GN - Chợ hoa là “đặc sản” văn hóa của người dân Sài Gòn - TP.HCM trong những ngày Tết đến xuân về. Ở đó, không gian và thời gian như dừng lại, khu trú với hoa và người...
Ngoài các khu chợ hoa đã quá quen thuộc tại các chợ truyền thống, trên những con đường trung tâm thành phố, công viên..., chợ hoa Tết bến Bình Đông từ xa xưa đã là nơi chốn đặc biệt mà người Sài Gòn không thể không đến. Ở đó, những chiếc thuyền hoa đầy sắc xuân nằm nối tiếp nhau nghỉ ngơi, đón khách du xuân…
Những cội bonsai mai vàng làm nên nét đẹp của chợ hoa "trên bến dưới thuyền"
Dù chợ hoa nhộn nhịp, đông đúc “trên bến dưới thuyền” nhưng người Sài Gòn vẫn tìm được linh hồn truyền thống của phố chợ, chính là nét dung dị, sự bình an như là chốn quay về nơi vườn tược, sông nước của nếp quê mộc mạc…
Nếu là người sống lâu ở Sài Gòn, bạn sẽ không quá ngạc nhiên bởi sự dung dị của khu chợ ven sông dài khoảng 3km thuộc phường 11, 13, 14 - quận 8, như là nét chấm phá bình lặng trong một bức tranh tổng thể của một thành phố đầy năng động.
Bến Bình Đông là khu vực quan trọng của Chợ Lớn xưa, được hình thành từ dòng người Hoa di cư từ Cù Lao Phố, Đồng Nai đến Sài Gòn lập nghiệp (1778). Nơi đây cũng là vựa lúa lớn của miền Nam, vừa là nơi nhiều làng nghề truyền thống hội tụ nên thu hút thuyền bè của thương lái xuôi ngược từ lục tỉnh Nam Kỳ chở hàng hóa, lúa, hoa trái… đến Sài Gòn, rồi chở hàng hóa về lục tỉnh.
Kênh Tàu Hủ thuộc rạch Chợ Lớn xưa, là tuyến giao thông đường thủy quan trọng, tuyến huyết mạch giao thương tàu thuyền của thương lái, nhà vườn từ lục tỉnh về Sài Gòn buôn bán, trao đổi hàng hóa. Nhà văn Sơn Nam từng miêu tả: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi”. (Lịch sử khẩn hoang miền Nam)
Hoa“trên bến dưới thuyền” nhưng người Sài Gòn vẫn tìm được linh hồn truyền thống của phố chợ
Người Sài Gòn xưa từ trên tầng cao những tòa nhà chung cư kiên cố kiểu Pháp của xóm Hoa kiều, quận 5, có thể ngắm nhìn dòng ghe thuyền tấp nập, đầy ắp sản vật lướt trên mặt sóng của con kênh Tàu Hủ.
Đứng trên mũi tàu từ phía bến Bình Đông, quận 8 nhìn sang, xóm nhà lầu kiểu Pháp kiêu sa, sang trọng kiểu cách như những tòa lâu đài. Khi nhìn ngắm nó, dân hải hồ lang bạt trên thuyền lại ao ước về cuộc sống ổn định trên bờ tại nơi đô hội, được làm thị dân Sài Thành...
Ngày nay, kênh Tàu Hủ chảy xuyên qua nhiều quận, huyện như: Bình Tân, quận 8, quận 1, 4, 5, 6… với tuyến chiều dài hơn 10km. Những dịp Tết đến xuân về, ghe thuyền từ các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… đến bến Bình Đông đông đúc neo đậu, nối dài hàng ki-lô-mét ven kênh Tàu Hủ. Hoa, cây kiểng, trái cây, đặc sản vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long tập trung về bến, góp thêm sắc xuân cho đô hội Chợ Lớn - Sài Gòn.
Chẳng ai biết chợ hoa Tết bến Bình Đông có từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi tàu thuyền trên kênh Tàu Hủ lưu thông vào Chợ Lớn, dịp Tết đến là hoa trái khoe sắc trên bến lẫn dưới thuyền. Bến Bình Đông ngày Tết không hẳn là chợ nổi trên sông nhưng nó vừa mang vẻ đẹp của một chợ hoa truyền thống ở đồng bằng Nam Bộ vừa mang nét đẹp dung dị của khu chợ nổi trên vùng sông nước miền Tây thân thuộc được hòa vào trong không gian nhộn nhịp của một thành phố năng động bậc nhất…
Mà lạ thay, chợ hoa bến Bình Đông vẫn vậy, phảng phất linh hồn của phố chợ truyền thống vừa hiền hòa vừa dung dị và rất đỗi thân thuộc mà bất cứ ai sống ở Sài Gòn cũng muốn một lần tìm đến!
Những chuyến thuyền nặng trĩu cập bến, nối nhau neo đậu ven kênh Tàu Hủ
Ngày Tết, người Sài Gòn muốn chưng một chậu hoa mai đẹp, một gốc quất trĩu cành, chậu hoa mồng gà đỏ may mắn hay hoa trái trang trí mâm ngũ quả thì thường tìm đến chợ hoa Tết bến Bình Đông. Ở đó, khách đi chợ hoa vừa hòa mình vào cảnh sắc mùa xuân của thế giới hoa trái miền sông nước vừa ngắm nhìn thuyền ghe neo mình trên bến xuân hữu tình thân thuộc. Từ khoảng 20 tháng Chạp, các thương lái, nhà vườn từ các tỉnh miền Tây đã bắt đầu đưa sản vật là các loại hoa trái về bán ở chợ hoa Tết bến Bình Đông.
Đặc biệt là những gốc bonsai hoa mai vàng, quất quả vàng, hoa lan, hoa vạn thọ, mồng gà, cúc vàng, thược dược… đầy ắp trên những chuyến thuyền nặng trĩu cập bến, nối nhau neo đậu ven kênh Tàu Hủ. Bè, thuyền nhấp nhô theo con nước thủy triều lên xuống như dải lụa hoa mềm mại đầy sắc màu.
Hoa trái chưng mâm ngũ quả ngày Tết, bonsai, cây kiểng, cho đến các loài hoa mộc mạc ở chốn quê đều góp sắc xuân cho chợ Tết bến Bình Đông. Từ chợ ven kênh, khách cũng có thể xuống thuyền, từ thuyền này đến thuyền khác như một khu chợ nổi miền Tây.
Không khí nhộn nhịp, vui tươi mà rất thân thuộc bởi sự bình dị, cái tình giữa người bán và khách du xuân. Chợ hoa Tết bến Bình Đông đặc biệt chính là nhờ nét dung dị, dịu dàng rất riêng, không hòa lẫn của một thành phố năng động. Mà ở đó, nhiều thế hệ người Sài Gòn xem là chốn bình yên để quay về mỗi khi Tết đến xuân về.
Gánh hoa từ thuyền lên bến
Chợ hoa vui tươi mà rất thân thuộc bởi sự bình dị
Những năm gần đây, chợ hoa Tết bến Bình Đông càng trở nên đặc biệt hơn khi Ban Tổ chức chợ hoa kêu gọi các tiểu thương, nhà vườn mặc đồng phục áo bà ba, nón lá. Nhờ thế, chợ hoa Tết ven kênh Tàu Hủ càng đẹp hơn bởi nét dịu dàng đáng yêu của những chiếc áo bà ba, chiếc nón lá trắng điểm xuyết trong không gian Tết “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn. Kênh Tàu Hủ bây giờ được cải tạo, chăm chút bởi nhiều cây xanh. Hàng tháng, Tăng Ni, Phật tử các chùa ở các quận, huyện ven kênh tổ chức phóng sinh cá để cải tạo nguồn nước, bảo vệ môi trường.
Trong suốt tháng Giêng, tuyến kênh Tàu Hủ thuộc quận 5, quận 8 nối dài ra bến Bạch Đằng, quận 1 được khai thác làm điểm du lịch bằng đường thủy cho du khách nước ngoài đến TP.HCM với “món” đờn ca tài tử - “đặc sản” văn hóa miền Tây.
Với khách hành hương trong nước vừa trải nghiệm du lịch sông nước vừa kết hợp dâng hương, cầu nguyện ở những ngôi chùa ven kênh thì được thưởng thức ẩm thực chay thanh đạm và tìm hiểu văn hóa, tâm linh Phật giáo.
Chùa Long Hoa tọa lạc tại phường 15, quận 8 - ngôi chùa theo truyền thống Phật giáo Hoa tông là điểm dừng chân độc đáo trên chuyến hành trình sông nước ở TP.HCM, khám phá nét đẹp ven bờ của kênh Tàu Hủ. Đây cũng là nét đặc biệt khác nữa của một khu chợ hoa Tết bến Bình Đông mà khách đến TP.HCM muốn biết, khám phá và lưu giữ trong ký ức…