Chùa Thầy và huyền thoại 3.000 bộ xương

Xứ Đoài địa linh, đậm đặc không gian văn hóa dân gian với những truyền thuyết, sự tích đầy bí ẩn trong đó có chùa Thầy. Nơi đây, có hang Cắc Cớ với bể xương khổng lồ hàng chục khối, tương truyền của nghĩa quân Lữ Gia, hằng ngày vẫn thu hút du khách thập phương về tìm hiểu thực hư.

Tụ linh khí xứ Đoài

Cách trung tâm Hà Nội gần nửa giờ đi xe máy, xã Sài Sơn hiện ra giữa những núi đá vôi cây cối rậm rạp đầy u tịch. Ngự giữa không gian ấy, chùa Thầy như là nơi phát ra muôn ngàn sương khói mờ ảo bao trùm lên cả xã 5 thôn xung quanh.

Một góc chùa Thầy

Một góc chùa Thầy

Chùa Thầy có tên chữ là Thiên Phúc tự bao gồm quần thể di tích Phật giáo ở quanh núi Thầy (tên chữ là Sài Sơn) gồm chùa thiên Phúc, chùa Long Đẩu, chùa Đỉnh Sơn, am Phật Tích, chùa Bối Am ở trên núi và cả những di tích phi Phật giáo như: đình, võ miếu, đền thánh Văn Xương (vị thần văn học), hang Cắc Cớ, chợ Trời… ẩn hiện sau những cây sứ đại thụ ngàn năm tuổi tỏa hương phảng phất.

Truyền thuyết kể rằng, chùa được dựng từ thời Lý cùng thời với thiền sư danh tiếng Từ Đạo Hạnh được dân gọi tôn kính và thân thuộc là Thầy (tức Thầy chùa), từ đó thành tên chùa là chùa Thầy. Xét về phong thủy, một cao niên ở đây giảng giải, núi Thầy được xem như là con rồng lẻ đàn độc đáo (quái long), xung quanh có 16 ngọn núi nhỏ (thập lục kỳ sơn) là các con lân, phượng, quy… chầu về. Chùa được dựng ở khu đất hàm rồng, sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai Nhật - Nguyệt tiên kiều như hai râu rồng và nhà Thủy đình là viên ngọc mà rồng vờn.

Bia Phật Tích sơn tự thi ghi lại lời chúa Định vương Trịnh Căn (1682-1709) khi qua đây: “Nay thấy chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích như viên ngọc nổi lên giữa đám ruộng sỏi đá rạng vẻ xuân tươi ở cả bốn mùa. Động Tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật - Nguyệt đôi vầng. Núi tựa bình phong, sóng như dải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu, vang reo sắc sáng, đường đường đầy rẫy quang minh. Tiếng Phật pháp đã vời được khách lạ dâng hoa, đạo đạo thừa lại khiến cả người quê tiến quả. Đó chính là vườn xanh núi Thúy dời đến chốn nhân gian vậy..

Bàn thờ Lữ Gia

Bàn thờ Lữ Gia

Du khách vào chùa sẽ qua hai cây cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều trải bao mưa gió vẫn cổ kính rêu phong cùng thời gian. Giữa hồ có nhà thủy đình, nơi vẫn thường diễn ra múa rối nước, một đặc trưng chỉ có ở chùa Thầy.

Nơi đây đã đón nhiều danh nhân về thăm như Phan Huy Chú, Phùng Khắc Khoan. Đặc biệt, Nhà lưu niệm Bác Hồ tại đây ghi lại, ba lần Bác về thăm và làm việc ở nơi này.

Thực hư bể hài cốt ngàn bộ xương

Hang Cắc Cớ có cửa nằm gần trên đỉnh núi chính, du khách muốn thăm quan phải qua một đoạn đường đá dốc đứng khá nguy hiểm. Theo một cụ già bán nước hơn 30 năm ở đây thì hang là nơi cầu duyên, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu con.

Lối xuống hang dốc đứng trơn trượt dù đã được xây bậc bằng xi măng và có thanh sắt để vịn. Trong hang bóng tối gần như bao phủ hoàn toàn, nhưng tia sáng hắt xuống qua cổng trời những ngày nắng loáng nhoáng trên những nhũ đá lấp lánh thứ ánh sáng huyền bí. Những ngày mưa, không khí ẩm trong hang phủ dày một màn sương mù dày đặc đầy hơi hướng cõi âm.

Cảnh âm u, mờ mịt của hang Cắc Cớ

Cảnh âm u, mờ mịt của hang Cắc Cớ

Tương truyền hang có 9 tầng, tương ứng với chín tầng địa ngục. Trong đó, bể xương và bàn thờ Lữ Gia ở tầng thứ 3. Ngay lối xuống có một hang sâu mà theo người dẫn đường đó là lối dẫn xuống tầng địa ngục thứ 4. Bóng tối mịt mùng, thử ném một viên đá thì phải hơn phút sau mới nghe tiếng dội lại vang vọng mãi như ngàn tiếng linh hồn u uất. Người dẫn đường kể, đã có người buộc dây thừng ngang bụng xuống thám hiểm nhưng xuống chừng 30m mà không thấy đáy chỉ tối om và ngột ngạt nên đành quay lại.

Đi sâu hơn đến cổng trời, nơi thông thiên trời đất, sương mù từ dưới bay lên gặp ánh sáng trở nên mờ ảo. Những nhũ đá trong hang với những hình thù thiên tạo gắn vớ những sự tích như rồng chầu, suối bạc, trứng voi,…sinh động như có bàn tay con người tạo tác.

Theo những bậc đá trơn trượt, chúng tôi đến bàn thờ Lữ Gia, nơi thờ những nghĩa quân tương truyền chống Hán xưa kia thất trận chết tại đây. Không khí ẩm thấp nhuốm mùi nhang khói làm mọi người thấy lành lạnh sau lưng. Dấn bước vào sâu hơn là bể xương khổng lồ đầy huyền bí.

Theo người dân địa phương, bể xương này được xây lên để thu gom những hài cốt nằm la liệt các nơi trong hang trước đây. Thắp nhang làm lễ xong, du khách rướn người ngó vào trong bể xương, 1, 2,3… chiếc đầu lâu cùng nhiều xương ống mỗi cái một hình thù mờ mờ, ảo ảo. Đưa máy ảnh vào chụp, bấm đèn fash nhưng những bức ảnh chỉ là một màu trắng nhòa nhuốm màu âm khí. Tạ lễ lui ra, du khách không khỏi thót mình vì lũ dơi ở đâu phành phạch bay tứ tung…Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Thành Chủng, bể xương này chứa khoảng 3.000 bộ xương người. Chưa thấy có tài liệu nào trong nước chính thức ghi lại về nó. Trong một vài văn bản sử của nhà Hán chỉ thấy đề cập đến có quân “giặc cỏ họ Lữ” chứ không nhắc gì đến hang Cắc Cớ.

Mỗi năm khai hội chùa Thầy, ngày 7-3 âm lịch, du khách thập phương lại về chiêm bái và vui chơi. Hang Cắc cớ không chỉ chứa đầy bí ẩn mà từ lâu đã là nơi cầu duyên cho nam nữ thanh niên: “Gái chưa chồng thăm hang Cắc Cớ/Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày