Với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã và đang hoạt động vào thời Trần, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ, một tổ chức Giáo hội nước ta ra đời và đi vào hoạt động với tên gọi Giáo hội Trúc Lâm. Hẳn nhiên, đây là một tổ chức Giáo hội thống nhất, duy nhất vào thời Trần, đại diện cho Phật giáo Đại Việt, thống nhất từ trong cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành cho đến chủ trương lãnh đạo, đường lối hoạt động, sinh hoạt cụ thể từ cấp Trung ương cho đến địa phương. Điều quan trọng, đáng nói hơn là tổ chức Giáo hội này thống nhất ý chí lãnh đạo và hoạt động song hành cùng các tổ chức của Nhà nước, quốc gia, dân tộc trong lịch sử xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh bền vững, đạo pháp hưng thịnh trường tồn.
Một trong những yếu tố và đặc trưng làm nên sự phát triển Phật giáo Đại Việt thời bấy giờ, có tầm ảnh hưởng triều đình và quần chúng nhân dân ủng hộ là Giáo hội Trúc Lâm đã tổ chức xây dựng hệ thống hành chánh, quản lý Tăng sự rất chặt chẽ từ cấp Trung ương cho đến địa phương. Suy cho cùng, Phật giáo Đại Việt đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ như chúng ta đã biết, hẳn nhiên tùy thuộc vào thực thể của một tổ chức Giáo hội Trúc Lâm đã thống nhất ý chí lãnh đạo cho đến hình thức hoạt động trên nhiều phương diện, lĩnh vực. Trong đó, yếu tố con người, tức là từng thành viên Tăng già đứng trong một tổ chức phải được quản lý, đào tạo, định hướng phục vụ Đạo pháp và Dân tộc.
Do đó, giới lãnh đạo Phật giáo bấy giờ, cụ thể là Tam tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã thiết kế tầm nhìn chiến lược trong việc tổ chức và quản lý Tăng sự, thông qua việc tổ chức an cư kiết hạ được xem là Phật sự hàng đầu của một tổ chức Giáo hội Tăng già trong sự nghiệp truyền đăng tục diệm, phát triển đạo pháp. Trên hết, Phật sự này còn góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước sau ba cuộc chiến tranh vệ quốc, đánh đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi đất nước, tiến đến xây dựng quốc gia Đại Việt trở thành Phật quốc ngay giữa cuộc đời trong tinh thần "Ở đời tùy duyên mà vui với đạo" mà Sơ tổ Trúc Lâm từng tuyên thuyết. Để thực hiện sứ mệnh nói trên, giới lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đã nỗ lực tổ chức an cư kiết hạ, thiết kế nội dung chương trình giảng dạy, thời khóa tu học mang tầm vóc quốc gia, dưới sự bảo trợ của triều đình về mặt kinh phí tài chánh và pháp lý thực thi.
Về mặt tổ chức, Giáo hội Trúc Lâm có kế hoạch triển khai cụ thể chương trình nội dung an cư theo sự hướng dẫn của thông bạch Giáo hội Trung ương trước thời điểm kiết hạ vài tháng. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, vào đời Trần thì các tu viện, đại danh lam như Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Siêu Loại, Vĩnh Phúc, Báo Ân, An Lạc Tàng viện… là những cơ sở được Giáo hội chọn làm đạo tràng an cư kiết hạ trọng điểm có sự bảo trợ của triều đình, ưu tiên cho những ai là Tăng sĩ ưu tú thuộc Giáo hội Trúc Lâm. Có thể nói, đây là những đạo tràng an cư kiết hạ cấp Trung ương Giáo hội, mang tính kiểu mẫu thời đó. Chẳng hạn, tại tu viện Quỳnh Lâm, một trong những đạo tràng an cư kiết hạ có số lượng an cư rất đông, được Nhà nước cấp đất để cày ruộng, có tới 1.000 mẫu, lại được Nhà nước chỉ định 1000 canh phu tới cày ruộng. Ngoài ra, đạo tràng chùa Báo Ân được vua Trần Anh Tông hỷ cúng 100 mẫu ruộng riêng từ gia đình họ Trần vào năm 1308, sau đó vua còn hỷ cúng 500 mẫu ruộng lấy từ Niệm Như Trang để cúng vào chùa Báo Ân vào năm 1312, khi số hành giả tu tập tăng lên so với các năm trước. Cũng vào năm 1313, Bảo Từ hoàng thái hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu ruộng. Năm 1317, Tư Đồ Văn Huệ Vương cúng dường 4.000 lưng tiền vào chùa… Sự cúng dường ưu ái của giới lãnh đạo triều đình như thế đối với công tác an cư mà Giáo hội chủ trì, cũng như cung cấp "nô bộc Tam bảo" để phục vụ chứng tỏ có mối liên hệ khắng khít giữa Nhà nước và Giáo hội để cùng nhau chung lo cho Phật sự trọng đại này, đảm bảo cho trên 30 ngàn hành giả an cư tập trung, thuộc 800 ngôi tự viện do Giáo hội Trúc Lâm quản lý mà sách Tam tổ thực lục đã chép.
Về chương trình tu học, Giáo hội Trúc Lâm chủ trương Thiền - Giáo song hành, pháp học song hành với pháp tu trong thời gian an cư kể từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy hàng năm theo một quy củ thiền môn, đậm nét Thiền tông Phật giáo Đại Việt. Ba vị Tổ Trúc Lâm và các vị giáo thọ cao cấp đã nỗ lực biên soạn giáo trình Phật học để giảng dạy cho các hành giả an cư tu tập với một nội dung đào tạo thực thi con đường Giới Định Tuệ mà Thế Tôn và các bậc Thánh đã đi qua. Với ý nghĩa quan trọng của việc tu trì giới luật, chính Pháp Loa, người lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm đã từng hiệu đính bộ Tứ Phần luật, khắc in 5.000 bản lần đầu tiên vào năm 1322, tổ chức khóa học Luật Tứ Phần cho các hành giả tu trì. Điều đáng nói là Tổ đã mời các vị cao tăng như Quốc sư Tông Kính và Quốc sư Bảo Phác đến các đạo tràng giảng giới luật. Sách Tam tổ thực lục ghi: "Tư Đồ Văn Huệ Vương mời sư về dinh thự An Long giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhân tiện, Sư xem lại bản Tứ Phần Luật San Bổ Sao, in để ấn tống hơn 5.000 quyển. Sư nhờ Quốc sư Tông Kính ở Du Tiên, Quốc sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh đến chùa Siêu Loại giảng bộ luật này" .
Các giáo trình như Chư phẩm kinh, Thích khoa giáo, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Bát Nhã Tâm kinh khoa sớ, Kim Cương trường đà la ni khoa sớ…với một nội dung và số tiết thích hợp trong thời gian ba tháng, thay vì có kinh phải giảng dạy cả năm vẫn chưa hết được, Tam tổ biên soạn phục vụ cho việc giảng dạy các trường hạ. Đây chỉ là những giáo trình mang tính giáo khoa được Tam tổ biên soạn ngắn gọn, súc tích, rút đại ý và bình giải về các kinh quan trọng mà Thiền phái Trúc Lâm lấy đó làm tông chỉ và cơ sở lập thuyết tu hành, chứng ngộ. Khoa là phân ra các đoạn và rút ra những điểm cốt lõi sau đó nói đại ý; còn sớ là chú thích về nghĩa lý các đoạn kinh. Các sách khoa sớ vì vậy được các hành giả lãnh hội nghĩa lý kinh điển rốt ráo từ các vị giáo thọ.
Từ các giáo trình mà Giáo hội Trung ương biên soạn và phổ biến chung cho các đạo tràng khắp cả nước, nhờ vậy mà các hành giả an cư có điều kiện nghiên cứu, học tập các bộ kinh quan yếu của hệ thống kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Bát Nhã… Nhờ sự nỗ lực giảng dạy của chư tôn giáo thọ có uy tín nhất trong giới thiền môn, các hành giả mới có điều kiện để y cứ vào đó thực thi Thiền - Giáo song hành mà chứng ngộ; có nhân duyên thể nhập học thuyết Cư trần lạc đạo mà Sơ tổ Trúc Lâm chủ trương để phục vụ cho những đường lối hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, đạo pháp trường tồn. Theo sách Tam tổ thực lục thì Pháp Loa là vị Sư thường xuyên đảm nhận giảng dạy yếu chỉ các bộ kinh này trong các đạo tràng Tư Phúc, Báo Ân, Quỳnh Lâm, Thiên Quang: "…Năm 1322, Thượng phẩm Hoài Ninh hầu Trịnh Trọng Tử và thầy chủ sự Huyền Quang gởi thư mời Sư về chùa Báo Ân ở Siêu Loại, giảng hội thứ nhì trong kinh Hoa Nghiêm… Từ đó trở đi, suốt chín hội, thính giả cả nghìn người, khi ít cũng hơn năm, sáu trăm người" .
(Còn tiếp)