Chung tay giúp đồng bào miền Trung tái lập cuộc sống sau lũ

Giác Ngộ - Trận lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và của đối với người dân miền Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Tính đến chiều 7-10, ở miền Trung đã có 66 người chết, 18 người mất tích, thiệt hại ban đầu lên đến gần 2.562 tỉ đồng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bắt tay vào tái lập cuộc sống sau lũ

Mưa lũ trút xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ khiến cả khu vực rộng lớn chìm trong biển nước, hàng ngàn ngôi nhà ngập trong nước, nhiều người dân bị cô lập. Trong mưa lũ người dân miền Trung càng thêm cơ cực, mất mát. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất do lũ với 42 người thiệt mạng, 17 người mất tích, 45 người bị thương. Đến thời điểm này, Quảng Bình có 106 xã ở 6 huyện đang ngập chìm trong nước. Theo ước tính ban đầu, đợt lũ bất thường đã làm thiệt hại cho Quảng Bình 1.272 tỉ đồng.

chungtay-2.gif

Trạm y tế xã Tân Hóa, H.Minh Hóa (Quảng Bình) ngập trong lũ

Hiện tại, người dân vùng Bắc Trung Bộ đang phải đối mặt với đổ nát, nhà cửa, đói kém, nguy cơ dịch bệnh lây lan sau lũ, thiếu nước uống và lương thực.

Tại các nơi đến thăm, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã yêu cầu chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ lương thực, nước uống, không để người dân đói, rét và dịch bệnh bùng phát sau lũ. Nhiều hộ gia đình ở miền quê của huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (Quảng Bình) chiều 9-10, sau nhiều ngày oằn mình trong đau thương mất mát do lũ, bà con đã bắt đầu bắt tay sắp xếp lại mọi thứ, tái lập lại cuộc sống từ bao ngổn ngang đổ nát. Sống trong lũ dữ nhiều người đã cảm thấu cái tình lúc khó khăn hoạn nạn, nhiều người phải nương tựa vào nhau chia sẻ từng củ khoai, bát nước khi lũ về. Tình người của người miền quê trong cơn hoạn nạn càng thêm thấm đẫm.

Không để bà con chịu cảnh đói khổ, tỉnh Quảng Bình đã trích ngân sách gần 20 tỉ đồng để mua lương thực, lều bạt và tiếp nhận 50 tấn mì tôm, 50.000 lít nước là hàng cứu trợ của Chính phủ để cứu trợ cho người dân vùng lũ. Tái thiết lại cuộc sống cho bà con, chính quyền đã huy động các lực lượng hỗ trợ người dân dựng, sửa lại nhà cửa, cung cấp lương thực, nước uống, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, tu sửa trường học để học sinh trở lại trường… Đợt cứu trợ vừa qua, Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho Quảng Bỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo cứu đói cho người dân.

Trong khi đó, nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế, nhiều xã còn bị ngập và bị nước cô lập. Hơn 1.000 dân ở huyện vùng sâu Phong Điền, xã Phong Bình, Phong Hòa, Phong Thu, Phong Chương vẫn bị ngập sâu, đời sống bà con ở vùng này rất khó khăn, giao thông bị tê liệt. Ngoài ra, các xã vùng trũng của huyện Quảng Điền như Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng Thọ, thị trấn Sịa… tuy nước đã giảm độ xiết nhưng vẫn còn ngập sâu.

Thiệt hại ở Thừa Thiên Huế do mưa lũ gây ra khoảng 42,458 tỉ đồng. Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 10 tấn mì tôm để cứu đói cho người dân. Khẩn trương thiết lập lại cuộc sống ở Thừa Thiên-Huế, nhiều lực lượng địa phương đã cùng nhau hỗ trợ cho dân xây dựng lại nhà cửa, giúp dân dọn vệ sinh môi trường sống, khắc phục những đoạn đường sạt lở…

Tích cực vận động chia sẻ với đồng bào miền Trung

Trong khi bà con vùng lũ đang nỗ lực sắp xếp lại cuộc sống từ đống đổ nát, thì hiện nay các ban ngành, thành phần trong xã hội cùng nhau hướng về miền Bắc Trung Bộ với tinh thần "máu chảy ruột mềm". Nhiều sự chia sẻ rất xúc động, đóng góp một ngày lương, những con heo đất để dành, những đồng lương hưu tiết kiệm… đã được gởi đến chia sẻ khó khăn với đồng bào.

Theo ghi nhận của chúng tôi, Phật giáo cả nước đang tích cực vận động trong giới ủng hộ tài vật gởi đến đồng bào miền Trung. Những ngày này, ĐĐ.Thích Thanh Phong, Phó ban TTXH T.Ư, Phó ban TTXH THPG TP cùng đại diện các nhà tài trợ đã đến tận các vùng rốn lũ để khảo sát và tận tay giúp đỡ lương thực, thực phẩm, tiền mặt cho đồng bào Bắc Trung Bộ.

chungtay-1.gif

Sau một ngày phát động kêu gọi đóng góp ủng hộ cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt miền Trung. Ban TTXH Báo Giác Ngộ đã nhận được sự tham gia đóng góp ủng hộ nhiệt tình của chư tôn đức và các Phật tử tích cực đóng góp. Trong đó, chư Tăng Ni, Phật tử tại hải ngoại dù cách trở xa xôi nhưng cũng đã hướng về quê hương với tất cả tấm lòng. Thông qua Ban TTXH Báo Giác Ngộ, Tăng Ni, Phật tử hải ngoại đã gởi đến chia sẻ khó khăn với đồng bào: ĐĐ.Thích Pháp Chơn, Hội ICAN trụ trì chùa Liễu Quán (Mỹ) đã gởi về đóng góp 4.000 USD; Phật tử Diệu Hỷ (Mỹ) ủng hộ 100 USD; PT An Hòa Nam 300 USD, Diệu Huệ 200 USD. Ngoài ra, các thành viên Ban TTXH Báo Giác Ngộ cũng đã tích cực ủng hộ như: ĐĐ.Thích Giác Chỉ, 20 triệu đồng; NS.Như Hải, chùa Dược Sư 10 triệu đồng; SC.Như Diệu,1 tấn gạo và 300 phần quà; PT Như Lý 18 triệu đồng; SC. Như Túc 2 triệu đồng; anh Sơn, Công ty Hoàn Việt 10 triệu đồng và 1 vị PT ủng hộ 100 thùng mì… Dự kiến Ban TTXH Báo Giác Ngộ sẽ hỗ trợ 2.000 phần quà (300.000đồng/phần), gồm lương thực, mền, quần áo, tiền mặt… trước mắt sẽ đến chia sẻ với đồng bào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Huế.

Ni sư Thích nữ Huệ Từ cho biết, với tinh thần "lá lành đùm lá rách", Ban TTXH T.Ư tiếp tục vận động 1.000 phần quà (300.000 đồng/phần) sẽ chuyển đến cho đồng bào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chùa Giác Nguyên, Q.4 cũng đã lên chương trình vận động ủng hộ 1.000 phần quà và sẽ lên đường cứu trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, quà gồm mì gói, gạo và tiền mặt trị giá mỗi phần trị giá 300.000 đồng. Ông Nguyễn Hữu Nhơn, Trưởng ban Quản trị Nam Thành thánh thất (Q.1) cũng đã chia sẻ bằng cách tổ chức hội thu trong bổn đạo thu được trên 20 triệu đồng, 20 thùng mì và nhiều bao quần áo cũ và mới. Số tiền và quà này sẽ chuyển đến UBMTTQ TP gởi đến đến giúp đồng bào miền Trung. Trong những ngày xảy ra lũ lụt, UBMTTQ TP cũng đã chuyển khẩn cấp 7,5 tỷ đồng đến để cứu trợ đồng bào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành hội Phật giáo cũng đã tích cực vận động sắp tới sẽ đến tận nơi chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung bằng tất cả tấm lòng, sự chia sẻ. Mong rằng, đồng bào sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để tái lập cuộc sống sau lũ dữ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày