GN - Chư tôn thiền đức đã chia sẻ với PV Giác Ngộ nhiều kinh nghiệm tổ chức khóa tu...
Chia sẻ từ những người tổ chức
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, đó là lời khẳng định về vai trò quan trọng của những người trẻ đang sinh sống và học tập trong xã hội chúng ta. Hiện nay, với sự phát triển không ngừng về mọi mặt của xã hội, nhất là thời buổi của công nghệ khoa học hiện đại, các vấn nạn bạo lực học đường ngày một gia tăng, do giới trẻ thiếu chất liệu yêu thương trong cuộc sống nên tâm hồn trở nên khô cứng và trơ lì.
Mùa hè, phụ huynh cho con tới chùa học Phật - đó là lựa chọn ngày càng phổ biến
Các bạn bị mất sợi dây liên kết với cha mẹ và những người thân trong gia đình. Bản thân các bậc phụ huynh đều rất mong muốn có một môi trường tốt và phải phù hợp với giới trẻ trong cuộc sống xã hội hiện đại, để các em có thể học tập và vui chơi một cách lành mạnh và những hạt giống yêu thương có thể được nẩy mầm trong tâm hồn các em, rồi mỗi ngày mỗi lớn lên và đơm hoa kết trái trong cuộc sống, góp phần xây dựng một thế giới bình yên, hạnh phúc ngay trong đời sống thực tại của các em.
Đó là những ưu tư của các chùa khi mở khóa tu cho giới trẻ. ĐĐ.Thích Minh Nhẫn, trụ trì chùa Phật Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Các chương trình trong khóa tu được Ban Tổ chức tính toán rất kỹ về nội dung, thỉnh giảng sư có trình độ và năng lực, đặc biệt chú ý đến yếu tố tâm lý để có sự tác động đến nhận thức, tình cảm của các em, góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em”. Qua bốn năm tổ chức, mỗi năm chùa Phật Quang đều có một chủ đề riêng, với các hoạt động vui chơi ca hát, học tập các oai nghi tế hạnh, thực tập ngồi thiền, các buổi thuyết giảng của chư tôn đức giảng sư trong cả nước. Phương pháp thực tập phát triển tiềm năng của tư duy, thực tập phương pháp quản trị đời mình, đem lại nhiều lợi ích cho khóa sinh.
Khóa tu “Gieo hạt từ tâm” - Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận) cũng thế. “Khóa tu tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần nhưng không cố định ngày trong tháng; Ban Tổ chức chọn những ngày lễ để tổ chức và chọn chủ đề cho khóa tu với mong muốn hướng các em về những ngày lễ mang tính truyền thống dân tộc hoặc mang tính nhân bản của nhân loại. Tháng nào không có các ngày lễ thì ưu tiên chọn những chủ đề liên quan đến giới trẻ hiện nay để giúp các em có cái nhìn đúng đắn về thực trạng xã hội mà trong đó có sự góp phần của các em”, Sư cô Huệ Đức, trụ trì Quan Âm tu viện, TP.HCM cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm chọn giảng sư tại khóa tu cho giới trẻ, TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, nói: “Khó có thể đề ra một tiêu chí hay chuẩn mực nào cho một tập thể tu học. Vì học Phật pháp khác xa với học thế học, có thể cùng một độ tuổi nhưng có người hiểu được sâu sắc những lời Phật dạy, có người không hiểu hoặc không hứng thú trong cùng một vấn đề. Từ việc nắm bắt tâm lý chung của giới trẻ, chúng tôi cũng rất cân nhắc khi thỉnh mời giảng sư. Đó là các vị không chỉ có “tâm” mà còn phải có “tầm”, tức là không chỉ thông tuệ về Phật học mà còn am hiểu thế học, tâm lý xã hội… để tạo sự gần gũi trong việc chuyển tải nội dung mà BTC hướng tới các em”.
Những khó khăn…
Khi tổ chức khóa tu cho giới trẻ, dù Ban Tổ chức có chuẩn bị chu đáo đến đâu cũng đều có những khó khăn nhất định.
Giây phút hoan hỷ tại những khóa tu mùa hè
TT.Thích Chân Tính tâm sự: “Cây nhà lá chùa là câu mà chúng tôi hay nói để mong nhận được sự cảm thông của những người đến tham gia tu tập. Với phạm vi “chùa” thì chắc chắn chúng tôi không thể tổ chức một khóa tu chặt chẽ như một công ty hay một tổ chức xã hội có chuyên môn cao. Do đó, khi phác thảo được mô hình khóa tu cho giới trẻ, chúng tôi lên kế hoạch hành động chi tiết, phát động tinh thần dấn thân, phụng sự Tam bảo trong Tăng đoàn và tinh thần hộ pháp của người Phật tử. Khi có được nhân lực vừa đủ thì bắt đầu phân công công việc cụ thể cho các thành viên, cố gắng hạn chế đến mức tối đa những điều phát sinh ngoài ý muốn”.
ĐĐ.Thích Minh Nhẫn cũng nói: “Dù đã được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất phục vụ cho các em năm sau tốt hơn năm trước, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chưa được như mong muốn. Đội ngũ phục vụ cũng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa về tính chuyên nghiệp. Trò chơi dành cho các em cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Tất cả những việc vừa nêu chúng tôi đều họp rút kinh nghiệm sâu sắc và đang tiếp tục khắc phục cho những kỳ tới”.
NS.TN Tâm Chính, trụ trì chùa Vẽ, Trưởng ban TTXH GHPGVN TP.Hải Phòng tâm sự: “Khi chuẩn bị một khóa tu cho các em, ngoài vấn đề cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ, nội dung…, thì điều được chú ý và quan tâm nhất chính là người điều hành, hướng dẫn các em trong suốt thời gian diễn ra khóa tu. Do đối tượng tham gia khóa tu là các em thanh thiếu niên, nên người hướng dẫn các em tốt nhất là các Tăng Ni trẻ có trình độ Phật học và thế học. Hiện nay, số lượng Tăng Ni có khả năng hướng dẫn khóa tu cho các em quá ít, rất nhiều nơi muốn tổ chức khóa tu nhưng thiếu người điều hành và hướng dẫn”.
“Trong các khóa tu, điều đầu tiên chúng tôi trăn trở là khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như điều kiện sinh hoạt cho các em. Cụ thể là các vấn đề như vệ sinh, ăn uống, chỗ ngủ nghỉ và không gian sinh hoạt, tu học. Bởi nếu mọi điều kiện tu học chưa được chuẩn bị chu đáo, các bạn trẻ khó có thể dành hết sự tập trung và tinh thân thần tốt nhất để tham gia tu học Phật pháp”, Phật tử Minh Khôi - Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.
Hiện nay, an toàn thực phẩm là một nỗi lo của nhiều người, nhất là khi mà vấn đề ngộ độc thực phẩm, sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc làm nguy hại cho sức khỏe diễn ra khắp nơi...; trong các khóa tu, Ban Tổ chức cũng đã rất quan tâm đến điều đó. “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải tốt thì mới bảo đảm sức khỏe của khóa sinh trong thời gian tu tập. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Ban Tổ chức. Nếu có vấn đề không tốt ảnh hưởng trực tiếp từ khâu ăn uống thì phiền lụy sẽ rất nhiều”, ĐĐ.Thích Trúc Thông Kiên - trụ trì chùa Chí Linh, Trưởng BHDPT GHPGVN tỉnh Nghệ An, cho biết.
TT.Thích Chân Tính cũng nhấn mạnh: “Ẩm thực trong khóa tu là mối quan tâm hàng đầu của BTC, góp phần quan trọng bậc nhất vào sự thành công của khóa tu. Do đó, Ban Tổ chức đặc biệt chú trọng khâu phục vụ ăn uống và đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em bằng việc quản lý chặt chẽ từ khâu sơ chế thức ăn đến việc lựa chọn đầu bếp và phân phát thức ăn đến trai đường; các việc này luôn có sự giám sát kỹ càng do các thầy có trách nhiệm phụ trách, những người không có nhiệm vụ tuyệt đối không được tham gia để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Tâm sự từ những vị giảng sư
ĐĐ.Thích Đồng Thành, Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Bình Định, giảng sư tại nhiều khóa tu, chia sẻ: “Có những sự thay đổi về hình thức cũng như nội dung trong những khóa tu gần đây. Nếu những khóa tu trước đây thường chú trọng nhiều đến Phật pháp thì giờ đây chúng tôi mở rộng thêm ra những vấn đề xã hội. Cần phải đi sát vào đời sống thực tế giới trẻ, nắm bắt nhu cầu thực tế để giải tỏa những khúc mắc về học tập, quan hệ bạn bè, đời sống xã hội và định hướng tương lai cho các bạn”.
TT.Thích Bửu Chánh, Phó ban Hoằng pháp TƯ, Viện chủ thiền viện Phước Sơn, cũng cho rằng: “Khóa tu phần lớn đã đáp ứng nhu cầu vui chơi và tu học của các em. Các trò chơi phần lớn hướng các em đến con đường thiện lành, con đường tích cực. Tuy nhiên, nếu dành thời gian vui chơi nhiều quá, thì giờ để truyền bá Phật pháp cho các em bị hạn chế đi, vì một năm bên ngoài các em đã vui chơi nhiều rồi”.
Niềm an lạc từ giờ thực tập tĩnh lặng
Sư cô TN.Hương Nhũ, giảng sư tại các khóa tu chia sẻ: “Nổi bật và gây hiệu ứng tốt là các pháp thoại của các giảng sư, đặc biệt là chương trình “Thắp nến tri ân”. Các em được nâng cao nhận thức về đạo đức, Phật pháp căn bản, tinh thần hiếu đạo, sự ăn năn hối lỗi, ý thức tập thể, biết tương trợ yêu thương nhau, cố gắng học tập và tinh thần tự giác trong các sinh hoạt của nhà chùa như ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, ăn cơm quả đường, nghe pháp thoại… Khóa tu mùa hè giúp các em thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, làm yên lòng các bậc cha mẹ, là thiện duyên khiến phụ huynh đến với tự viện, thiền viện… với sự tin tưởng, đôi khi con cái là duyên lành cho cha mẹ đến gần với Phật pháp hơn”.
An lạc từ khóa tu
Lợi ích khóa tu đã tác động rất sâu rộng vào quần chúng nhân dân để rồi họ luôn là người đứng sau hướng dẫn con em mình mỗi khi được đến chùa. Khi đến khóa tu, các bạn trẻ được học hạnh hỷ xả, biết nhìn lỗi mình để phát nguyện dứt trừ những cáu gắt, sân hận, kiêu căng tật đố, ngã mạn cống cao, tinh tấn thực hành những lời dạy của quý thầy, luôn phát huy tinh thần vị tha làm lợi ích cho mọi người.
Một phụ huynh, sau khi cho con mình lên dự khóa tu tại chùa Chí Linh, Nghệ An, cho biết: “Khi rời khóa tu về nhà, cháu có những chuyển đổi tốt làm bố mẹ cũng phải ngạc nhiên. Dù đã 14 tuổi, nhưng ngoài việc học tập, cháu chưa phải làm bất cứ việc gì trong gia đình, thậm chí ngủ dậy cũng không phải gấp chăn màn. Vậy mà sau khóa tu, ngay khi về đến nhà, thấy mẹ đang nấu cơm, cháu liền xin vào phụ giúp mẹ, khiến mẹ hết sức bất ngờ”.
ĐĐ.Thích Tâm Thuần, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, Hà Nội, cảm nhận: “Sau thời gian tu tập, các khóa sinh thường thuần tính hơn, biết yêu thương, hỷ xả cho nhau; biết lễ phép, kính trên nhường dưới, phát huy được những đức hạnh hiếu thảo; biết nhìn lỗi mình, biết giúp đỡ mọi người. Tâm các bạn trẻ đã có sự chuyển biến bình an”.
“Qua 3 năm chùa Vẽ tổ chức khóa tu, rất nhiều phụ huynh đã tới chùa nói lời cảm ơn với Ban Tổ chức, vì sau khi tu học một tuần ở chùa trở về nhà, các em hoàn toàn thay đổi, có những em đã từ bỏ được cả việc nghiện chơi game…”, NS.TN.Tâm Chính, trụ trì chùa Vẽ, cho hay.
SC.TN.Huệ Đức cho rằng: “Sau khi tham gia khóa tu, các em biết trân trọng từng hạt cơm mình ăn, từng cái áo mình mặc, lễ phép hơn với người lớn,... Các em không những thực hành lời dạy của quý sư cô và còn hướng dẫn cho cả ông bà, cha mẹ, anh chị em của mình cùng thực hành nữa”.
Sự chuyển biến tích cực của các em sau khi tham dự các khóa tu là một dấu hiệu tích cực, đáng mừng. Lợi ích của các khóa tu dành cho các bạn trẻ quả thực lớn lao, và lợi ích dành cho xã hội cũng khó có thể tính kể.
N.Danh - Chính Tâm - Đức Hiếu
___________________
Đón đọc kỳ tới: Thống nhất để đồng bộ hóa