Cho những lần lên chùa học thi…

Giác Ngộ - Vốn tính tò mò và thú thật là tôi chưa biết không gian chùa như thế nào vì quê tôi không có ngôi chùa nào cả. Và tôi đã đi vào chùa để có chỗ yên tĩnh học tiếp những bài còn lại…

>> Anh đã cho em tình yêu nghề!

Tôi là một học sinh mới tốt nghiệp lớp 12 và đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học sắp tới. Những ngày đầu mới vào thành phố, tôi cảm thấy cái gì cũng lạ lẫm và mới mẻ. Thành phố ồn ào và vồn vã quá khiến đôi lúc tôi cảm thấy chóng mặt, học không được tập trung. Thấy tôi học có phần không hiệu quả nên chú thím tôi bảo: “Gần nhà mình có Thiền Viện Vạn Hạnh, cháu vào đó học thì yên tĩnh lắm”.

1wwhocthi.jpg

Mùa hè - mùa thi - Ảnh minh họa

Buổi đầu tiên vào chùa chỉ có mình tôi học. Không gian ở đây quả là yên tĩnh, tiếng các thầy nhỏ nhẹ chào nhau. Tôi gặp các thầy và theo như một phản xạ tự nhiên, tôi chào các thầy với một cung cách kính cẩn. Các thầy gật đầu và mỉm cười chào lại, cảm giác sao thân thiện và gần gũi đến thế! 

Những ngày sau đó, tôi vẫn vào chùa học. Tôi thấy các bạn khác cũng vào chùa học ngày càng đông, nhưng không ai học môn Văn như tôi, họ học vẽ. Họ vẽ chùa, vẽ cây cối và dường như ai cũng say mê với công việc sáng tạo nghệ thuật của mình.

Trong số những người đến chùa, tôi thấy có nhiều người đến để tụng kinh niệm Phật và thỉnh sách kinh. Những lúc nghỉ giải lao, tôi nhìn xung quanh chùa, tôi cảm nhận được sự thanh tịnh nơi đây, những ồn ào vội vã của phố thị như lắng xuống. Nét từ bi như in trên màu áo nâu sồng, trong nụ cười, trong ánh mắt của các thầy nơi đây.

Mấy hôm trước tôi gặp một nhà sư, năm nay thầy 28 tuổi, nghe đâu thầy mới học xong chương trình Phật học tại học viện Phật giáo, bây giờ thầy lại tiếp tục thi đại học trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Có lẽ đây là một duyên lành vì thầy cũng thi khối C như tôi. Tôi biết được điều đó trong một lần tình cờ thầy gặp tôi. Câu hỏi đầu tiên của thầy khiến tôi suýt bật cười: “Chào con, thầy hỏi con chút chuyện nhé! Con học gì đó?”. Tôi muốn cười lắm nhưng vì phép lịch sự và tôn trọng thầy nên tôi không dám cười. Tôi đáp lại: “Dạ, con học môn Địa lý để chuẩn bị thi đại học ạ!”.

Thầy nói năm nay thầy 28 tuổi nhưng giờ thầy mới thi đại học được vì còn bận nhiều công việc Phật sự, thầy nhờ tôi hướng dẫn cách học môn Địa lý. Mặc dù kiến thức của tôi còn hạn hẹp nhưng tôi cũng mạnh dạn gật đầu. Vốn dĩ tôi là đứa rất nghịch ngợm, nếu không được chú thím dặn phải kính trọng những người tu hành thì có lẽ tôi đã gọi thầy bằng “anh”, không gọi thầy xưng con mất!

Thú thật là tôi cũng không được tự tin lắm trong đợt thi đại học này nhưng tôi đã trở thành “giáo viên” bất đắc dĩ của thầy. Tôi chỉ cho thầy học Địa lý chỗ nào, môn Lịch sử chỗ nào nên chú ý…. Tất cả cũng chỉ là những kinh nghiệm của thầy cô đã truyền đạt, dặn dò tôi trước khi tôi lên đường “ứng thí” và tôi chia sẻ lại với thầy. 

Cũng may thầy là người miền Trung nên hiểu được tiếng miền Trung đặc sệt của tôi. Nghe thầy nói “mô, tê, răng, rứa” làm tôi  mừng như gặp được người cùng quê vậy. Buổi học kết thúc, thầy chào tôi rồi vào tụng kinh.

3wwhocthi.jpg

Lên chùa học thi, tĩnh lặng và bình yên...

Những ngày mới vào chùa, nghe tiếng các thầy tụng kinh, tôi cảm thấy như mình đang nghe tiếng ru con của người mẹ có giọng hát hơi khô. Nhưng nghe mãi thành quen, tôi đâm ra thích nghe tiếng tụng kinh của các thầy. 

Thế là cứ mỗi buổi chiều, khi thấy các thầy bắt đầu chuẩn bị tụng kinh, tôi cũng gấp sách và nhắm mắt lại, thả lỏng người cho đến lúc các thầy tụng xong. Tôi gửi gắm những ước mơ của mình nơi cửa Phật. Tôi mong những lời nguyện ước chân thành của tôi được Đức Phật thấu hiểu, sẽ nghe được tiếng lòng của tôi.

Tôi cầu mong Đức Phật sẽ mang bình yên đến cho cha mẹ, ông bà, những người thân của tôi ở quê nhà…

Có lẽ đây là những ngày tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm nhất. Ai chưa từng một lần vào chùa, chưa từng nghe tiếng tụng kinh niệm Phật, hãy thử vào chùa rồi nhắm mắt lại, nghe thử những lời kinh các thầy tụng niệm một lần, có lẽ bạn sẽ thấy lòng mình thật thanh thản. Tôi tin như thế.

Cùng bạn đọc:

Lá thư chia sẻ là tiểu mục từng xuất hiện trên trang Phật giáo-Tuổi trẻ của Giác Ngộ. Nay Giác Ngộ online mở lại mục này để lắng nghe, làm cầu nối cho bạn đọc gửi những chia sẻ của mình tới người thân, người thương. Đó có thể là những trăn trở, ước mong, hoặc chỉ là một phút trải lòng, cảm nhận những bước chuyển trong tâm mình và thời tiết...

Bài viết tham gia không quá 800 chữ, gửi về địa chỉ e-mail:phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Giác Ngộ online 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày