Chính sách “tôn giáo truyền thống” Nga và những kinh nghiệm có thể tham khảo

Chính sách “tôn giáo truyền thống” Nga và những kinh nghiệm có thể tham khảo
Giác Ngộ - Chính sách của Tổng thống Nga Medvedev, vị tổng thống thứ ba của Liên Bang Nga, đối với tôn giáo, là sự tiếp nối, đi vào chiều sâu và đi vào cụ thể chính sách đối với tôn giáo của hai vị tổng thống tiền nhiệm là Yeltsin và V.Putin.

Nền tảng của chính sách tôn giáo của Liên Bang Nga là quan điểm xác định “tôn giáo truyền thống” (phiên âm từ tiếng Nga “Tradixionnưe religii”), trong đó, từ “truyền thống” là tính từ, bổ nghĩa, xác định từ “tôn giáo”. Nói khác, nó là chính sách đối xử tôn giáo có chọn lọc theo đặc điểm tính chất, tôn giáo.

Chính sách này thể hiện trong Hiến Pháp Nga, được Duma quốc gia Nga thông qua dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, cho nên không thể nói đó chỉ là chính sách của Tổng thống, mà là chính sách quốc gia. Nói chính sách của tổng thống chỉ là cách nói quen thuộc mà thôi.

Nước Nga xác định chỉ có 4 “tôn giáo truyền thống”, trong đó Phật giáo là một, bên cạnh Chính thống giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.

Các nhà lập pháp Nga, những người đề ra quan điểm “tôn giáo truyền thống” không đưa ra những tiêu chí chi tiết để làm cơ sở để định nghĩa thế nào là “tôn giáo truyền thống” để từ đó xem tôn giáo nào là “tôn giáo truyền thống”. Tiêu chí tổng quát là “truyền thống”.

Nhưng qua kết quả chọn lựa, xác định, cũng như qua những cách giải thích không chính thức trên báo chí, truyền hình Nga, có thể xác định những tiêu chí của “tôn giáo truyền thống” ở Nga như sau:

- Có lịch sử gắn bó lâu đời với các dân tộc thuộc Liên Bang Nga.

- Tổ chức tôn giáo có tính độc lập, nội địa, không chịu sự chỉ đạo, hay phối thuộc từ giáo hội nước ngoài. Quan hệ với giáo hội cùng tôn giáo ở nước ngoài là quan hệ đẳng lập, giao lưu.

Việc xác định bốn “tôn giáo truyền thống”, trong đó, Phật giáo là một, và bình đẳng với ba tôn giáo còn lại, được thực hiện dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, kèm theo đó là sự ưu đãi dành cho các “tôn giáo truyền thống”: việc hành đạo, truyền đạo là mặc nhiên. Các tôn giáo khác, không phải là “tôn giáo truyền thống”, không có được sự ưu đãi này. Hoạt động của những không phải “tôn giáo truyền thống” buộc phải xin phép, và tùy theo từng trường hợp, có trường hợp có thể bị từ chối.

Ở đây, chúng ta chú ý đến việc xác định các “tôn giáo truyền thống” cùng với sự ưu đãi được luật hóa, công khai hóa, việc thực hiện chủ trương này chính là việc thực hiện luật pháp.

Việc lấy tiêu chí “truyền thống”, mà ở đây được hiểu là “truyền thống các dân tộc trong Liên Bang Nga” làm tiêu chí tổng quát để xác định và thể hiện chính trong tên gọi là một sự khôn ngoan và bản lĩnh của tổng thống và quốc hội Nga. Nó thể hiện quan điểm độc lập, tự chủ trong chính sách tôn giáo. Người Nga không ràng buộc hẳn tôn giáo với chính quyền, nhưng trong quan điểm độc lập, tự chủ, thì tôn giáo nào chịu sự chỉ đạo của nước ngoài, trực thuộc giáo hội nước ngoài thì không thể là tôn giáo truyền thống của Liên Bang Nga. Vì thế, đạo Ca tô La Mã và đạo Tin Lành không phải là “tôn giáo truyền thống” Nga là lẽ đương nhiên.

Cách làm này của Tổng thống và Duma quốc gia Nga đương nhiên bị phương Tây chỉ trích là phân biệt đối xử tôn giáo. Điều đó, khi xác định 4 tôn giáo truyền thống, là đã rõ ràng đối với Liên Bang Nga. Tuy nhiên, với cơ sở phân biệt là “truyền thống” và không phải “truyền thống”, thì đó là điều mà phương Tây không thể coi đó là sự phân biệt đối xử vì lý do chính trị. “Truyền thống” và không phải “truyền thống” là phạm trù lịch sử và văn hóa. Việc một nhà nước ưu đãi các yếu tố truyền thống, các hoạt động truyền thống, văn hóa của quốc gia mình là điều hợp tình, hợp lý, hợp pháp và tất nhiên. Đây là một bài học kinh nghiệm quý.

Chính sách tôn giáo dưới thời tổng thống V. Putin, tuy vẫn trên cơ sở quan điểm 4 “tôn giáo truyền thống” Nga, nhưng lại có phần ưu đãi hơn cho Giáo hội Chính Thống giáo Nga.

Như chúng ta điều biết, là người Nga có 2 quan điểm khác nhau về nước Nga. Đó là quan điểm nước Nga châu Âu và nước Nga Âu - Á. Quan điểm nước Nga châu Âu xem nước Nga là một bộ phận của châu Âu, Văn minh Nga là một bộ phận của văn minh châu Âu, được coi là văn minh Cơ đốc giáo (gồm Ca tô La Mã, Tin Lành và Chính Thống giáo Nga).

Ông V. Putin được coi là một Pie đệ I mới,  vị Sa Hoàng đẩy mạnh việc châu Âu hóa nước Nga. Vì vậy, không lạ gì trong khi 4 tôn giáo được xác định là “tôn giáo truyền thống”, Tổng thống V. Putin lại có phần ưu đãi hơn đối với Chính thống giáo Nga. Tuy điều này không thể hiện bằng luật pháp, nhưng giới trí thức Nga, với cái nhìn nước Nga Á Âu toàn diện, đã không đồng tình.

Ngày 23 tháng 7 năm 2007, mười nhà bác học Nga, trong đó, có hai viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Nga từng đoạt giải Nobel đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Nga V. Putin bày tỏ sự lo ngại trước sự giáo quyền hóa nước này, mà cụ thể là vai trò ngày một gia tăng của Giáo hội Chính Thống Nga trong xã hội Nga (1).

Tổng thống Nga Medvedev đã điều chỉnh lại sự thiên lệch này, đồng thời, đưa chính sách 4 “tôn giáo truyền thống” đi vào chiều sâu, trước hết bằng một sự ủng hộ, mà cụ thể hơn, sự ủng hộ tài chính chung cho các “tôn giáo truyền thống”.

Ngày 24 tháng 8 năm 2009, Tổng thống Nga Medvedev đã có cuộc viếng thăm các chức sắc Phật giáo Nga tại tự viện Ivollginsk ở Buriatia. Ở đó, Tổng thống Nga khẳng định sự ủng hộ tài chính và nói rằng do đó, sự giúp đỡ từ nước ngoài là không cần thiết.

Tiếp theo đó là quyết định của Tổng thống Medvedev đưa 4 “tôn giáo truyền thống” Nga vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục Nga, công bố ngày 21 tháng 7 năm 2009. Việc giảng dạy sẽ được triển khai từ học kỳ II, tức là mùa xuân 2010. Đây là một bước cụ thể hóa rất đáng kể chủ trương “tôn giáo truyền thống”. Tổng thống Nga coi sự yểm trợ về tài chính đối với các “tôn giáo truyền thống” là chưa đủ để thể hiện chủ trương “tôn giáo truyền thống”, mà cần phải làm sâu sắc hơn bằng quyết định đưa “tôn giáo truyền thống” vào giảng dạy ở nhà trường. Điều này cũng làm cho Phật giáo có cơ hội truyền bá rộng rãi hơn ở nước Nga, dưới sự hậu thuẫn của nhà nước Liên bang Nga.

Quan điểm “tôn giáo truyền thống” Nga là quan điểm rất tinh tế của nước Nga trong việc xây dựng ý thức độc lập tự chủ trong hoạt động tôn giáo. Từ đó, việc yểm trợ tài chính cho các tôn giáo truyền thống được Tổng thống Medvedev thực hiện cũng được coi là những món đầu tư khéo léo vào ý thức độc lập, tự chủ, vào ý thức Nga trong hoạt động tôn giáo.

Chính sách “tôn giáo truyền thống” là một chính sách nhất quán của nước Nga suốt 3 đời tổng thống. Tuy rằng, nó có sự thiên lệch và có điều chỉnh, nhưng tất cả đều nằm trong khuôn khổ của 4 “tôn giáo truyền thống”, không hề có sự xác định lại hay điều chỉnh định nghĩa, không có sự thay đổi lớn, không có bổ sung với tôn giáo mới. Vì vậy, sự đúng đắn của chính sách này và sự gắn bó của nó với chính sách chung, xây dựng nước Nga độc lập tự chủ, là điều đã được làm sáng tỏ.

Do đó, việc đề ra chính sách “tôn giáo truyền thống” và việc thực hiện chính sách đó ở Nga trong hơn một thập kỷ qua có thể là một hình mẫu cho việc hoạch định và thực hiện chính sách tôn giáo, phục vụ cho quan điểm độc lập, tự chủ, dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày