Chị tôi

Thương tặng chị Ba

GN - Hai chị em tôi cứ xáp lại gần nhau là có cãi, có giận hờn nhau vì những chuyện không đâu. Tôi sai thằng cháu đi mua bánh mì ăn sáng. Chị gọi giựt lại bảo khỏi mua gì hết. Vậy lấy cái gì ăn sáng. Thì hâm cơm ăn. Ai có thì giờ làm chuyện đó? Vậy là có cãi... Đại loại những chuyện vớ vẩn như thế.

chitoi.jpg

Từ nhỏ, khi chỉ mới 7, 8 tuổi, chị đã bị nội chửi “ngu”, vì cứ hễ thấy các bác già đến nhà vay nợ, hay khất nợ, chị đều dấm dúi cho họ một quả cau tươi, hay mấy lá trầu xanh mượt lén lấy trong cơi trầu của nội. Trong khi em Tư nhỏ xíu đã “khôn lanh” biết lo đứng canh chừng xem họ có lén lấy cắp gì của nội không.

Sau khi ba tôi mất, chị gần như thay mẹ lo cho các em. Chị là người đã dẫn tay tôi ngày đầu tiên đến trường. Chị bày cho tôi cách cứ viết gì mình nghĩ. Nhờ chị, tôi từ một đứa chỉ biết ngậm bút trước các bài tập làm văn, đã được cô giáo đọc bài, khen ngợi trước lớp.

Tôi nhớ hồi nhỏ hay bực mình, “căm tức” chị, vì cứ bị chị canh chừng nhắc nhở: Con gái ăn mặc phải thế này, nói năng phải thế kia, đi đứng phải thế nọ, v.v...

Mà chị đâu có lo cho mỗi mình tôi. Chị còn lo tắm gội, lo đút cơm, giặt đồ... cho mấy đứa em, con của cha dượng. Cuộc sống tất bật khiến chị dường như không có cuộc sống riêng của mình, trong khi nhiều cô gái ở tuổi chị chỉ biết mơ mộng cho những tình cảm lãng mạn của tuổi đôi mươi. May mà má tôi còn kịp nghĩ lại, cho chị đi học may dưới Sài Gòn để có nghề, sau này giúp tấm thân. Nhưng giúp cho bản thân chị đâu chưa thấy, chỉ thấy sau khi học xong, thành nghề, chị đã phải ngồi dính với chiếc bàn máy để kiếm tiền phụ giúp gia đình khi kinh tế gia đình tôi đang tuột dốc không phanh. Nhờ có đồng tiền may đồ trong xóm của chị mà có tiền đi chợ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình...

Khi gia đình tôi gần như khánh kiệt: cha dượng bệnh, tiền của trong nhà theo đó tuôn đi. Gia đình lại đông con, không ai có công ăn việc làm ổn định, nợ nần bủa vây. Thời điểm đó chúng tôi ra đường không dám ngước mắt nhìn ai. Ở nhà thì sợ người đến gõ cửa đòi nợ, chúng tôi dường như lén lút sống cho qua ngày. Ở bước đường cùng đó, đã có một cánh cửa mở ra: Một người quen chỉ đường đi nước ngoài làm việc. Điều kỳ diệu đó cũng có cái giá của nó. Có nghĩa là chị phải xa gia đình, phải sống nơi xứ lạ quê người, một thân cô độc. Điều không dễ cho một cô gái chưa từng đi đâu xa hơn thành phố Sài Gòn chấp nhận. Nhưng chị tôi đã gật đầu ra đi.

Một mình nơi xứ người, chị đã phải trải qua bao thử thách: học tiếng người, học cách làm việc ở xứ Mỹ, học lái xe, học để nâng cao tài nghệ... Chị một mình âm thầm chịu đựng, không hề hé môi than thở với gia đình một tiếng nào. Chúng tôi đinh ninh chị đã có một cuộc sống thần tiên nơi xứ người, qua những tấm ảnh màu bóng loáng... Trong khi chúng tôi ở quê nhà, nhờ những đồng tiền lương của chị gửi về, anh Hai tôi đã mở được một cửa tiệm sửa/bán radio, tivi... Cuộc sống dần khá hơn: nợ đã được trả, tôi được tiếp tục đi học. Sau này anh Hai còn dẫn má đi du lịch đến tận Singapore, Malaysia!

Rồi hoàn cảnh đưa đẩy, gia đình chúng tôi lại sum họp ở xứ người. Chị lại một tay lo cho mọi người từ chỗ ăn, chốn ở, việc học hành của mấy đứa cháu, vậy mà đôi khi chúng tôi cũng rất vô ơn. Trách móc chị ở nước ngoài lâu mà không dám mua nhà, không dám kinh doanh thứ gì để mau giàu, để có nhà có cửa như người ta. Trước những lời trách móc vô tâm đó, chị hiền lành gỡ gạc: “Sợ làm không đủ lương trả nợ...”.

Bây giờ chúng tôi ai cũng đầu hai thứ tóc. Cuộc sống còn lại đã ngắn đi nhiều. Ngồi ngẫm lại, riêng tôi thấy có nhiều lỗi đối với chị, nhất là lỗi hỗn hào. Nhiều khi sự hết mình của chị vì người khác, đã khiến người thân vì nóng ruột chị mà bực mình, mà “điên tiết” để những lời nói thiếu chánh niệm, đầy ác ý dễ làm tổn thương nhau mặc sức tuôn trào. Tôi nợ chị vạn lời xin lỗi. Tôi nợ chị nhiều lời cảm ơn không thể nói ra lời. Kỳ lạ, lời thô lỗ, các ác ngữ thì dễ nói, còn lời ngọt ngào, ái ngữ thì lại ngắc ngứ trong cổ họng, như bị mắc xương cá.

Xin lỗi chị. Ngàn lần xin lỗi và cảm ơn nhân duyên được làm chị em với chị. Chắc chắn những nhân lành chị đã gieo trồng trong kiếp này sẽ thành quả ngọt ngào của tương lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày