Chùa Một Cột kêu cứu

Gần 60 năm qua, chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) chưa được trùng tu. Ngôi chùa “độc nhất vô nhị” này ở Việt Nam đang xuống cấp. Mỗi khi mưa to khuôn viên chùa đã trở thành “rốn” chứa nước vì thấp hơn các khu vực xung quanh.

Chùa Một Cột kêu cứu ảnh 1
Chùa trở thành hồ nước mỗi khi mưa.
Xập xệ trước 1.000 năm Thăng Long?


Theo Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột, thì năm 1995, chùa có được trùng tu ngôi Tam bảo với tổng số tiền là 500 triệu đồng, năm 1997 trùng tu nhà Mẫu hơn 200 triệu đồng, còn chính điện chùa Diên Hựu thì được trùng tu từ năm 1954.  Đã gần 60 năm nhưng công trình văn hoá quan trọng này của Thủ đô hoàn toàn không nhận được sự đầu tư nào. Hàng năm, nhà chùa tự tổ chức nạo, vét ao chùa và sơn tường.


Trong khi đó, toàn bộ khu vực chùa Một Cột lại nằm ở vùng đất trũng so với mặt bằng xung quanh. Mỗi khi mưa to, khuôn viên chùa trở thành một hồ chứa nước. Không chỉ trở thành nơi chứa nước mà cái “rốn” nước này còn phải hứng chịu bụi bẩn dồn xuống. Chính vì vậy, chiếc ao chùa vốn nhỏ bé và nông, thường xuyên rơi vào tình trạng phải chứa thêm bùn, đất. Khu vực thảm cỏ trở nên xơ xác, tiêu điều sau những đợt mưa lớn. Còn đường đi trong sân chùa thì xuống cấp nghiêm trọng.

Mái ngói chùa hiện cũng đã bị xô dạt. Theo quan sát của chúng tôi, ngói trên khu vực mái trước của chùa đã bị xô thành 1 hàng lớn. Việc ngói chùa bị xô dạt không chỉ gây mất mỹ quan mà mỗi khi trời mưa gây tình trạng dột ướt xuống khu vực bên trong chùa và có nguy cơ bị sụp xuống.


Đại đức Thích Tâm Kiên cho rằng, công trình chùa Một Cột là một trong những công trình quan trọng của bộ mặt văn hoá Thủ đô. Chúng ta lại đang chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, việc để chùa Một Cột xập xệ như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến hình ảnh của Hà Nội 1000 năm.

Chùa Một Cột kêu cứu ảnh 2
Mái ngói bị xô dạt.

Chùa có bị bỏ quên?


Đại đức Thích Tâm Kiên đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp về việc cần trùng tu lại chùa Một Cột cho xứng tầm với vị trí của ngôi chùa này. Tuy nhiên, chùa Một Cột vẫn tiếp tục phải hứng chịu tình trạng như trên đã nhiều năm qua.


Năm 2002, UBND quận Ba Đình cùng nhiều ban ngành đã có cuộc họp tại chùa và đi đến thống nhất sẽ triển khai đảo ngói cho chùa. Tuy nhiên, từ sau cuộc họp này cho đến nay, vẫn không thấy đơn vị nào nhắc lại chuyện đảo ngói cho chùa.


Tháng 4/2009, nhà chùa tiếp tục có tờ trình đề nghị UBND thành phố và các cấp chính quyền xem xét phục chế nhà thờ Tổ (nhà thờ Tổ hiện phải sử dụng chung với nhà thờ Mẫu) và nâng cấp khu sân vuờn chùa. Tháng 5/2009, UBND thành phố đã có công văn đề nghị sở VH,TT&DL kết hợp với UBND quận Ba Đình kiểm tra.


Đến tháng 19/5/2009, UBND quận Ba Đình lại có 1 cuộc họp với các ban ngành và chính quyền phường Đội Cấn tổ chức tại chùa và đi đến thống nhất phải có quy hoạch tổng thể của chùa. Sau sự việc này, nhà chùa đã có đề xuất quy hoạch gửi các cấp chính quyền liên quan, nhưng cho đến nay vẫn không thấy đơn vị nào tới thẩm định hay thông báo gì với nhà chùa(?).

Không muốn sự việc bị rơi vào quên lãng, đầu tháng 9 vừa qua, đại đức Thích Tâm Kiên lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu cho chùa lên nhiều cơ quan hữu trách. Chùa lại nhận được một công văn của UBND  thành phố tương tự như công văn hồi tháng 5. Tuy vậy, sau công văn trên, chùa Một Cột vẫn chưa nhận được hồi âm từ cơ quan chức năng nào.


Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, muốn trùng tu và nâng cấp toàn bộ khu vực chùa cần khá nhiều tiền và phải do Viện Quy hoạch và Cục Di sản, Bộ VH, TT&DL thẩm định và phê duyệt. Theo đại đức, nếu có thể, nhà chùa sẽ cùng huy động các nguồn công đức thập phương để cùng tu sửa cho chùa được khang trang. Điều quan trọng nhất lúc này là cần có chủ trương trùng tu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chân dung nhạc sĩ Giác An (1957-2024)

Nhạc sĩ Phật tử Giác An từ trần

GNO - Thông tin từ gia đình cho biết, nhạc sĩ Giác An - tác giả của nhiều ca khúc Phật giáo vừa từ trần hôm nay 11-5-2024 tại tư gia, hưởng thọ 68 tuổi.
Ảnh minh họa

Ly dị vợ có phạm tội không?

GNO - Ngày xưa chúng tôi yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không đến được với nhau. Rồi cả hai đều có gia đình riêng. Chúng tôi vẫn liên hệ nhau nhưng không làm gì quá giới hạn. Mười mấy năm sau cô ấy ly dị chồng. Tôi rất thương cô ấy nhưng vì trách nhiệm gia đình nên vẫn cố chịu đựng...

Thông tin hàng ngày