Để rồi ẩn sâu trong những câu chuyện nghề là cả những câu chuyện đời vô cùng cá biệt mà họ chưa một lần kể ra. PV Giác Ngộ đã âm thầm bên họ, góp nhặt những mẩu chuyện luôn bị ngừng giữa chừng vì "thời gian đồng nghĩa với niềm vui, thời gian chuyển báo càng ngắn thì niềm vui ở người nhận báo càng nhiều", theo như cách họ cảm nhận. Nhân kỷ niệm Báo bước vào tuổi 35, xin kể lại 3 câu chuyện về 3 con người đã gắn bó với Báo, thầm lặng, đáng trân trọng và kính phục, ít ra là đối với tôi, một phóng viên "chân ướt chân ráo", tuổi đời còn nhỏ so với tuổi của Báo...
* CTV phát hành Hoàng Văn Trang: "Đời giao báo của tôi không bao giờ có chuyện buồn…"
Đó là câu nói dí dỏm mà bác kể cho tôi nghe trong một lần có duyên trò chuyện cùng bác. Gọi bác với tên gọi thân mật như nhiều người độc giả thường gọi: "bác Liêm Đàm", không ai rõ tại sao người giao báo tóc đã bạc phơ này lại có tên gọi như vậy. Ngay cả bác cũng không nhớ rõ, chỉ biết là nó "tồn tại khá lâu và cũng đã bằng tuổi cái nghề của bác".
Với phương tiện là chiếc xe đạp thô sơ, không quản trời nắng hay mưa, bác Liêm Đàm đều chuyển báo sớm nhất tới tay độc giả. Ảnh: Bảo Toàn Bước vào tuổi cổ lai hy, vậy mà bác chưa chịu dừng chân nghỉ ngơi, hay nói đúng hơn là chưa bao giờ thấy ngán ngẩm với nghề giao báo. Minh chứng cho điều đó: "Với phương tiện là chiếc xe đạp thô sơ, dù trời nắng hay mưa, bác đều chuyển báo sớm nhất tới tay độc giả". Cứ thế, tuần nào cũng vậy, báo vừa ra là bác đến tòa soạn ngay để kịp nhận báo. Đặc biệt là: "Không bao giờ để trễ đến một ngày, chậm lắm là bốn mươi lăm phút mà thôi". "Nếu như ngày đầu tiên đến với Báo Giác Ngộ vì kiếm thêm chút đỉnh, vì phải lo kế mưu sinh thì giờ đây bác lại đến với báo chỉ vì tình cảm và đam mê". Điều gì đã làm bác thay đổi như vậy? Bác thiệt tình kể rằng: "Thật sự mà nói thì tiền huê hồng của Báo Giác Ngộ không cao, tiền lời không đáng kể. Nhưng mà, niềm vui thì rất nhiều. Nhất là khi chuyển cuốn báo đến với độc giả, thì họ mừng, họ khoái. Nhìn họ vui, tặng mình nụ cười và lời cảm ơn là mình vui lây. Vì thế mà đời giao báo của tôi không bao giờ có chuyện buồn là vậy. Đôi lúc tôi tự nói với tôi, mình nghèo gần chết, đi giao báo là để kiếm tiền sống mà. Nhưng cứ nghĩ đến niềm vui của nhiều độc giả khi nhận được báo tận tay thì cái lo tiền bạc không còn nữa. Bởi vì, mình chỉ bỏ cái công ra thôi mà đem hạnh phúc đến biết bao nhiêu người. Rồi từ đó, tôi tự nhủ với lòng: thôi kệ, giao báo đạo để vui thôi, còn muốn kiếm tiền sống thì cố giao, bán thêm nhiều báo đời, báo ngày". * CTV phát hành Trần Văn Hồng: "Báo Giác Ngộ bao nhiêu tuổi thì tui bấy nhiêu năm cộng tác …" Từ lâu rồi, mọi người, nhất là khách hàng của bác đều quen gọi bác là "bác Mây Hồng". Nhắc đến bác, từ những con đường, góc phố hoặc phòng phát hành báo nơi đây dường như đã không còn xa lạ. "Tuần nào cũng chứng kiến hình ảnh cụ già Mây Hồng 78 tuổi đời mà vẫn rong ruổi cùng chiếc xe đạp và những chuyến xe đò giá rẻ từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn lấy báo về phân phối cho bạn đọc để nuôi sống bản thân mình". Một anh phóng viên nói về người giao báo tận tụy này. Ba mươi lăm năm qua, bác Mây Hồng vẫn thế. Vẫn phong cách làm việc ấy, cần mẫn chịu thương, chịu khó và chỉn chu mỗi khi nhận và chuyển báo đến tay bạn đọc... - Ảnh: Bảo Toàn
Đồng hành và gắn bó với Báo Giác Ngộ ngay từ số đầu tiên, nói theo cách của bác là: "Báo Giác Ngộ bao nhiêu tuổi thì tui bấy nhiêu năm cộng tác". Vì thế mà trong bác lúc nào cũng tràn đầy tình cảm mặn nồng.
Ngồi trò chuyện trong lúc bác sắp xếp mớ báo vừa nhận, tôi thấy rõ hơn sự tỉ mỉ của bác. Lần theo bìa báo, đôi bàn tay gầy gò đen sạm cháy nắng của bác từ từ gói từng chồng báo rồi cho vào hai lớp túi ni lông. Vừa làm, bác vừa nói: "Mình mà gói không kỹ, trời lỡ mưa thì báo sẽ bị ướt. Mà báo ướt sẽ bị nhàu nát, độc giả khó đọc là một, quan trọng hơn là mình không đủ tiền về xe. Nghèo mà gặp cái eo vậy nữa thì khổ thân già này lắm".
Mặc cho trời sập tối, đường về xa lắc xa lơ, bác vẫn làm một cách cẩn thận, không bỏ qua công đoạn nào. Báo nào đem về bán, bác lại xếp vào bao. Sau đó lại cẩn thận ràng kín lại. Báo nào trên đường về cần giao liền cho khách hàng là bác để riêng, cho vào túi xách. Nói như vậy, cũng có nghĩa là trên đường về, nhà nào gần bác sẽ bỏ báo liền. Và dường như trong bác chưa bao giờ có khái niệm sống để nhận cho riêng mình thì phải. Điều đó không chỉ là ở hành động mà còn ở tình cảm, ở câu nói chí tình, chí nghĩa, bác tâm sự: "Kệ nó cháu ơi, về nhà trễ tí có sao đâu. Mình về giờ, bỏ báo liền cho độc giả, bà con vui lắm. Có nhiều người mở đèn sáng trưng chờ mình về nữa kìa. Coi vậy chứ, lát lên xe ăn mớ cơm đem theo là no bụng về tới dưới tuốt hà. Ở tuổi già này, có niềm vui nào bằng niềm vui đạo pháp. Mình đem quyển báo Giác Ngộ này về tận tay bà con, cùng xóm làng, bạn đạo tìm hiểu đạo lý, chia sẻ hạnh phúc, tạo niềm vui chung thì còn gì bằng nữa".
Trong ba mươi lăm năm, bác Mây Hồng vẫn thế. Vẫn phong cách làm việc ấy, vẫn cần mẫn chịu thương, chịu khó với nghề và đặc biệt hơn là vẫn giữ cho riêng mình nguyên tắc làm việc chỉn chu để rồi không ít lần khách hàng dành cho bác sự kính trọng và thương yêu. Thầy Thích Hoằng Đức - Phó ban Trị sự Tỉnh hội PG Tiền Giang, độc giả của Giác Ngộ và là… khách hàng của bác nói về người chuyển báo thân thiết: "Ở tỉnh này mặc dù có nhiều nơi bán báo Giác Ngộ, nhưng tôi chỉ thích bác Mây Hồng và biết chỉ mình bác thôi. Bởi vì, tuy đã lớn tuổi mà bác làm việc rất tốt và có trách nhiệm. Bác không hề đưa báo trễ, rất đúng ngày, cũng không bao giờ đưa thiếu báo, cả tiền bạc cũng sòng phẳng. Tôi thương bác ấy nhất là những lúc tôi cần lấy thêm báo, vài ba cuốn mà bác cũng đi lên Sài Gòn lấy về cho tôi. Với người giao báo như vậy thì còn gì để chê và chối từ được nữa".
* CTV phát hành Nguyễn Kim Sơn: "Nghề giao báo này, không biết tôi đeo đuổi cho đến bao giờ"
Bởi vì nghề giao báo không phải mới xuất hiện ở đời chú mà trước đây đã gắn bó với gia đình chú để rồi giờ đây đã trở thành nghề của cả gia đình. Chú kể: "Ngày xưa mẹ tôi mưu sinh bằng nghề giao báo, đến tôi cũng vậy. Và khi tôi cưới vợ về, vợ tôi cũng phụ tôi bán báo".
"Trước khi giao báo, mình phải coi qua thử một lượt xem có trang nào có phần nào hay, phần nào hấp dẫn để mà còn biết đường chào hàng với bạn đọc. Phần nữa là sẵn tiện, mình biết được thêm chút ít đạo pháp" - Ảnh: Bảo Toàn
Đến với việc phát hành báo từ năm 18 tuổi, như là cái duyên, chú trở thành cộng tác viên giao báo và gắn bó với Báo Giác Ngộ ngay từ những số đầu tiên. Khoảng thời gian dài gắn bó, với chú thì: "Báo Giác Ngộ đã cho chú rất nhiều niềm vui". Vui là ở tình người thân thiết, gần gũi mà khó tìm thấy được ở nơi khác. Đó là những hôm lấy báo giờ trưa hay chiều tối, phòng phát hành hay gửi cho mớ trái cây, hoặc bác bảo vệ cho ổ bánh mì lót dạ đi đường về, chú kể. Đối với người khác thì không đáng là gì, nhưng với "Người giao báo khoác trên vai 55 cái xuân, sức khỏe yếu như tôi thì quả là cả vùng trời hạnh phúc".
Nhưng đó vẫn chưa phải là niềm hạnh phúc vô biên với chú. Niềm hạnh phúc lớn lao hơn có lẽ là qua Báo Giác Ngộ, vợ chồng chú tìm thấy nhiều niềm vui và an ủi. "Trước khi giao báo, mình phải coi qua thử một lượt xem có trang nào có phần nào hay, phần nào hấp dẫn để mà còn biết đường chào hàng với bạn đọc. Phần nữa là sẵn tiện, mình biết được thêm chút ít đạo pháp", chú nói. Vì vậy mà chú hay được khách hàng mình trêu ghẹo: "Ông, bà bán báo mà có sẵn báo đọc miễn phí là sướng như tiên"…
***
Câu chuyện về họ, những công tác viên phát hành, rất nhiều trên các miền đất nước để tờ báo sau khi in xong, đến tay bạn đọc khắp mọi nẻo đường. Họ, ẩn đằng sau những trang báo, là sứ giả của niềm vui. Trong sâu thẳm tâm hồn họ, có những niềm riêng, những câu chuyện sống động, đẹp, và đôi khi cả nỗi buồn, chạm đến trái tim của những người trẻ như tôi, để rồi luôn ý thức rằng phải cẩn thận từng con chữ, từng câu viết…, như bác Mây Hồng tỉ mẩn gói ghém từng tờ báo, để những gì đến với bạn đọc đều có ý nghĩa, sống động như chính cuộc đời này.