NSGN - Cụm di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia gồm đền Tiên Yên và chùa Kim Rong* nằm liền kề nhau trên một khu đất rộng khoảng 8.000m2 ngay đầu làng Tiên Yên, xã Khánh Lợi, tỉnh Ninh Bình.
Tam Cốc Bích Động, Ninh Bình
Theo tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ trong di tích, cha của Phùng Kim là Phùng Dực, mẹ là Nguyễn Thị Dung, quê ở xã Hoạch Trạch, huyện Tứ Kỳ, phủ Hồng Châu, đạo Hải Dương. Ông Phùng Dực chuyên làm nghề thuốc.
Những năm trước đó, bọn giặc nhà Tề (479-505) về đàn áp, giết người cướp của, đẩy nhân dân vào con đường cực khổ, cuộc sống lầm than đói khát. Gia đình ông bà Phùng Dực là nạn nhân của nỗi thống khổ đó, phải đi tha phương làm ăn sinh sống. Khi đến ấp Tân An, gặp Hào trưởng là Nguyễn Huy, ông bà xin ở chùa Tân Yên, và được Hào trưởng cùng bà con trong ấp chấp thuận, gia đình ông vừa thờ Phật vừa làm thuốc chữa bệnh cho dân. Nhờ sự cần cù, đức độ, ông bà được nhân dân trong vùng quý mến thương yêu.
Sau một thời gian, vào giờ Thìn, ngày mồng 6 tháng Giêng năm Quý Dậu (493) tại chùa Tân Yên, ông bà sinh hạ một người con trai, đặt tên là Phùng Kim.
Dưới bàn tay chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, Phùng Kim lớn nhanh, khỏe mạnh, học giỏi. Nhân dân trong ấp ai cũng gọi là thần đồng. Năm 15 tuổi, cha mẹ đều mất, ông được bà con dân ấp đùm bọc nuôi dưỡng. Sau 3 năm chịu tang cha mẹ, ông quyết chí đi khắp nơi tìm thầy học đạo. Ông lên động Hoa Lư, và ở đây ông đã gặp Triệu Quang Phục, lúc bấy giờ đang đi khắp nơi tìm anh tài hào kiệt tham gia nghĩa quân chống giặc Lương. Sau khi giới thiệu tên tuổi, bày tỏ ý nguyện và kế giết giặc giữ nước cứu dân, ngày hôm sau, hai ông trở về chùa Tân Yên mời dân địa phương tới dự bữa tiệc kết tình huynh đệ.
Sau ngày lễ tế trời, tế Phật, hai ông tạm biệt nhân dân, lên đường trở về đầm Dạ Trạch.
Tại căn cứ đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục và Phùng Kim ra sức luyện tập võ nghệ, chuẩn bị đánh giặc Lương (505-543, Trung Quốc), ông hạ lệnh cho quân sĩ, ban ngày tắt hết khói lửa, bất động để giặc không thể phát hiện được ta. Đêm đến, quân sĩ được chia thành từng toán nhỏ, đi thuyền độc mộc đột kích vào doanh trại giặc, vừa tiêu hao sinh lực của chúng, vừa lấy lương thảo trở về. Giặc ngày càng túng thế.
Năm 548, bên Trung Quốc có biến nên Trần Bá Tiên phải về nước gấp, lưu phó tướng Dương San ở lại Giao Châu. Dạ Trạch vương đem quân đánh San. Dương San thua và bị tướng trẻ Phùng Kim chém đầu.
Đất nước không còn bóng giặc. Vui mừng và biết ơn nên quân sĩ đã suy tôn Triệu Quang Phục lên ngôi vua là Triệu Việt Vương. Sau khi lên ngôi, ông thưởng phong cho Phùng Kim là Nguyên soái Quân sư.
Sau đó hai ông về chùa Kim Rong làm lễ ăn mừng với nhân dân Tân An. Qua ba ngày mở tiệc, hai ông lại trở về thành Long Biên.
Nguyên soái Quân sư Phùng Kim phục vụ Triệu Việt Vương được 13 năm. Ngày 2 tháng Chạp năm Tân Sửu (560), Phùng Kim qua đời, hưởng thọ 67 tuổi.
Triệu Việt Vương vô cùng thương tiếc, cho lập đền thờ Phùng Kim tại Tân An. Cũng từ đó trải qua các triều đại, nhân dân Tân An được miễn toàn bộ thuế khóa, quân lương. Ngoài ra hàng năm còn được 72 quan tiền để chi vào ngày giỗ, ngày tuần tiết tại đền.
Sau ngày Phùng Kim mất, nhân dân lấy tên ông đặt tên cho chùa gọi là chùa Kim Rong.
Kim Rong nghĩa là nhớ đến ông Phùng Kim, người sinh ra và lớn lên ở chùa, đã có công cùng Triệu Quang Phục (tức Triệu Việt Vương, 548-571) đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương bên Trung Quốc vào năm 548.
Câu đối cổ ở hai trụ đồng phía đốc Tiền bái của chùa cũng nói lên điều đó:
朔自昔金鎔緣秀我大王噐宇軒昴
笛山應騁扶王功成身退故鄉言尋
Phiên âm:
Sóc tự tích Kim Rong duyên tú ngã đại vương khí vũ hiên ngang
Địch sơn ứng sánh phù vương công thành thân thoái cố hương ngôn tầm
Dịch nghĩa:
Nhớ thủa xưa Kim Rong đất tốt sinh ra bậc đại vương ý chí hiên ngang
Núi Địch (Lộng) ứng sánh phù vua, công thành thân thoái trở về quê hương.
Như thế, chùa Tân Yên đã có từ trước năm 493 (tức thế kỷ thứ V), và đây có lẽ là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Ninh Bình.
Muốn đến chùa Tân Yên phải đi qua đền Tiên Yên. Từ hướng Tây đi vào chùa, bên trái là đền Tiên Yên kiến trúc theo kiểu “Tiền Nhất (一) hậu Đinh (丁)”, quay hướng Tây. Đền Tiên Yên thờ Triệu Quang Phục và Phùng Kim.
Chùa Tân Yên cũng quay hướng Tây như hướng của đền, nhưng nằm lui về phía Nam, không bị đền chắn hướng. Tiền đường 5 gian, hai phía đầu hồi xây hai trụ đồng. Vì, kèo, cột đều bằng gỗ lim; gian giữa có cửa võng, trên cửa võng có treo bức đại tự chữ Hán: “Bát Giáp Kim Rong” sơn son thếp vàng.
Trải qua nhiều cuộc binh hỏa, chùa bị tàn phá nhiều lần. Hiện nay ở chùa còn hệ thống tượng Phật vốn có từ lâu đời.
Trong tiền đường đặt tượng đức Thánh Hiền và đức Ông, không có tượng Hộ pháp.
Hậu cung 3 gian, cũng xây các bệ từ trên cao xuống thấp, bài trí các tượng Phật.
Phủ Mẫu xây liền với chùa chính gồm 3 gian tiền đường và một gian hậu cung, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (丁). Hậu cung đặt tượng thờ Tam tòa Thánh mẫu và các quan.
Nhà Tổ của chùa rộng 3 gian quay hướng Nam.
Hàng năm, cứ đến ngày 5 tháng 2 âm lịch lễ hội được tổ chức tại đền và chùa trong 5 ngày.
Đền và chùa Tân Yên đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa ngày 28 tháng 2 năm 1997.
Nguyễn Đại Đồng
_____________
* Theo Từ điển Hán Việt chữ 鎔 có nghĩa là chữ Dong (ghi chú của Ban Biên tập)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hồ sơ di tích đền và chùa Tân Yên lưu tại Phòng Quản lý Di sản Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Hà Văn Thư-Trần Hồng Đức, Tóm tắt niên biểu Lịch sử Việt Nam, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2007.
Nguyễn Đại Đồng-Nguyễn Hồng Dương-Nguyễn Phú Lợi, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn Giáo, 2017.