Chia sẻ nước ngọt đến vùng hạn, nhiễm mặn

GN - Những ngày tháng Ba vừa qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đạt mức cao chưa từng có, xảy ra ở một số địa phương thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ. Nước ngọt trở nên khan hiếm, người nông dân nghèo ở các vùng này phải chắt chiu mua từng can nước ngọt để dùng trong ăn uống, sinh hoạt…

Khi châu thổ cạn dần nước ngọt


Tại diễn đàn Quốc hội vào cuối năm 2019, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đã cảnh báo nguy cơ trước mắt của đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề biến đổi khí hậu, “Cửu Long cạn nguồn, đó là báo động sốt, cấp bách và có thực”.

hinh xh GN 1042.jpg

Nhiều chùa ở Bến Tre đã chia sẻ nước uống đến người nghèo

Từ lâu nay, đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa lớn nhất cả nước, vùng đất bồi đắp phù sa hiền hòa, cây trái quanh năm tươi tốt. Thế nhưng, đây cũng là nơi đang diễn ra nhiều nghịch lý như cơ sở hạ tầng, chất lượng đời sống của nhân dân còn thấp, bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt.

Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn từ cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Vàm Cỏ Tây đã lấn sâu vào nội đồng và từ hướng sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) lấn sang địa phận tỉnh Tiền Giang.

Đặc biệt, người dân vùng giáp biển như Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang)... vẫn phải sử dụng nước kênh mương để sinh hoạt nhưng hiện nay, nguồn nước này đang dần cạn kiệt hoặc nhiễm mặn nên không thể sử dụng.

Cả tháng qua, người dân các địa phương này phải tập sống chung với hạn, mặn, thiếu nước ngọt trong ăn uống, sinh hoạt. Các nhà vườn ở huyện Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang) nằm sâu trong đất liền đã phải mua từng sà-lan nước ngọt về tưới sầu riêng cầm chừng. Bên cạnh đó, tình cảnh các gia đình ở vùng nước bị nhiễm mặn phải xếp hàng mua nước ngọt với giá 30 nghìn đồng/can 30 lít từ các nơi khác chở đến đã không còn xa lạ nữa.

Tại tỉnh Bến Tre, trước tình hình nắng hạn với nhiều khó khăn, chính quyền địa phương cũng đã phát động người dân chung tay tham gia ứng phó ảnh hưởng của xâm nhập mặn bằng việc hỗ trợ dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng trong sinh hoạt, hoa màu.

Theo Đại đức Thích Trí Thuận, Phó Thư ký Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Bến Tre, bình thường tại Bến Tre, muốn sử dụng nước ngọt phải lấy từ giếng khoan.

Thế nhưng, trong mùa này, những giếng khoan khoảng 10 mét không còn nước ngọt, nước ở sông rạch thì độ mặn tăng cao nên không sử dụng được. Vì vậy, người dân nhiều địa phương phải mua hoặc xin nước ngọt để sử dụng trong ăn uống. Đối với nhiều gia đình thuộc diện khó khăn, việc phải mua nước ngọt là vấn đề không hề nhỏ, nhưng “thiếu gì thì còn được, chứ thiếu nước uống là không thể được”.

Những câu chuyện của sự sẻ chia

ĐĐ.Thích Trí Thuận cũng cho biết, nhiều cơ sở tự viện ở Bến Tre đã có những động thái nhằm chia sẻ thiết thực nhất cho bà con trong lúc này.

Điển hình trong số đó có chùa Huệ Ân (xã Tân Thanh) và chùa Phước Long (xã Phong Nẫm) thuộc huyện Giồng Trôm đã chở nước ngọt từ thành phố Bến Tre, chia sẻ với mỗi gia đình trong địa phương từng can 20 lít nước ngọt. Hay như, chùa Bửu Minh (huyện Chợ Lách) cũng đã hỗ trợ nước ngọt cho bà con trong khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn, nhiễm mặn.

ttxh1 (2).jpg

Chư Tăng chùa Viên Minh, TP.Bến Tre vận chuyển nước ngọt chuẩn bị tặng đến người nghèo

Theo ĐĐ.Thích Trí Thuận, công trình hệ thống máy lọc nước sạch chuẩn bị lắp đặt tại trụ sở Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre - chùa Viên Minh (TP.Bến Tre), với công suất lớn, khoảng 10 khối nước sạch/ngày sẽ giải quyết phần nào vấn đề thiếu nước ngọt sử dụng trong ăn uống của người dân trong vùng.

Khi máy được vận hành, người nghèo sẽ được chia bớt một phần khó khăn trong đời sống hàng ngày. Cùng ý nghĩa đó, nhiều năm nay, chùa Phước Hậu, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đã lắp đặt và vận hành hệ thống máy lọc nước, chia sẻ nước sạch miễn phí cho người dân và Phật tử trong vùng.

Cũng trong tinh thần tương thân tương ái, chương trình nước sạch miễn phí được NT.Thích nữ Như Quang, Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Phó Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, trụ trì chùa Hòa Linh (xã Bình Khánh Đông) thực hiện. Chùa đã trao tặng 200 bình nước suối (20 lít/ bình) đến với bà con nghèo tại xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam.

Hay, ĐĐ.Thích Thiện Nghĩa, Phó ban TTXH Phật giáo tỉnh Bến Tre cũng đã tặng 150 bồn chứa nước (300 lít), 250 bình nước suối (20 lít), 500 khối nước ngọt đến với bà con tại Bến Tre, chia sẻ phần nào khó khăn với bà con vùng bị hạn, mặn xâm lấn. Ngoài ra, các chùa Vạn Đức (H.Bình Đại), Phước Lâm (TP.Bến Tre) cũng chung tay chia sẻ nước ngọt đến những gia đình khó khăn trong vùng nhiễm mặn.

Những ngày tháng Ba, bà con ở ấp 2, ấp 4 và ấp 5 thuộc xã Tân Phước, huyện Gò Công (Tiền Giang), vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn xâm lấn đã truyền tai nhau những câu chuyện thấm đẫm tình người.

Đó là câu chuyện về những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, tình nguyện đem nước ngọt từ quận 7, TP.HCM đến với người nghèo địa phương đang khốn đốn vì thiếu nước. Hình ảnh những bạn trẻ của Hội tình nguyện Gió yêu thương mang 24 khối nước ngọt đến tặng miễn phí cho bà con, như “làn gió ngọt lành, tươi trẻ” đã phần nào giải quyết khó khăn trước mắt.

Riêng đối với bà con nghèo xã Châu Bình, xã Mỹ Thạnh, các thầy cô giáo Trường mầm non thị trấn Giồng Trôm và Trường Tiểu học Bình Thành 2 (Bến Tre), 4 máy lọc nước từ MC Bùi Đại Nghĩa (TP.HCM) là món quà vô cùng ý nghĩa và cấp thiết.

ĐĐ.Thích Minh Phú, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban TTXH Phật giáo TP.HCM, Hội trưởng Hội Từ thiện Tường Nguyên cho biết, để giải quyết căn cơ hơn cho bà con vùng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn xâm nhập, Hội đã ký hợp đồng lắp đặt 100 máy lọc nước sạch, mỗi máy trị giá 5 triệu đồng. Các máy lọc nước này sẽ đặt tại 100 hộ nghèo ở tỉnh Bến Tre (mỗi gia đình nghèo được lắp 1 máy).

Bên cạnh đó, Hội cũng vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung tay ủng hộ lắp đặt 10 máy lọc công suất lớn (700 lít nước/giờ) cho cụm dân cư, và chi phí vận chuyển 130 khối nước sạch cho bà con vùng bị nhiễm mặn, mỗi gia đình được nhận một can nhựa 30 lít.

Những “dòng nước mát lành” chia sẻ đến với đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn ở các địa phương thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ trong những ngày này có thể nói vô cùng quý giá. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng về những giải pháp căn cơ, bền vững để người dân miền Tây có thể khắc phục và thích ứng tốt hơn với những biến động môi trường dữ dội mà rồi đây sẽ không còn tính theo ngày hay tháng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày