Chuyện ghi được ở chùa “Mồ côi”

GNO - Chúng tôi tìm đến ngôi chùa có nhiều câu chuyện giữa đời thường mang tên chùa “Mồ côi”. Sở dĩ có cái tên ấy là do nơi đây đang nuôi dưỡng, giáo dục, cưu mang 70 mảnh đời trẻ em mồ côi cha lẫn mẹ và không có người thân. Ngôi chùa ấy có tên Bửu Trì nằm bên cầu Rạch Ngỗng, thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

Bai XH- Chuyen ghi duoc o chua Mo Coi.JPG

Các cháu mồ côi đang học bài trước bàn thờ Phật - Ảnh: T.Thanh Liêm

Cho trẻ một mái nhà

Vừa dỗ dành một đứa trẻ nằng nặc không chịu bú sữa, Sư cô TN.Tâm Niệm, trụ trì chùa Bửu Trì kể lại “... Trước đây đã có nhiều vụ trẻ em mới sinh bị bỏ rơi, thậm chí còn quăng xuống sông Rạch Ngỗng rất thương tâm, từ năm 1990 tôi về đây xây dựng mô hình nuôi trẻ mồ côi này, đến nay không còn xảy ra tình trạng ấy nữa”.


Theo Sư cô Tâm Niệm, cứ mỗi khi nghe tiếng xe Honda thắng trước cổng và tiếng vỗ cửa chùa là lại có thêm một trẻ vô danh bị bỏ rơi. Có khi cha mẹ chúng thường là tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lỡ mang thai sanh rồi là vứt bỏ.

Đưa chúng tôi tham quan cơ ngơi đang trong giai đoạn xây dựng mới sau khi giải tỏa. “Trước đây, chúng tôi gặp khó vì cơ ngơi chùa phải di dời để thi công cầu Rạch Ngỗng 2, thầy trò đang lúng túng thì được anh Lê Trọng Thùy, một mạnh thường quân tại quận Ninh Kiều ủng hộ xây dựng nơi thờ tự lẫn nơi nuôi dạy trẻ rất khang trang trị giá trên 3 tỷ đồng, chúng tôi mừng lắm...”, Sư cô Tâm Niệm chia sẻ.


Chúng tôi quá nao lòng trước cảnh tượng hàng chục trẻ em từ vài tháng đến vài tuổi bị bỏ rơi đang được những tấm lòng từ bi, đùm bọc thương yêu như chính người thân trong gia đình. Trong gian phòng rộng, thoáng mát ở lầu một, các chị bảo mẫu “không chuyên” đang dỗ dành, chăm sóc cho từng cháu một.

Cho yêu thương để nhận yêu thương

Chỉ một giờ đứng quan sát công việc quá tất bật của các chị, chúng tôi tự hỏi vì sao họ lại có một sự chịu đựng quá phi thường đến như vậy. Chị  Lê Ngọc Ánh, quê xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) tự nguyện làm việc từ thiện ở đây đã nhiều năm cho biết: “Thấy tụi nhỏ mà đứt từng khúc ruột chú ơi, bỏ sao đành, thôi thì thu xếp chuyện nhà tới đây sống chung với chúng, vắng một ngày là chịu không nổi đâu...”.


Cùng suy nghĩ như chị Ánh, chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ đã có “thâm niên công tác” tại đây trên mười sáu năm. Chị đã có gia đình và đã có hai con trưởng thành. Dù kinh tế gia đình ổn định, chị thuyết phục chồng con để sáng tinh mơ đã có mặt tại chùa và chỉ ra về khi trời tối mịt.


Hôm chúng tôi đến thăm, chùa có cả người con gái của chị đến thăm mẹ và phụ giúp công việc chăm sóc trẻ rất nhiệt tình. Các cháu nhỏ thấy người lạ liền xúm xít vây quanh chúng tôi đòi bế, có đứa ôm cổ, đứa rờ má, đứa ôm bụng không cho đi như sợ mất người thân làm chúng tôi vô cùng xúc động. Nhiều cháu nhỏ khá xinh đẹp, bụ bẫm đề nghị chúng tôi chụp ảnh và giới thiệu cả tên họ hẳn hoi “Con tên Trần Thị Mai, Trần Thị Thảo, Trần Văn Nhi...”. Thấy chúng tôi thắc mắc, chị Hạnh giải thích một mạch do các cháu không cha mẹ nên Sư cô đều làm khai sinh lấy họ Trần, đó cũng là họ của Sư cô trụ trì.


Cô giáo Lê Thị Ngọc Điệp, hiện công tác ở Trường Mầm non Ngôi Sao, quận Ninh Kiều cho biết: “Em mồ côi sống ở đây từ bé, mấy đứa nhỏ này em đã quen hơi, quen từng tính nết mỗi đứa, vắng em thì tụi nó “quậy” tưng bừng đó”. Sau giờ công tác, Điệp lại trở về với mái ấm của mình để vui chơi, chăm sóc các cháu như một nghĩa cử trả ơn cưu mang của nhà chùa đối với thân phận mồ côi của mình năm xưa.


Mà đâu chỉ riêng Điệp, có rất nhiều mảnh đời lớn lên ở ngôi chùa này, nay đã trưởng thành có việc làm ổn định vẫn từ chối hạnh phúc riêng tư để mỗi đêm lại quây quần cùng những mảnh đời bất hạnh như cô giáo Trần Xuân Đào hiện đang công tác tại Trường Mầm non tư thục Phan Đình Phùng. Ngoài ra, có người là công nhân viên công ty, xí nghiệp... vẫn mỗi đêm trở về với ngôi chùa “Mồ côi” ấm áp này.


Chị Hạnh cho biết, khó khăn hiện nay là chùa có đến 28 cháu trong độ tuổi được đi nhà trẻ, mẫu giáo đúng quy định, vì vậy chúng tôi phải thay nhau chuẩn bị sách vở, quần áo, dụng cụ học tập để đưa các cháu đến trường lúc 6 giờ sáng và đón cháu lúc 17 giờ 30. Dù nắng, mưa, lũ, bão, chúng tôi duy trì đều đặn công việc này, chủ yếu không để các cháu mặc cảm là trẻ mồ côi bị xã hội kỳ thị, bỏ rơi, rất mừng là 100% cháu tại đây đều khỏe mạnh, không bị tật nguyền và không bị thiểu năng trí tuệ.


Quá trình kết nối yêu thương giữa những con người ở đây rất phi thường, bởi mục đích của chùa là hướng các cháu mồ côi trở nên người hữu ích, không mặc cảm, tự ti lại là điều khó gấp nhiều lần.

Lớn lên từ mái ấm

Tiếp xúc với em Trần Vân Anh, 13 tuổi, học sinh giỏi 7 năm liền, hiện học lớp 7 Trường THCS Lương Thế Vinh. Với đôi mắt lanh lợi đầy ắp niềm lạc quan, em cho biết: “Em bị bỏ rơi từ hai tháng tuổi, vô chùa từ ấy đến nay, em rất mang ơn Sư cô, các cô, chú đã cưu mang em, em không mặc cảm nữa và sẽ học thật giỏi để làm nhà văn, truyện ngắn đầu tay em sẽ viết về ngôi chùa “ Mồ côi ” này.


Mỗi ngày sau giờ đến lớp, các em lớn sẽ trông coi chăm sóc các em nhỏ hơn, làm những công việc nhẹ nhàng như phơi phóng, thu xếp quần áo, ru em ngủ, dạy em học, làm đồ chơi cho các cháu nhỏ...  Tuyệt nhiên không có việc cãi vã, đánh nhau, giành đồ chơi, quà bánh của nhau. Nhìn chúng âu yếm, tận tình săn sóc bảo ban nhau như anh em ruột thịt trong nhà, chúng tôi đã có người không cầm được nước mắt.

Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn, các cháu đã linh cảm và bắt đầu nhận ra tài sản quý báu duy nhất trên đời mà các cháu có được là mái chùa Mồ côi cùng với những tình cảm yêu thương đang hiện diện hôm nay và cả mai sau.


Chia tay với chúng tôi, em Nguyễn Đức Hải, 16 tuổi, đang học lớp 7 bổ túc văn hóa Trường Đoàn Thị Điểm dặn dò: “Tụi con lớn rồi, thiếu thốn chút đỉnh cũng hổng sao, mấy cô chú nhớ xin sữa di-a-lắc-an-pha cho mấy đứa em con, càng nhiều càng tốt nghe, lỡ thiếu tụi nó suy dinh dưỡng tội nghiệp lắm...”. Nói  xong, Hải cười sằng sặc rất phấn khích như quên đi một điều: Em cũng là đứa trẻ mồ côi trong ngôi chùa ấm áp này.             

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày