Chiều cuối tuần, trải nghiệm tại tu viện Quảng Đức

GN - Chiều cuối tuần, tu viện Quảng Đức (Thủ Đức, TP.HCM) rộn ràng hơn mọi ngày, vì có đoàn sinh Gia đình Phật tử sinh hoạt. Những chiếc áo lam dài, áo lam ngắn của nam nữ đoàn sinh đi lại trong sân chùa cùng tiếng còi hiệu đặc trưng của tổ chức này khiến ai đã từng sống dưới mái nhà lam đều cảm thấy mình luôn trẻ, tươi mát.

Các em oanh vũ và các anh, chị huynh trưởng phân công dọn từng chậu cây, từng chiếc ghế đá - do đã được bày ra, sắp xếp trước đó cho lễ chu niên của Gia đình. Bên tay phải từ cổng chùa vào là vườn Lâm-tỳ-ni với tôn dung Phật đản sinh được tạc bằng đá Non Nước trắng tinh khôi. Những “đóa sen nâng gót ngọc” và cả hình tượng hoàng hậu Ma-da, cung nữ... cũng được tạo tác bằng đá trắng thật đẹp, càng trở nên nổi bật bởi nền cỏ xanh cùng bóng cây tươi mát.

Anh 1, PGTT GN 763.jpg


Các đoàn sinh sinh hoạt dưới mái già-lam Quảng Đức - Ảnh: L.Đ.L

Kế đó, đường lên đại cảnh Đức Phật Niết-bàn cũng được tạo tác một cách tỉ mỉ, tôn dung Phật nằm nghiêng bên tay phải bình yên - tướng giải thoát ấy khiến người người quy ngưỡng. Trong buổi chiều tà, nhìn về phía Tây, những vệt vàng, đỏ của ráng chiều gợi lên cảm giác bình yên, hùng vĩ. Nhìn gần gần, thấy mái cong của ngôi già-lam trở nên linh thiêng, huyền nhiệm.

Thi thoảng, có Phật tử nhẹ nhàng lên đại cảnh Niết-bàn của Phật để thắp hương, đảnh lễ; trong đó, dễ thương nhất là hình ảnh hai ba con dắt nhau lên “thăm” Phật, ba dạy con lễ Phật rồi ân cần nói cho con gái nhỏ nghe về Đức Phật Thích Ca - mình nghe mà thương quá đỗi, nghĩ mừng cho em nhỏ vì đã được tưới tẩm duyên lành Phật pháp ngay từ tấm bé. Lành thay!

Dưới sân, hai rồi bốn năm bạn gái, bạn trai tuổi trẻ từ tốn xuống xe, dắt bộ qua cổng chùa, nhận tấm vé xe tùy hỷ của nhà chùa và không quên cảm ơn người trao vé. Tất nhiên, ai cũng dắt xe để ngay ngắn, đúng chỗ đã quy định và thắp nhang thơm, cầm đưa lên ngang ngực, lên trán để thầm thì cầu nguyện, niệm lành được gửi đi cùng sự thành tín viên dung.

Trời nhá nhem cũng là lúc tiếng chuông đại hồng ngân vang tỉnh mộng. Tiếng vị Ni xuất gia gieo duyên, thọ Sa-di-ni Bồ-tát giới từ tốn “Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới/ Thiết vi u ám tất giai văn...” làm lòng mình lắng lại, nhẹ nhàng.

Ngay trên đường vào chánh điện ai cũng dễ dàng trông thấy nội dung lời Phật dạy được ghi bằng bốn thứ tiếng trên nền xanh - là những bài kệ khuyên nhắc người trở về với “tự tánh sáng suốt” như: “Lấy oán để trả oán/ Oán không bao giờ hết/ Dùng từ tâm báo oán/ Oán tự nhiên tiêu diệt”“Xa lánh các điều ác/ Thực thi các việc lành/ Giữ tâm ý trong sạch/ Là lời Đức Phật dạy”. Đọc được những lời ân cần này, cũng như nghe tiếng chuông thanh thoát đang ngân kia chắc ai cũng trút bỏ được bớt phần nào “bụi trần” vướng víu, xả đi những lo toan và bỏ những não phiền chấp chặt. Tin vậy!

Hình ảnh thân thương - những Phật tử áo tràng lam từ tốn sắp từng chiếc kệ, để từng cuốn kinh thẳng hàng ngay lối cho buổi tối vừa về là kệ ngân, mõ thỉnh, thầy chủ lễ dẫn bài “Dương chi tịnh thủy/ Biến sái tam thiên/ Tánh không bát đức lợi nhơn thiên/ Pháp giới quảng tăng diên/ Diệt tội tiêu khiên/ Hỏa diệm hóa hồng liên”. Và, sau đó là rào rào tiếng tụng niệm của hai hàng Phật tử - “Nam-mô Pháp hoa Hội thượng Phật Bồ-tát” - trước khi chính thức vào phẩm mới của kinh Diệu pháp Liên hoa.

Anh 2, PGTT GN 763.jpg


Bình yên nơi đại cảnh Đức Phật Niết-bàn trong khuôn viên tu viện Quảng Đức

Dưới gốc bồ-đề cao giữa sân, người có đạo và không có đạo, mến tiếng chuông chùa hay cần phút tĩnh lặng để nghe sự bình yên phảng phất trong lòng mình hoặc giả đã “mệt quá đôi chân này” nên cần ngồi xuống chiếc ghế nghỉ ngơi để trầm mặc giữa ánh sáng vàng tươi, nhiệm mầu của không gian lắng đọng.

Được biết, tu viện Quảng Đức do cố Đại lão HT.Thích Quảng Liên (1926-2009) khai sơn vào năm Bính Ngọ (*), Phật lịch 2510 (nhằm năm 1966) và được Đức Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết chủ lễ đặt đá.

Bóng dáng vị thầy khả kính đã được môn đồ tạc thành chân dung cũng bằng đá Non Nước, đặt trước bảo tháp trong khuôn viên bổn tự. Thế hệ học trò, môn nhơn hiếu quyến cứ thế, khi trở về đây đều lễ kính bậc mô phạm đức độ của nhiều thế hệ, rồi thả lỏng kinh hành, thở vào, thở ra như một tiếp nối con đường kiến tạo an vui của người lập chùa - lưu lại cho cuộc đời một chốn tòng lâm uy nghiêm, nơi tu tập trí bi, hành trì lời Phật dạy trên bước đường tu nhơn giải thoát, hướng thiện giữa phong ba đời người...

(*) Cố Hòa thượng Viện chủ tu viện pháp danh Quảng Liên, tự Bi Hoa, hiệu Trí Hải, thế danh Nguyễn Văn Chính, sinh năm 1926 tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình túc nho, tiểu thương, giàu lòng kính tin Tam bảo.

Theo sách “Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa” của HT.Thích Trung Hậu - HT.Thích Hải Ấn thì năm 1963, mùa Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam, HT.Thích Quảng Liên tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo trong vai trò Ủy viên Dân sự thực hiện nhiệm vụ tổ chức nam nữ thanh niên, sinh viên, học sinh để tranh đấu chống lại bạo quyền nhà Ngô để bảo vệ Phật pháp. Hòa thượng bị bắt từ đêm 20-8 đến ngày 24-10-1963 mới được về chùa.

Cuối năm 1963, đầu năm 1964 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, ngài giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Pháp sự (Văn hóa - Giáo dục - Xã hội), ngài sáng lập và xây dựng hệ thống Trường Bồ Đề trên cả nước và giữ nhiệm vụ Hiệu trưởng - Giám đốc Trung học Bồ Đề Sài Gòn - Chợ Lớn (nay là Trường Đồng Khởi).

Năm 1965, Hòa thượng đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham dự Đại hội thành lập Giáo hội Tăng-già Thế giới tại Colombo (Tích Lan - Sri Lanka) và được cử làm Ủy viên Giáo dục Phật giáo Thế giới. Đến năm 1970, ngài tham dự Hội nghị thành lập Hiệp hội Phật giáo Thế giới tổ chức tại Hàn Quốc, Hòa thượng được mời giữ chức vụ Ủy viên Giáo dục. Cùng năm đó, Hòa thượng dự Hội nghị Giáo sư tự do Thế giới tại Colombo, và được nhận chứng chỉ Giáo sư Quốc tế.

Lưu Đình Long

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày