Chùa xuân trên đất Bắc

Không khí những sương cùng khói những ngày đầu năm khiến người ta thấy lòng mình thanh lại, người ta thấy lòng mình hướng về những điều thiện, điều an lành. Như một lẽ tự nhiên đã sinh ra trên đất này người ta phải thế, mùa người dân xứ Bắc đi lễ chùa.

Cái rét Giêng Hai chả mấy năm không ngọt. Đã thế, những ngày xuân thường bắt đầu bằng những hạt mưa phùn. Người phương Nam ắt có tự hào về đất giời phương Nam, còn với người xứ Bắc, mưa phùn luôn là một “đặc sản” không thể thiếu khi xuân về.

Vào ngày thường, người ta dễ cấm cảu nếu cái lạnh đi kèm những cơn mưa, nhưng có một điều kỳ lạ, dù những ngày xuân có mưa, có rét đến mấy, người Việt vẫn cứ tin rằng, đó là những cơn “mưa ấm tháng Giêng”. Lúc ấy, ngay cả những người khó tính nhất, đôi khi cũng tủm tỉm một cách không đâu khi hạt mưa xuân nào đó tình cờ ghé thăm trên vai áo. Có người bảo ấy là lòng người cũng có mùa

Ngay từ đêm giao thừa, dòng người đã đổ về những chốn tôn nghiêm, cầu mong các vị ở chốn cao cả ban cho cái tốt cái lành khi một năm mới bắt đầu. Nhiều gia đình Hà Nội cứ theo dòng người đi lễ chùa một mạch từ đêm, tới sáng bảnh mới lục tục kéo nhau về. Trước lễ Phật, lễ Thánh, sau về nhà lễ gia tiên. Những miền đất Phật như chùa Hương, Yên Tử, độ mùng Hai Tết, đã nô nức những dòng người trảy về.

Lễ chùa đầu năm cầu mong cho cha mẹ, gia đình sức khỏe và gặp nhiều may mắn... (Ảnh minh họa)
Lễ chùa đầu năm cầu mong cho cha mẹ, gia đình sức khỏe và gặp nhiều may mắn... (Ảnh minh họa)

Có một điều kỳ lạ, giờ Yên Tử, chùa Hương có cáp treo nhưng không hiếm cụ già 70-80 tuổi vẫn nhất quyết leo dốc đi đến nơi mà được cho là linh thiêng nhất. Vừa đi, các cụ vừa lần tràng hạt, miệng liên tục nam mô. Con cháu xót ruột, nhưng các cụ có lý riêng: Đi hành hương mà! Chứng kiến những đôi mắt sáng rỡ trên đường hành hương mới thấy thế nào là hạnh phúc của người già.

Trên đất Bắc, hiếm ngôi làng nào lại không có đình, có chùa. Đất vua, chùa làng, các cụ vẫn bảo thế. Nhiều người chọn thời điểm khác về miền đất Phật để tránh sự ồn ào, thay vào đó là đến những ngôi chùa làng. Chùa làng ngày xuân được trang hoàng tươi mới hơn để đón Phật tử muôn nơi, nhưng thường vẫn giữ nguyên vẻ trầm mặc vốn có. Những đầu đao cong vút khiêm nhường nép vào những cây cao bóng cả. Không phải mùa của nhài, của sói, song bầu không khí vẫn đượm hương của hoa bưởi, hoa mộc, vốn kiên trì chịu rét, chờ xuân về để bung ra những chùm hoa trắng xoá. Quện với hương hoa là mùi khói nhang khiến không gian trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Trên những cành cây già nua, những mầm xanh đang cố vươn ra như để hít thở không khí mùa xuân.

Không có những chiếc loa phóng thanh vang vang nhắc nhở du khách như các di tích đông người mà thay vào đó, thoảng vọng ra từ trước toà tam bảo là những tiếng tụng kinh trầm ấm. Trong khung cảnh ấy, chẳng ai bảo ai, bỗng nhiên người ta ăn nói đến nhẹ nhàng. Bất kỳ ngôi chùa làng đất Bắc nào cũng mang vẻ đẹp dịu dàng như thế.

Thời gian như bóng câu qua khe cửa - càng ngẫm càng thấy đúc kết của các cụ ngàn lần có lý. Trong phút giây thời gian lắng lại giữa chốn thiền, người ta chợt nhận ra có những việc tưởng mới hôm qua, mà đã trở thành quá khứ xa xăm… Ngày đầu xuân như, những hình ảnh theo bà đi lễ chùa hồi bé lại trở về trong tôi. Bà tôi như vẫn đâu đây, cho dù đã ở nơi xa lắm. Ngày xưa ấy, hình như tôi cũng lũn cũn chạy theo bà như bọn trẻ bây giờ thì phải. Những hình ảnh hiện về khi tỏ khi mờ như một đoạn phim cũ. Duy có một điều tôi rất nhớ, có lần trước hai ông hộ pháp có bộ râu vểnh ngược, tôi sợ rúm lại nấp sau bà. Bà tôi cười động viên: “Các ông ấy chỉ trừng phạt kẻ ác thôi”. 

Trong những lúc miên man như thế, tôi thầm nghĩ, Phật giáo không có nguồn gốc đất Việt nhưng tôn giáo sinh ra từ xứ Ấn này được người cha ông ta đón nhận, quện với tâm hồn mộc mạc của người Việt như thể nó sinh ra trên mảnh đất này, để rồi mỗi người lại tìm thấy trong đó một triết lý sống, vừa có nét riêng mà không tách rời khỏi đạo pháp. Chẳng phải xưa kia, Phật giáo được những bậc tiền nhân như các vua nhà Lý, nhà Trần vận dụng để đoàn kết lòng dân, làm nên những điều kỳ vĩ đó sao? Lại nghĩ đến bà tôi, bà tôi không biết chữ, có lẽ cũng không biết đạo Phật đến từ đâu, nhưng đều đặn vào các tuần sóc vọng, bà đi lễ chùa. Bà thường bảo: “Phật tại tâm, mình làm điều tốt tất được giời phật phù hộ”. Cái nhân bản của Phật giáo là thế, nó đi vào lòng người, từ những trí thức, vĩ nhân cho đến cả những người phụ nữ chân quê...

Tháng Giêng là tháng ăn chơi, người xưa bảo thế. Nhưng chính các bậc tiền nhân cũng phê phán "Ăn no rồi lại nằm khòeo/Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem", mà trống chèo thường chỉ có ở lễ hội Xuân! Dẫu vậy, không thể nói đến mâu thuẫn trong lời cổ nhân. Tháng Giêng là lúc ta trùng lại, cho ta tĩnh tại thư thái, để rồi lại bắt đầu chu kỳ mới của vòng quay cuộc sống... 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày