Chiêm bái chùa Phước Quang

GN - Trong những ngày đầu xuân Ất Mùi - 2015, chúng tôi tình cờ có duyên may được đến thăm chùa Phước Quang (tọa lạc tại xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) và chiêm bái tôn tượng Quan Âm Phổ Đà Sơn - một danh thắng mới và ý nghĩa tại địa phương. ..

Chùa được thành lập từ năm 1957, trong thời kỳ vô cùng khó khăn. Những bô lão trong làng và những cư dân nơi đây đã phát tâm xây dựng một ngôi chùa nhỏ vách tre, mái lá, để Phật pháp được lan tỏa trong đời sống mọi người. Trải qua gần 60 năm hình thành và tồn tại với biết bao thăng trầm, ngôi chùa làng cứ bình lặng giữa làng quê nghèo.

Qua bao năm tháng, mưa nắng, thiên tai đã làm cho chùa xuống cấp trầm trọng. Từ khi SC.Thích nữ Diệu Thiện phát nguyện về hành đạo, chỉ hơn sáu năm, ngôi chùa ở vùng quê hẻo lánh này được chuyển mình và trở nên trang nghiêm hơn. Một sự thay đổi bất ngờ, khiến bao người xa quê nay trở lại chốn xưa đều cảm xúc dâng trào.

ANH XH (2).jpg

Trong lòng ngọn Phổ Đà thể hiện phù điêu 84 vị hộ pháp Kim Cang với chú Đại bi

Giữa ngày xuân, được nói chuyện với SC.Thích nữ Diệu Thiện, chúng tôi cảm nhận được ở Sư cô một sự gần gũi, từ tốn mà đầy tâm huyết dành cho chùa cũng như người dân nơi đây. Sư cô trụ trì không những đảm đang tốt Phật sự ở Phước Quang tự mà còn là người làm từ thiện rất nhiều và chăm lo cho thế hệ trẻ của huyện Thăng Bình. Nơi nào có người nghèo, khó khăn, hoạn nạn, Sư cô biết được là lại tìm cách giúp đỡ.

Những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn mà học giỏi cũng luôn được Sư cô quan tâm, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Chùa Phước Quang trùng tu trong vòng hơn sáu năm, bằng tinh thần và tâm nguyện của mình, Sư cô đã từng bước khắc phục và vượt qua nhiều thử thách, để xây dựng một ngôi chùa tương đối khang trang và có thẩm mỹ cao.

Không chỉ dừng ở đó, Sư cô luôn tâm niệm để Phật pháp đi sâu vào lòng dân tộc, thì ngoài việc có nơi tu học, lễ bái cho tín đồ Phật tử, cần thể hiện những biểu trưng đặc thù cho việc quy hướng tâm linh. Có như thế, thì ngôi chùa ở vùng quê nghèo khó mới mong có được những thắng duyên trong việc chuyển hướng tâm thức cho người dân. Chính tâm niệm này, vào ngày 28-tháng Giêng-Quý Tỵ (2013), Sư cô đã mạnh dạn khởi công công trình ngọn Quan Âm Phổ Đà Sơn làm nơi tôn trí tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm.

Đặc biệt, trong lòng ngọn Phổ Đà, Sư cô còn thể hiện phù điêu 84 vị hộ pháp Kim Cang với chú Đại bi, hy vọng lòng từ bi vô ngại của Ngài sẽ truyền tỏa khắp muôn nơi, hầu xoa dịu nỗi đau cho bao người bất hạnh, đồng thời khơi dậy trong tâm thức mọi loài cảm nhận sâu sắc lòng từ bi vô ngại của Ngài mà hướng nguyện hầu tìm về cho mình những phút giây an lạc. Dạo trong lòng hang núi một vòng, Phật tử có thể vừa nhẩm đọc được chú Đại bi, vừa chiêm bái, tham quan.

 Sau rất nhiều khó khăn, thử thách, công trình hoàn thành và lễ an vị được tổ chức vào tháng Chạp- Giáp Ngọ (2015). Và từ đó, nơi đây nổi lên như một thắng tích Phật giáo mới ở huyện cũng như trong tỉnh Quảng Nam. Thậm chí, nhiều Phật tử từ các nơi khác đã tìm về, chiêm bái vẻ đẹp của Quan Âm Phổ Đà Sơn.

Được bước vào trong lòng ngọn Phổ Đà là niềm hạnh phúc của không ít Phật tử và người dân. Bởi, nơi ấy mang một màu sắc vừa tâm linh, lại vừa thẩm mỹ, hướng con người về những suy nghĩ đẹp, thiện và lành.

Đứng trên đỉnh thắng tích Quan Âm Phổ Đà Sơn nhìn ra bốn phía, lòng càng thấy thanh thản, bình yên hơn. Toàn bộ khuôn viên của chùa với những quần thể kiến trúc cùng với thảm xanh cây cối trở nên hài hòa, thân thiện. Nhất là trong những ngày xuân, lòng người đang hướng về những điều tốt đẹp, những hy vọng vào một năm mới an lành, thì từ nơi đây như một thoáng bình lặng để chúng ta vững tin hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày