Chiều nay đi chùa

GN - Chiều hôm nay đi chùa Thâm Đại (深大寺 Jindaiji), mong lắm được thắp hương, quỳ lạy, lặng im chiêm bái Đức Phật. Thật tình, rất nhớ Phật, và mong tìm một niềm an ủi nơi năng lượng từ bi của Ngài. Dọn sạch thân và tâm lên chùa lạy Phật, đem theo quyển sách nhỏ mong tìm một nơi thanh vắng đầy ắp lá vàng, lá đỏ của mùa thu và ngồi đọc. Mong nhiều, tưởng tượng nhiều. Cũng may là còn đủ hồn nhiên để mà mong đợi!
chieu nay3.JPG
Chánh điện chùa Thâm Đại - Ảnh: Trà My

Lên chùa, không có Phật để quỳ lạy, chánh điện của chùa đóng cửa im ỉm, người ta cầu nguyện bằng cách bỏ đồng tiền vào cái thùng gỗ lớn trước chánh điện rồi cầu nguyện, như ở bất cứ đền thờ nào khác ở đất nước Hoa Anh Đào này. Đi tìm Phật và một góc ngồi nhìn Phật khắp nơi mà không thấy. Không hội đủ nhân duyên!

Thâm Đại tự thuộc tông Tendai (Thiên Thai), một tông phái Phật giáo nổi tiếng ở Nhật Bản, được Saicho đại sư mang về từ Trung Hoa thế kỷ IX và còn truyền thừa đến tận ngày nay. Mình không hiểu lắm sinh hoạt của sơn môn nơi đây, thoáng thấy bóng dáng vài vị sư hành lễ kết hôn cho một đôi vợ chồng trẻ, một vị sư khác đang cúng cho một chiếc xe vừa mới tậu của một tín đồ, mơ hồ hiểu đôi chút về khái niệm “Phật giáo nghi lễ” trong văn hóa hiện nay của người Nhật. Không biết có nơi đâu hành thiền và tu tập như ngày xưa, ngày Đại sư Dogen đem Tào Động về Nhật, và nhất quyết với phương châm “zaazen” (tọa thiền) để tu tập và kiến tánh?! Từ lâu, Phật giáo đã trở thành văn hóa, thành tâm linh của xứ sở này. Lại mong, có duyên với một ngôi chùa để biết chuyện tu hành ở Nhật!

Chùa xô bồ hàng quán, lao xao bán buôn, cả những lời cầu nguyện cũng nhuốm mùi đổi trả. Thảng, một cành lá phong đỏ vắt ngang mái rạ của sơn môn giữa trời xanh và nắng vàng, thấy lòng nhẹ nhàng hơn nhiều lắm.

Có một chút thất vọng về ngôi chùa khá nổi tiếng. Nhưng bù lại, cũng có nhiều điều thú vị thu lượm được trong buổi chiều hôm nay. Càng lớn hơn càng hiểu, sống ở đời, đừng mong cầu nhiều quá, con đường mình muốn đi nếu không gặp điều mình ước muốn thì lại gặp những hạnh ngộ mới; nên thân thiện với những ngã rẽ giữa con đường. Chưa bao giờ khái niệm “Phật giáo Đại thừa” lại được chứng minh sinh động với mình như buổi chiều hôm nay.

Chiều nay, mình đã gặp 2 ứng thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, một ứng thân là Quan Âm Soba và một ứng thân là Quan Âm điểu thú. Ngôi chùa nổi tiếng từ thời Edo với món mì soba, bây giờ trước chùa vẫn tấp nập các tiệm mì soba, và trong vườn chùa, thật bất ngờ, có một bức tượng Quan Âm Soba. Không biết sự tích kể thế nào về ứng thân này của Bồ-tát Quán Thế Âm, nhớ lại phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, mình mới giật mình kinh không nói đến ứng thân này, và Phật giáo Nhật Bản đã “đại thừa” vô điều kiện. Thật là bất ngờ và thú vị. Bồ-tát Quán Thế Âm và mì soba!

chieu nay1.jpg
Soba thủ Quan Âm - Ảnh: T.M

chieu nay5.JPG
Điểu thú Quan Âm - Ảnh: T.My

Đi một vòng, gặp một tháp cao ngất trời, mình lại định kiến đó là tháp Tổ hay tháp của các vị sư trong chùa đã tịch. Bước vào, lại gặp một ứng thân khác của Bồ-tát Quán Thế Âm, Quan Âm điểu thú. Đó là vườn bia mộ và tro cốt của những con vật nuôi như chó, mèo, thỏ. Mỗi tấm bia đều đề tên con vật kèm theo dòng chữ, chẳng hạn “.... Ái khuyển chi mộ” (mộ của chó yêu). Lạ và cảm động vô cùng.

Bồ-tát Quán Thế Âm thêm một lần ứng thân tiếp độ hương linh của những con vật đã từng sống và thân thiết với con người. Bao giờ ở Việt Nam mới có một vườn bia mộ như thế! (Lúc này, rất nhớ chị Nắng Tháng Giêng!).

chieu nay2.JPG


Bia mộ thờ thú cưng tại chùa - Ảnh: T.My

Trời mùa thu, chưa tới 5g đã sập tối. Nán lại ăn một tô soba đặc sản, nghe tiếng chuông chùa, khi màn đêm buông, hàng quán tạm đóng xếp, du khách tản đi các ngả đường. Chuông không trong, không vang, dù thong thả nhưng không gọi được hồn của buổi chiều. Tự dưng thèm nghe tiếng chuông Già Lam, tiếng chuông tịnh xá Trung Tâm, tiếng tụng kinh trầm hùng thời công phu tịnh độ quá!

Nhưng thôi, đừng đem cái long lanh của ký ức vốn được chưng cất, nâng niu bằng hoài niệm để áp đặt lên hiện tại. Lặng lẽ nhìn, lặng lẽ ăn, sẽ thấy thấp thoáng đâu đó trong mì soba hình bóng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Nam-mô Soba Quan Âm Bồ-tát!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày