Chông chênh tuổi già

Chông chênh tuổi già
Từ lá thư của Tỳ kheo ni TN.Huệ Hoằng đang tu học tại Thiền viện Thường Chiếu, thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai) gởi về tòa soạn Giác Ngộ nêu  tình cảnh đáng thương của ba cụ già neo đơn đang sống trên căn phòng trọ giữa trung tâm thành phố. Chúng tôi đã đến thăm và được các cụ chia sẻ.

Ba cụ già trong căn phòng trọ

Ba chị em ruột tuổi đã cao và đều không có gia đình riêng đã cùng nhau cưu mang trong căn lầu nhỏ của căn hộ tại số 402 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM. Họ đã sống như vậy, lặng lẽ với những ngày tháng lo toan.

Cụ lớn nhất tên Trương Thị Túy (83 tuổi) đã từng là giáo viên trường tiểu học tại quận 3, sau đó được dạy thêm các lớp học phổ cập, đến 60 tuổi thì cụ về hưu. Hiện nay, cụ bà đã lẫn, hay nói hay cười vô tư lự và chỉ quanh quẩn trong nhà. Cụ thứ hai tên Trương Thị Minh Thuấn (73 tuổi) cũng là cựu giáo viên trường mẫu giáo, nhưng sau đó nghỉ dạy và tiếp tục có một thời gian dài dạy tại lớp học tình thương của phường Tân Định (Q.1). Và người em Út tên Trương Thị Diệu Thuần (60 tuổi), là thư ký cho một công ty nhưng từ hơn 10 năm qua cụ Thuần bị bệnh cột sống, đi lại phải chống gậy. Nỗi đau ập xuống khi hơn một năm qua, cụ Út Thuần bị xuất huyết não, đầu óc không còn được tỉnh táo cứ nói cười suốt ngày và ngồi nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người chị thứ hai chăm sóc, đỡ đần.

“Lúc trẻ, ba chị em từ quê nhà Tam Kỳ (Quảng Nam) dắt díu nhau vào Sài Gòn làm ăn, nhưng cuộc sống quá khó khăn thành ra ai cũng không có gia đình riêng. Nói là sống neo đơn, nhưng chúng tôi cũng có một đứa cháu gái gọi bằng cô cũng thường xuyên thăm viếng”, cụ Thuấn nói. Trong câu chuyện của cụ Thuấn, người duy nhất còn nói chuyện được có nhiều nỗi buồn nhưng cụ nói hoàn cảnh của mình là vậy, đã có nhiều chuyện xảy ra quanh cuộc sống của các cụ, nhưng bây giờ trí não quên trước quên sau nên chỉ nhớ được chút ít. Giữa phố thị ồn ào tấp nập, trên căn gác nhỏ, ba cụ già vẫn lặng lẽ sống với tuổi già đơn độc, chông chênh.

900 ngàn đồng/tháng

Dáng người mảnh khảnh, ốm yếu vì lớn tuổi và lao lực nhiều nên có lúc nhớ lúc quên, cụ Thuấn hiện là người khỏe mạnh nhất trong ba cụ. Mỗi ngày cụ đi chợ, nấu ăn, chăm sóc chị lớn bị lẫn và chăm từng chút cho người em bị nằm liệt giường. Hàng ngày các cụ cũng ăn uống rất đơn giản, thường thì ăn khoai, ăn quả thì nhiều, chỉ nấu cơm chăm cho cụ Út Thuần. Do vậy, tiền chợ cũng không nhiều, tiền điện và nước xài hàng ngày cũng có công ty thuê ở dưới nhà trả giúp.

Cái khó của các cụ, là cả ba cụ đều đã yếu, căn bệnh xuất huyết não của cụ Út lại không thuyên giảm vì không có tiền điều trị đến nơi đến chốn. Hiện tại, hàng ngày các cụ nhín chút đỉnh tiền (200.000 đồng/lần khám) mời bác sĩ mỗi nửa tháng đến khám một lần cho cụ Út Thuần, bác sĩ kê toa thì có cháu gái đến giúp mua thuốc. Vì cả ba cụ sống neo đơn, sức khỏe yếu nên không thể đi làm thêm gì được, mọi sinh hoạt, thuốc men của các cụ trong cuộc sống đều trông nhờ vào 900.000 đồng/tháng từ tiền lương hưu giáo viên của cụ Túy.

Cụ Thuấn tâm sự, dạo trước có Sư Minh Nhã ở tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh) đến giúp cho 2 triệu đồng, cụ nhận và để dành mua thuốc cho cụ Út. “Nhưng mà ngại quá, nhận vầy biết lấy gì mà trả”.

Sống đùm bọc nhau trong căn phòng nhỏ tối tăm khoảng chừng 15m2 trên lầu của căn nhà mặt tiền, trước là phòng khách cũng là chỗ ngủ của hai cụ lớn, còn giường cụ Út Thuần thì được đặt ngay lối đi chật hẹp để dễ bề chăm sóc. Căn phòng trọ này đã được người chủ của cụ Túy thương tình cho ở nhờ trong suốt 35 năm qua. Cụ Thuấn nói: “Nhờ tình thương của cô chủ nhà mà mới có chỗ nương nhờ chứ không thì biết ở đâu. Cuộc sống hiện tại vất vả đó nhưng biết sao giờ, chị em đùm bọc nhau bao lâu nay rồi. Dạo trước có cô Hạnh (người đã viết thư gởi tòa soạn) rủ vào chùa tu nhưng hoàn cảnh nhà lúc trước còn phải lo cho mẹ già, còn bây giờ cũng không đi đâu được”. Nhìn căn gác hiu quạnh nhưng cụ nói, nhà có thờ Phật vậy là cũng thấy ấm áp rồi. Ba cụ lúc trẻ đã quy y Phật nhưng đã lâu không có điều kiện đến chùa mà chỉ tụng niệm ở nhà.

Hiện tại, cụ Thuấn chỉ ước ao một điều, cầu cho cụ Út Thuần bớt bệnh có thể đi lại được thì đỡ phải lo nhiều. Còn phần mình chỉ mong sao cho đừng bệnh tật gì, có trí nhớ tốt để còn sớm hôm chăm sóc cho chị và em.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày