Chúng ta rồi cũng sẽ già...

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Người nhà của nghệ sĩ Hồng Nga - một trong những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương đã phải “kêu cứu” với báo chí vì bị các YouTuber, streamer tìm đến nhà quay chụp hình, livestream khi họ nghe tin bà không còn được minh mẫn. Đọc xong chỉ biết thở dài…
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1196 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1196 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Còn nhớ, lúc tôi 6-7 tuổi, buổi chiều, khi đang cùng các bạn trong xóm chơi trước sân, thì có một cụ già đi tới. Các bạn tôi bỏ chạy hết, vì thời ấy, con nít chúng tôi thường hay bị người lớn dọa rằng nếu không ngoan, ông (bà) già sẽ bắt bỏ bị mang đi (?!). Chúng tôi nghe và tin răm rắp như vậy.

Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại không có cảm giác sợ hãi. Tôi đứng yên đấy nhìn bà. Bà lại gần, nói với tôi rằng, bà khát nước và mỏi chân quá! Tôi đã không một chút phân vân hay ngần ngại, nắm tay dẫn bà về nhà mình, trong sự chưng hửng của ba mẹ.

Sau khi ngồi nghỉ mệt, uống nước xong, bà lọ mọ mở kim gút túi áo bà ba của mình để lấy tiền cho tôi vì “thấy con bà thương”. Nhưng trong túi bà không có tiền, chỉ có 1 tờ giấy người nhà nhắn gửi, ai thấy bà ở đâu xin liên lạc về số điện thoại…

Ba tôi đi gọi điện cho người nhà đến đón bà về. Té ra, bà đi bộ một quãng đường rất xa, hèn chi không mỏi chân sao được?! Trước khi lên xe đi về, bà còn xoa đầu tôi bảo: “Đừng đóng cửa, ngoại đi chơi, chút về”. Đã bao nhiêu năm trôi qua, thảng, tôi vẫn nhớ đến nụ cười hiền của bà và mỗi khi thấy thông tin một cụ ông, cụ bà nào đó đi lạc đường, tôi đều thầm cầu nguyện để họ đủ duyên may gặp lại được người thân của mình.

Tôi thường về chùa, ở đó cũng có các bà cô, mỗi người một vẻ, rất dễ thương. Còn nhớ, bà cô H.T lúc còn sống, chiều ra ngồi chơi trước hiên nhà khách. Thầy trụ trì đi dạy về, ghé hỏi thăm:

- Bà cô biết ai đây không?

- Dạ, thầy trụ trì.

- Bà cô khỏe không?

- Dạ khỏe, mà không vui.

- Ủa, sao bà cô lại không vui?

- Dạ, trong chùa, không có làm chức gì hết nên không vui!

- Hì…hì…!

Còn bà cô H.Th, bà cô H.V dù tuổi đã cao nhưng đi đứng, làm việc rất nhanh nhẹn, được phong là “đệ nhất tinh tấn” của nhà khách vì hiếm khi bỏ thời khóa. Bà cô H.V mỗi chiều thường hay nằm ngâm thơ nhớ Huế, nhớ mạ, còn bà cô H.Th thì cắt lể trị bệnh rất cừ khôi.

Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được, đó là lần tôi bị bệnh khá nặng. Thấy tôi bị mất sức, cô khám bệnh mới cho truyền hai chai nước biển. Bà cô H.L lúc trẻ là y tá, “xung phong” truyền nước cho tôi, và có rủ thêm hai bà cô làm “phụ tá”. Người thì lấy ven, người thì leo để móc chai nước biển, người thì đắp mền,… rộn ràng cả phòng. Tôi nằm đó, giữa kim tiêm, dây nhợ, dù mệt và cũng có phần hổ thẹn vì tuổi đời của tôi chỉ bằng phân nửa các bà cô, nhưng lại phiền các bà cô phải lo lắng cho mình, song vẫn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc vô cùng.

Có những lúc tôi ở trên gác nhỏ, nhìn xuống bên dưới, thấy các bà cô, mỗi người đều an ổn trên đơn của mình, được sống trong vòng tay của đại chúng, tôi cảm thấy bình yên đến lạ! Chạnh lòng, nghĩ đến ngoài kia, còn bao nhiêu số phận, bao nhiêu mảnh đời, tuổi già vẫn phải vất vả mưu sinh, tuổi già lẩn thẩn bị con cháu bỏ rơi, hắt hủi,… Có ánh nắng nào còn vương lại cho buổi xế tà của họ đỡ đơn côi, quạnh quẽ?

Vừa qua, người nhà của nghệ sĩ Hồng Nga - một trong những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương đã phải “kêu cứu” với báo chí vì bị các YouTuber, streamer tìm đến nhà quay chụp hình, livestream khi họ nghe tin bà không còn được minh mẫn. Đọc xong chỉ biết thở dài…

Không biết rằng, trong số những người trẻ cố tình chen lấn, chầu chực để ghi hình những thước phim kia có bao giờ họ nghĩ, mai này, họ cũng sẽ già? Và ai trong chúng ta rồi cũng sẽ già. Chúng ta không thể níu hoài tuổi thanh xuân với ước mơ được gom sao trời nhốt giữa lòng bàn tay nhỏ. Rồi cũng đến lúc chúng ta sẽ ngồi đó, đếm thời gian qua không bao giờ trở lại, đếm nỗi cô đơn và sự ngắn ngủi của một kiếp người, đếm cả vui – buồn, thăng – trầm dâu bể,… Vậy thì, hôm nay, có gì để cười cợt trước sự già nua, chút nhớ, chút quên của một con người? Nhân - Quả luôn đồng thời, tôi tin sâu như vậy. Thế sao không:

“… Hãy mỉm cười thức giấc mỗi bình minh

Sống trọn vẹn từng tháng ngày son trẻ

Mạnh dạn cho đi, biết yêu thương chia sẻ

Bởi một ngày ta chắc chắn già đi”.

(Thơ Thu Phương)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày