Chữa bệnh bằng trái tim và tâm linh

Chữa bệnh đòi hỏi cần có đức tin
Chữa bệnh đòi hỏi cần có đức tin
GNO - Những hệ thống y học truyền thống như Ayurveda, Siddha hay Unani đều dựa vào thiên nhiên và mang tính lành mạnh. Sau đó y học Tây Tạng kết hợp những yếu tố tự nhiên với một số nguyên tắc được quy định trong chiêm tinh học.

Nguồn gốc Y học Tây Tạng (TT) bắt đầu từ giai cấp lao động nghèo. Ban đầu họ tự chữa bằng mẹo để qua khỏi cơn bệnh. Dần dà họ hoàn thiện thêm nhiều cách thức chữa bệnh tự nhiên từ các quốc gia lận cận, kết hợp với tính tâm linh mà Phật giáo đã thừa nhận.

Người Tây Tạng đã khám phá ra nhiều bài thuốc cơ bản, như dùng bơ nấu chảy đắp lên vết thương để cầm máu, hay dùng nước nóng để trị chứng không tiêu. Những bài thuốc dân gian này đã giúp người dân đẩy lùi những bệnh trầm trọng. Khi Thần Y Đệ Nhất Yuthok Yonten Gonpo soạn cuốn Gyueshi - bản gốc nội dung cơ bản của y học TT - thì ông soạn dựa trên hệ thống y học bản địa cùng với các hệ thống y học của các nước láng giềng. Ngày nay, sự hành nghề y, những công cuộc nghiên cứu và những công thức dược phẩm khác nhau của y học TT đều dựa trên cuốn Gyueshi.

Theo y học TT, thân thể và trí óc con người thường bị rối loạn bởi những hoạt động bất thường của 3 nguồn năng lượng sinh học là Loong, Tripa, và Baeken. Triết lý Phật giáo hiểu thấu được hệ thống y học TT: thân thể và tâm trí của con người có liên quan với nhau, không thể được đối xử riêng biệt. Một bác sĩ uyên bác của TT nhận biết một cách rõ ràng những nguyên nhân và điều kiện gây ra sự rối loạn của cơ thể thông qua phương pháp chẩn đoán bằng bằng mắt, kiểm tra bằng tay và vấn đáp.

Khi bệnh nhận đã được điều trị bằng những phương thuốc tốt nhất mà vẫn không hồi phục, chúng ta cần phải xem xét lại những hành động đã gây ra nghiệp ở quá khứ và hiện tại của bệnh nhân. Chính vì thế, sách Gyueshi có ghi rằng: Bác sĩ TT phải thông minh, từ bi, tận tụy, cần cù, khéo léo và đạo đức.

Ngày nay, các bác sĩ TT được đào tạo tại Viện Men-Tsee-Khang (Viện Chiêm tinh và Y học Tây Tạng), đòi hỏi không những phải nắm vững chuyên môn y thuật, mà còn phải hiểu biết toàn diện về khoa chiêm tinh (hay còn gọi là tử vi học) và những ảnh hưởng của vũ trụ đối với sinh vật hữu tình.

Nền y học TT nhận ra có một sức sống liên tục luôn chạy khắp bên trong cơ thể chúng ta. Thậm chí khi những thuốc men tốt nhất không thể chữa khỏi bệnh, người ta vẫn tin rằng sức sống đó đang bị xáo trộn. Do vậy, phải đánh giá lại nghiệp quá khứ và hiện tại của bệnh nhân, để có thể xác định cơn bệnh ấy là do nghiệp. Dựa vào đức tin của người TT, những chuyển động của hành tinh cũng ảnh hưởng đến ngũ uẩn của chúng ta.

Cho nên, dựa vào những vị trí hiện tại của các hành tinh, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên làm gì mỗi ngày, bao gồm cả việc tắm rửa và ăn uống. Thảo mộc ở dãy núi Hy Mã Lạp Sơn là chất liệu chủ yếu trong thành phần dược phẩm, cũng được hái dựa theo vị trí của các hành tinh để bảo đảm có hiệu quả.

 Các bác sĩ TT cũng phải nghiên cứu về sự di chuyển của sinh lực này để hiểu biết về cơn bệnh của bệnh nhân. Họ quan sát sinh lực này di chuyển như thế nào và nó sẽ đi đến đâu để dựa vào đó mà cho thuốc. Hoặc họ xem xét những diễn biến bên ngoài của bệnh nhân để điều trị. Chữa bệnh bằng phương pháp y học TT bắt đầu từ bên trong, và người bác sĩ phải hiểu và chấp nhận rằng bệnh tật bắt nguồn từ trong chính bệnh nhân.

Bước đầu tiên là bác sĩ phải “thanh lọc tâm linh” cho bệnh nhân, biến đổi bệnh nhân thành một người mới hoàn toàn. Tuy nhiên, sẽ không chữa được nếu người bệnh không có niềm tin. Chữa bệnh đòi hỏi cần có đức tin. Khi tâm hồn đã bị khóa chặt, sự chữa bệnh không thể diễn ra. Đó là lý do tại sao bệnh nhân phải tin vào bác sĩ và cách điều trị.

Ngày nay, các y bác sĩ TT đang tìm cách xúc tiến việc thực hiện toàn bộ gowa-rigpa (hiểu biết và trí tuệ), hệ thống y học TT, thiên văn học và chiêm tinh học trong việc chữa bệnh.

Điều quan trọng nữa là phải cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả mọi người không kể giai cấp, màu da, tín ngưỡng. Chúng ta nên áp dụng hệ thống y học Tây Tạng vào đời sống hàng ngày, cũng như tất cả mọi nghiên cứu y học và sản xuất thuốc men được thực hiện ở Viện Men-Tsee-Khang nên thích hợp theo từng địa phương.

Giáo sư Tiến sĩ Dorjee Rapten Neshar

Thủy Ngọc (Theo buddhistchannel.tv)

----------------
Giáo sư Tiến sĩ Dorjee là bác sĩ trưởng của Trung Tâm Y học Tây Tạng ở thủ phủ Bengaluru bang Karnataka, Ấn Độ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày