Qua tìm hiểu được biết nhiều năm nay rừng Hương Sơn không còn bao nhiêu bóng thú. Hết thảy do việc xử lý nạn thú rừng giả của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không triệt để nên các hộ kinh doanh thản nhiên lỡm khách đi chùa.
Treo đầu dê bán thịt chó
Người trẩy hội chùa Hương, xuống xe ô tô từ đầu thôn Yến Vỹ tới khu vực bến Trò đều thấy cảnh san sát những hàng quán ăn. "Thú rừng" bị xâu, móc treo lủng lẳng, bị phanh thây, thú còn tươi sống, nguyên lông, nguyên da đều có cả. Thật buồn, ngày đầu chốn cửa Phật, thanh tịnh đã xuất hiện "chợ thịt thú rừng"! Có 2 khu kinh doanh thịt thú rừng sầm uất là phố làng đầu suối Yến và khu vực nhà hàng ven bến Trò. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, khu bến Trò là trung tâm của "chợ thịt thú rừng" với hơn 30 cửa hiệu, nhà hàng. Nhà hàng nào cũng treo 7-8 con thú đủ loại: chồn, cầy hương, cầy bạc má, cầy hoa, hoẵng, cáo… ở mặt tiền mà không cần quan tâm đến chuyện thịt thú rừng là "hàng cấm".
Qua tìm hiểu sự thực về thịt thú rừng ở chùa Hương mới vỡ lẽ, các cửa hàng kinh doanh ăn uống ở đây đều có chiêu lừa khách. Anh Nguyễn Văn Mạc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mỹ Đức cho biết: Hạt kiểm lâm đã thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh thịt thú rừng ở đây. Mặc dù các cửa hàng đều treo biển, thịt nai rừng, thịt hoẵng, thịt cầy hương... nhưng tất cả đều "treo đầu dê bán thịt chó". Hầu hết thịt thú rừng ở chùa Hương đều được "chế" từ thịt chó, thịt thỏ. Chủ hàng Bích Ngọc giới thiệu thịt cầy vòi ngon lắm, giá 200.000 đồng/kg, tôi ngỏ ý mua về Hà Nội rồi sờ nắn từ đầu đến lưng để chọn hàng, chợt thấy cái đầu con cầy vòi mềm nhũn đến lạ. Gạn chuyện mấy anh kiểm lâm mới biết, đó là con chó khoảng 6-7 kg qua tay "thẩm mỹ", biến cái mõm ngắn thành cái vòi dài. Cánh "thạo nghề" bật mí, sau khi giết thịt, toàn bộ phần xương sọ con vật bị đập nát rồi khéo léo moi ra, cái đầu chỉ còn phần da và thịt và khi treo móc hàm, sức nặng của toàn bộ cơ thể đã kéo cái mõm không xương của con chó dài thành cái vòi.
Còn đối với những con thú vẫn còn nguyên lông, nguyên da bị "treo cổ" ghi nhãn nai rừng, hươu... (treo trước ngày 8-3) cũng chỉ là những con thú nhồi bông được chủ quán treo quảng cáo… Còn thịt hươu, thịt nai thực chất là thịt bê, thịt dê. Người ta đã lóc hết thịt trên thân, còn lại để nguyên đầu và bộ chân móng guốc không cạo lông chào mời khách, nhiều du khách tận mắt chứng kiến con vật vẫn còn nguyên vẹn, giống thú rừng hoang dã nên tin thật. "Còn một số cửa hàng treo biển bán một vài con hươu sao, thực chất số hươu đó là do gia đình anh Bùi Ngọc Dũng mua của gia đình ông Nguyễn Văn Vũ, ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về nuôi lấy nhung. Sau một thời gian hươu già không cho nhung nữa, anh Dũng đã bán cho các cửa hàng. Ngày 11-2-2010, Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức đã đi kiểm tra tại gia đình anh Dũng, chủ nuôi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ về xuất xứ 7 con hươu. Theo quy định, đối với những động vật có nguồn gốc gây nuôi thì được phép kinh doanh buôn bán", anh Nguyễn Văn Mạc khẳng định. Một người dân bán quán nước ở bến Đục khẳng định: Núi rừng Hương Sơn này bây giờ làm gì còn thú.
Phải xử lý kiên quyết
Theo anh Nguyễn Văn Mạc: Hiện đang chính hội chùa Hương, hằng ngày, lực lượng kiểm lâm thay nhau tuần tra bảo vệ rừng, đồng thời xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, để xử lý triệt để các hộ kinh doanh này cũng khó bởi kiểm lâm chỉ có thẩm quyền tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh không được đề biển kiểu "treo đầu dê bán thịt chó" thôi, một số trường hợp cá biệt cũng phải tháo dỡ, thu giữ. Hiện tại ở quần thể chùa Hương không có cửa hàng nào kinh doanh thịt thú rừng thật.
Ngay sau khi có thông tin một số cửa hàng ăn ở chùa Hương bày bán công khai thịt thú rừng và treo quảng cáo thú rừng, Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức đã phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết xử lý theo Điều 8, Nghị định số 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ngày 9-3 và 10-3, Hạt kiểm lâm Mỹ Đức đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường huyện, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội... kiểm tra tình hình thực tế tại cửa hàng. Kết quả, Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử lý 6 nhà hàng treo thú nhồi bông bán thịt thú rừng giả là nhà hàng Hòa Lâm, Ngọc Phương, Ba Điển, Ngọc Đông, Văn Minh, Bích Ngọc. Các cửa hàng này đã biến thịt chó, thỏ, bê, dê thành thịt cầy vòi, cầy hương... Các chủ cửa hàng đều khẳng định họ không bày bán thịt thú rừng.
Nhiều năm nay, tại khu vực chùa Hương vẫn tồn tại tình trạng các cửa hàng bán "thịt thú rừng" giả vẫn cứ thản nhiên để lừa du khách thập phương. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lực lượng chức năng và chính quyền địa phương vẫn đi kiểm tra mà không dẹp triệt để? Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phối hợp kiểm tra, xử lý thật nghiêm khắc nạn "thịt thú rừng" giả nhằm lập lại trật tự kỷ cương nơi cửa Phật; đồng thời cơ quan chức năng khuyến cáo thực khách không nên ăn thịt thú rừng ở đây.