GN - Để cho chữ tu và chữ hiếu được vẹn toàn thì bạn cần thực hành chữ hiếu trước.
HỎI: Tôi năm nay 28 tuổi, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học ở TP.HCM. Tôi được tiếp xúc và học tập Phật pháp từ rất sớm. Năm 8 tuổi, tôi đã được dì dẫn đi sinh hoạt Gia đình Phật tử (GĐPT), kéo dài đến đầu năm lớp 12 thì tôi tạm ngừng sinh hoạt để tập trung thi tốt nghiệp và đại học. Khi vào TP.HCM học đại học thì tôi ít có điều kiện để tiếp tục đi sinh hoạt GĐPT. Mãi đến khi ra trường, và khoảng 6 tháng gần đây tôi hay lên chùa làm công quả, thường xuyên ăn chay, tìm tòi và nghiên cứu sâu hơn giáo lý của Đức Phật. Bỗng nhiên ý niệm xuất gia trong tôi quay trở lại rất mãnh liệt (ý niệm này tôi đã từng có trong quá trình đi sinh hoạt GĐPT ở quê). Tôi muốn tu học để được an lạc, nhẹ nhàng trong mọi việc đồng thời nguyện đem thân thể vô thường này phụng sự, làm đẹp cho đời, cầu nguyện cho cha mẹ và người thân, bạn bè thoát khỏi những lầm lỗi, mê muội. Nhưng, tôi là con trưởng và là con trai một (tôi còn một đứa em gái), cha mẹ tôi tuy có thờ Phật nhưng ít ăn chay, tụng kinh và đặc biệt không muốn cho tôi xuất gia. Tôi có lần nói ý định xuất gia với mẹ, mẹ tức giận và bảo rằng cha mẹ nuôi tôi ăn học đến thạc sĩ-giảng viên, chưa báo hiếu cho cha mẹ được ngày nào mà đi tu là bất hiếu. Hiện tôi không biết làm cách nào để cha mẹ chuyển ý, chấp thuận cho tôi xuất gia. Tôi cũng từng có ý định sẽ bỏ việc, xin tu ở một chùa nào đó thật xa, cắt đứt liên lạc với người thân... nhưng thật tâm, tôi không làm được điều đó. Tôi muốn mình xuất gia trong niềm hoan hỷ và được sự chấp thuận của cha mẹ, gia đình. Mong nhận được sẻ chia từ quý Báo.
(NGUYÊN NIỆM, huynhminhkhai2303@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Nguyên Niệm thân mến!
Đọc những tâm sự của bạn, chúng tôi biết bạn có căn lành với đạo nghiệp xuất gia từ nhiều đời. Nếu bạn giữ vững tâm nguyện, quyết tâm chọn con đường xuất gia làm lẽ sống và phụng hiến thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ được như nguyện.
Nhưng trước khi thực sự dấn thân phụng đạo, giúp đời theo hạnh nguyện của người xuất gia, thiết nghĩ, tu học để chuyển hóa tự thân và báo hiếu cha mẹ là những việc làm căn bản, quan trọng nhất, nên được ưu tiên hàng đầu.
Trong vấn đề chuyển hóa tự thân thì không hẳn xuất gia mới làm được, không nhất thiết phải xuất gia mới gọi là tu. Bạn đã có thiện căn, lại có tri thức và nhiệt tâm nghiên tầm giáo pháp thì có thể lựa chọn cho mình một pháp môn tu. Tu ở đây chính là sửa, chuyển hóa thân tâm mình từ chưa tốt trở thành tốt đẹp hơn, ba nghiệp thân miệng ý từ chưa thanh tịnh thành thanh tịnh. Thực tế có rất nhiều vị cư sĩ tu tập tinh chuyên, đạt được những tiến bộ tâm linh, thành tựu giới định tuệ, có một đời sống an vui và tự tại.
Mặt khác, thâm ân sanh dưỡng của cha mẹ như trời biển, phận làm con phải báo đền. Vẫn biết rằng, về sau lúc hội đủ duyên lành xuất gia rồi thì có cách thức báo hiếu riêng, nhưng hiện tại phụng dưỡng cha mẹ bằng tài vật do chính mình làm ra vẫn là điều căn bản nhất. Rõ ràng, nếu như cha mẹ vì dốc hết công sức và tiền của cho bạn ăn học đến khi bạn thành đạt rồi lại xuất gia, không lo báo hiếu, chẳng giúp đỡ gia đình, dìu dắt em út thì cách hành xử ấy xem ra chưa ổn.
Hơn nữa, bạn là con trai một trong gia đình nên đi tu thì theo quan niệm xưa là không còn người nối dõi. Trong khi cha mẹ của bạn cũng chưa hiểu đạo sâu sắc để có thể vượt qua được định kiến này. Vì thế, không dễ để bạn có được sự đồng thuận từ gia đình. Có thể xem đây là một chướng duyên xuất gia của bạn nhưng bạn cần nhẫn nại trước thử thách này. Đặc biệt là bạn không nên trốn chạy, bỏ đi xuất gia mà để lại sau lưng ngổn ngang nhiều nỗi. Vì đa phần xuất gia trong những hoàn cảnh như thế rất khó thành tựu.
Bạn hãy phát huy đức nhẫn để chấp nhận sự thật này đồng thời nói rõ cho cha mẹ và em biết rằng tâm nguyện hay lý tưởng sống của bạn là xuất gia phụng đạo, giúp đời. Nhưng đó là việc của tương lai. Hiện tại vì báo hiếu cha mẹ, bạn vẫn sống đời Phật tử tại gia với đầy đủ các chuẩn mực đạo đức và chu toàn trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Để cho chữ tu và chữ hiếu được vẹn toàn thì bạn cần thực hành chữ hiếu trước. Dù sống đời tại gia mà tâm hướng đến xuất gia thì cũng chính là tu. Chính hạnh hiếu thảo và đức nhẫn nại của bạn là phương cách hữu hiệu nhất để cảm hóa gia đình. Thiết nghĩ, một thời gian sau, khi em của bạn đã trưởng thành và có thể tự lập, kinh tế gia đình bạn hồi phục, cha mẹ cũng nhận ra ý chí xuất gia kiên định của bạn, bấy giờ chính là lúc hội đủ duyên lành cho bạn xuất gia.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN