn mẹ vì quá đau buồn, tuyệt vọng đã đổ bệnh tâm thần, rồi bỏ đi từ đấy...

CT (1).jpg
Hai em được sự đùm bọc của quý sư cô chùa Đức Sơn - Ảnh: Văn Mến

Sư cô Minh Tú, người nuôi dạy hai em chia sẻ: “Lúc mới nhận hai con vào nuôi dạy, các sư cô phải tìm đủ cách để ổn định tâm lý, mấy tuần đầu các con hay giật mình, quấy khóc, tỉnh giấc nửa đêm, thường hay ngồi một mình và ít nói. Dần dần đến nay, các con đã ổn định được và hòa nhập rất nhanh”.

Còn Sư cô Liên An thì tự hào nói:“Thanh Nhàn và Hiền Lương luôn luôn ý thức rằng ngày trước mình đã sống trong một tuổi thơ khắc nghiệt, giờ có cuộc sống ổn định nên các con khá ngoan ngoãn, nghe lời. Ngoài giờ học, hai chị em còn phụ giúp các cô những việc nhỏ trong chùa và tự giặt giũ áo quần của mình”.

Đối với hai em, học chính con đường duy nhất để em ngẩng cao đầu, để thoát khỏi cái nghèo, có thể đền đáp công ơn của các sư cô trong chùa Đức Sơn. Suốt 3 năm qua, Nhàn và Lương đều tự ý thức việc học, đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Khi được hỏi về ước mơ, Nhàn chia sẻ: “Con rất muốn đi học để sau này trở thành cô giáo dạy chữ”, còn người chị sinh đôi là Lương thậm chí còn suy nghĩ chín chắn hơn: “Con cố gắng học giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”. Tuy đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng các em đã thể hiện được nghị lực vượt khó, biết ước mơ vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Nhìn hai cô bé với đôi mắt ánh lên một niềm tin, tôi không khỏi băn khoăn, nhưng dù vậy tôi vẫn mong cho ước mơ trở thành cô giáo và bác sĩ của hai cô bé song sinh đặc biệt này sẽ trở thành hiện thực.

Thanh Quýt

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày