Chơi chữ ngày Xuân

Có một thời, xin chữ đầu xuân – một thú chơi thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt, tưởng như đã đi vào quên lãng. Khi ấy, nhiều người đã không khỏi ngậm ngùi, luyến tiếc, trải lòng với bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên: “….Nhưng mỗi năm mỗi vắng. Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ không buồn thắm. Mực đọng trong nghiên sầu…”

Mừng là mấy năm gần đây, thú chơi ấy đang dần sống lại. Nhu cầu xin chữ của người tỉnh Đông và các tỉnh lân cận trong dịp đầu xuân ngày càng lớn” – những thành viên của Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh Hải Dương, đã tâm sự với chúng tôi như vậy trong một ngày cận Tết Canh Dần…

Sức sống của thú chơi thể hiện qua … con số

Xuất phát từ niềm đam mê chữ Hán Nôm, nên Xuân Canh Thìn 2000, ông Tăng Bá Hoành (hiện là Chủ tịch Hội Sử học kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp tỉnh Hải Dương), cùng một vài người bạn tổ chức đợt trưng bày thư pháp và cho chữ trong 3 ngày (từ 23 đến 25 tháng Chạp), tại thư viện tỉnh Hải Dương.

“Năm ấy, có khoảng 300 người đến xin chữ. Con số không lớn, song chúng tôi không nản, bởi đó là năm đầu, mọi người chưa biết nên đến ít cũng là điều dễ hiểu”- ông Hoành tâm sự.

Ông Đặng Xuân Vĩ viết câu đối, chuẩn bị trưng bày tại Hội thư pháp Xuân Canh Dần.
Ông Đặng Xuân Vĩ viết câu đối, chuẩn bị trưng bày tại Hội thư pháp Xuân Canh Dần.

Cũng từ năm đó, ông nhận ra một điều, dân mình vẫn mê chơi chữ lắm. Thế nên năm 2001, các ông xây dựng nên Câu lạc bộ Thư pháp, với số hội viên lúc đó chỉ vỏn vẹn 30 người. Trong số ấy, có tới phần nửa số hội viên không biết, hoặc chỉ “bập bẹ” được vài chữ. Ông Hoành vui vẻ: “Người chưa thông thạo chữ Hán Nôm, hăng hái gia nhập Câu lạc bộ là quý rồi. Việc của mình là phải đào tạo họ để họ duy trì được niềm đam mê ấy”.

Cùng với việc trang bị cho hội viên tri thức về chữ Hán Nôm, Câu lạc bộ còn tổ chức sưu tầm những câu đối hay, sách hay để nghiên cứu, làm cơ sở cho sáng tác câu đối, đại tự… và khi những kiến thức đó đã vững, các hội viên bước vào giai đoạn “luyện” thư pháp.

Tiếng lành đồn xa, với hoạt động năm đầu chỉ bó gọn ở thư viện tỉnh, đến năm 2002, Câu lạc bộ đã được ban quản lý các di tích lịch sử như Côn Sơn, Yên Tử, mời đến trình diễn thư pháp.

“Năm ngoái, tại các di tích nói trên, chúng tôi cho chữ từ mồng 4 tháng Giêng cho tới ngày 20-2 âm lịch”- ông Hoành hồ hởi.

Cách đây 3 năm, cũng xuất phát từ nhu cầu của những người yêu chữ, nên việc cho chữ đầu xuân được Câu lạc bộ thực hiện vào đêm giao thừa, tại các chùa trong thành phố Hải Dương như Đông Thuần, Phong Hanh, đền Đình Sượt… “Chúng tôi cho chữ từ 23 giờ 30 tối giao thừa cho đến 4 giờ sáng mồng 1 Tết. Mệt thật đấy, nhưng ai cũng vui, bởi trong thời khắc đầu tiên của năm mới, mình đã mang đến cho những người yêu chữ, mê chữ niềm vui nho nhỏ”.

Các hội viên Câu lạc bộ cho biết, người xin chữ chỉ bỏ ra chừng 10 nghìn đồng để mua giấy, không phải trả tiền công viết. Từ lời tâm sự của họ, chúng tôi thầm nghĩ, phải chăng nhờ nét đẹp, sự tinh tế của văn hóa cho chữ ấy, nên từ con số 300 người xin chữ năm đầu, đến Tết Kỷ Sửu vừa qua, đã có hơn 7.000 người đến các ông xin chữ…

Niềm vui của người cho chữ

Theo ông Hoành, niềm động viên lớn nhất với người cho chữ chính là sự trân trọng của người xin chữ dành cho những bức thư pháp. Ông kể, nhiều lần, đến nhà bạn bè, người quen chơi, biết ông yêu chữ, mê chữ, họ mang những bức thư pháp được viết cách đây hàng chục năm ra khoe với ông; có cháu nay sắp tốt nghiệp đại học, vẫn còn giữ được những chữ các cháu xin từ khi còn là học sinh.

Ông Đặng Xuân Vĩ và ông Nguyễn Đức Vạn bình thư pháp.
Ông Đặng Xuân Vĩ và ông Nguyễn Đức Vạn bình thư pháp.

Trong những đêm giao thừa, người xin chữ rất đông, nhiều người vẫn kiên trì chờ đến hàng tiếng đồng hồ, bởi họ không muốn dùng những bức thư pháp đã viết sẵn, mà muốn tận mắt chứng kiến “chữ tươi” được hình thành từ nét bút “bay” trên giấy dó. Họ quan niệm, đó mới là chữ dành cho mình, chứ chữ viết sẵn có thể dành cho bất kì ai. Rồi trước đó, hết ngày 25 tháng Chạp, khi Hội trưng bày thư pháp đã dỡ rạp, bế mạc, có người vẫn hỏi dò đường đến tận nhà các ông xin chữ. Đó là niềm vui rất lớn đối với các thành viên của Câu lạc bộ.

Ông Nguyễn Đức Vạn, một hội viên mới, cũng như ông Đặng Xuân Vĩ, một trong những người sáng lập Câu lạc bộ đều có chung chia sẻ: thư pháp không chỉ mang trong nó tính nghệ thuật cao, mà mỗi con chữ đều có tính giáo dục sâu sắc.

Ông Vạn tâm sự: người già xin chữ Tĩnh, chữ Thọ; người gặp nhiều gian nan, trắc trở xin chữ Nhẫn; người buôn bán xin chữ Tín, chữ Phát; học trò xin chữ Chuyên, chữ Đạt… những chữ ấy như sự định hướng và chứa trong đó niềm tin cho người chơi chữ trong cả một năm trời. Chuyện cha mẹ xin chữ Liêm, Chính về treo ở nhà, như lời răn dạy những người con có chức, có quyền, cũng không còn là chuyện hiếm.

Cũng bởi tìm thấy niềm vui từ thư pháp nên có hội viên tuổi đã 85, nhưng vẫn đều đặn đạp xe từ huyện Bình Giang, cách thành phố Hải Dương dễ chừng đến 20 cây số, đến Câu lạc bộ tham gia sinh hoạt.

Hội trưng bày thư pháp của Câu lạc bộ hàng năm đều có chủ đề, bám sát với thực tiễn đất nước. Chủ đề của năm nay có hai nội dung chính: mừng Đảng cộng sản Việt Nam tròn 80 năm tuổi; chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tại Hội trưng bày thi pháp xuân Canh Dần tới, ngoài hai đôi câu đối của Câu lạc bộ, mỗi hội viên cũng sẽ mang đến đây đôi câu đối.

Trước lúc chia tay, các ông đã đọc cho chúng tôi nghe nội dung hai đôi câu đối của Câu lạc bộ:

“Đảng 80 xuân, mấy độ thăng trầm, sự nghiệp vẫn nổi danh bốn biển.

Nước nhiều thời đại, bao lần biến cố, vị thế càng ngời sáng năm châu”.

“Thăng Long trải một nghìn năm văn hiến, lừng lẫy kinh đô Đại Việt.

Hồng Lộ qua bao thế kỷ anh hùng, vững vàng phên giậu phía Đông”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Các em tham dự khóa tu "Về với Phật" tại chùa Phước Long (H.Củ Chi, TP.HCM)

Về chùa học làm người có ích

GNO - Mỗi tháng một lần, vào ngày chủ nhật được ấn định, các em học sinh ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM lại trở về chùa Phước Long (số 27, đường 723) tham gia khóa tu “Về với Phật”. Về chùa, các em không chỉ được vui chơi, học kỹ năng sống, mà còn học và thực hành làm người có ích.
Phân ưu

Phân ưu

Được tin cụ ông Lê Doãn Long, thân phụ của anh Lê Doãn Bằng (pháp danh Pháp Thiện), nhân viên của Báo Giác Ngộ đã qua đời tại quê nhà (Thanh Hóa), hưởng thọ 71 tuổi.

Thông tin hàng ngày