Chùa trong Phố

Giác Ngộ - Con phố nơi tôi ở thực ra chẳng có gì đặc biệt. Có chăng là nó ít người đi lại hơn so với những phố khác của thành phố này vì cuối phố là ngõ cụt. Một cây đa to tướng, không biết từ đời nào bịt kín một đầu của phố.

Và ngay ở bên trái gốc đa lâu năm ấy, một ngôi chùa nhỏ bé và lặng lẽ dường như đứng ngoài mưa nắng, thời gian của kiếp nhân sinh dâu bể.

chua.gif

Cổng chùa làm bằng sắt sơn màu xanh, có hai cái cột xi măng trang trí rồng phượng đã cũ kỹ hai bên. Tôi không chú ý nhiều đến ngôi chùa đó ngoài tiếng chuông vang lên mỗi chiều. Tiếng chuông cũng nhỏ bé như ngôi chùa, nó không vang xa nhưng cũng đủ ngân vào tâm hồn tuổi thơ tôi những tiếng lòng bồi hồi khó tả.

Khi tôi còn bé, ngôi chùa rất xa lạ vì bọn trẻ chúng tôi chỉ dám chơi đến chỗ cây đa là cùng, không đứa nào dám bén mảng vào sân chùa. Có một thứ uy nghiêm vô hình nào đó khiến lũ trẻ con trong phố không dám vào chùa chơi đuổi bắt hay những trò khác. Vì lũ trẻ hay cãi nhau khi chơi, mà đứa nào trong bọn tôi cũng đều hiểu cãi nhau trong chùa sẽ bị Phật bắt phạt…

Lớn lên một chút thì ngôi chùa trở nên thân thiết với chúng tôi hơn. Sau chùa có một khoảnh sân rộng và thoáng mát với nhiều cây trái là nơi bọn tôi hay lui tới. Tuy nhiên, bọn trẻ cũng không dám bén mảng vào trong điện nghi ngút khói hương mà chỉ dám tựa vào cái cột gỗ to tướng nhìn vào. Còn nhớ, những ngày rằm hay mồng một, nội tôi đi chùa về thường chia lộc cho chúng tôi. Chỉ là nắm oản và quả chuối nhưng đứa nào cũng thích. Nghe nội nói ăn lộc Phật mau lớn.

Nhiều đêm, tôi bất chợt tỉnh giấc. Thoảng tiếng chuông chùa ngân trầm hùng. Hình như không phải từ phía chùa vọng ra mà là từ trên cao rơi xuống. Tiếng chuông như mưa bay, như lá trút nhè nhẹ từng giọt nhỏ vào tâm hồn đứa trẻ mười sáu tuổi là tôi. Rồi tôi phân vân, xao xuyến. Từ đó, tôi lờ mờ nhận ra mình mang một trái tim đa đoan trắc ẩn…

Sau đó, tôi đi học và xa con phố nhỏ yên bình của tuổi thơ ngày ấy. Tiếng chuông chùa dần chìm vào trong chiếc rương kỷ niệm tháng năm ngọt ngào. Đợt này, về thăm nhà vào dịp cuối đông. Trời se sắt lạnh. Men theo bàn chân thơ dại của ngày xưa. Tôi tìm đến gốc đa và ngôi chùa. Không có gì khác mấy như ngày còn niên thiếu. Vài bóng áo màu nâu sồng chậm rãi quét dọn trước khoảng sân lát gạch vuông màu đỏ. Những viền rêu xanh như một họa tiết cầu kỳ của nghệ nhân tài hoa nào ấy đã kỳ công sáng tạo làm cho sân chùa nhìn từ xa như một bức tranh thuê đầy bí ẩn.

Bất giác trong tôi vang lên những hồi chuông trầm và ấm. Tiếng chuông chùa sao bao năm rồi vẫn thế. Nhưng tôi không còn là cậu bé vô tâm như ngày xưa nữa. Tiếng chuông giờ đây ấm áp lẫn với tiếng nội gọi cho lộc và những bài học giản đơn làm người lương thiện của nội dạy ngày xưa lại vọng về khiến mình như nhói buốt. Bao năm rồi, nội đã mây trắng trời xanh, tôi cũng đã sống hơn chục năm với những bon chen trăn trở của một cuộc mưu sinh gian khó. Cuộc mưu sinh ấy như một vòng quay bất tận cuốn mình đi mãi, đi mãi cho đến một ngày…

Và tôi chợt nhận ra, hình như tiếng chuông đang thanh lọc tâm hồn, làm cho mình thấy thanh thản hơn giữa bon chen vất vả của một kiếp nhân sinh dâu bể này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày