GNO - Đó là thông điệp mà cuốn sách “Dạy con trong hoang mang” của tác giả TS.Lê Nguyên Phương gửi đến độc giả về những tri kiến dạy con là cách dạy cả gia đình.
TS.Lê Nguyên Phương tại buổi ra mắt cuốn sách
Tác giả chia sẻ, “Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những nổi đau trong tâm hồn mình, tăng trí tuệ trong trí não mình, và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Và đừng biến con thành phương tiện” cho những tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta, cho những gì chúng ta chưa làm được.
Theo tác giả, chúng ta có thể giúp con cái chúng ta cũng như chính mình, “đó không phải là quyền lực, tiền bạc và danh vọng. Đó cũng không phải là bằng cấp địa vị, hay tài sản. Đó là sự bình an trong tâm hồn, một tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và trong lành”. Với 30 bài viết, bài chia sẻ từ những câu chuyện mà tác giả đã chứng kiến, trải qua, và từ những nghiên cứu nghiêm túc của tác giả; sẽ góp phần giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ cho các bậc phụ huynh và thầy cô giáo, được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu của ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn và thần kinh. Với các nhóm chủ đề như Tổng quan về phương pháp dạy con; Những ngộ nhận về tri thức; Bạo hành trong gia đình; Khen thưởng trong dạy con; Xây dựng tính cách của trẻ…
Ở bài viết mở đầu sách “Lòng mẹ trùng dương” tác giả chia sẻ: “Giây phút đầu đời giữa mẹ và con cũng có thể xem như điểm đầu trong ‘hành trình chuyển nghiệp’ của mẹ cho con. Những người phụ nữ gặp căng thẳng hay bị trầm cảm trong thời gian mang thai thường có độ hormone cortisol cao trong máu hơn các bà mẹ khỏe mạnh bình an. Việc tiếp xúc với lượng cortisol cao trong máu người mẹ khiến cho trẻ thường bị sinh non, nhẹ cân, và kém phát triển hơn. Chính bản thân những đứa trẻ cũng mang năng lượng hormone này trong nước tiểu cao hơn trẻ bình thường. Điều này khiến chúng trở nên dễ bị căng thẳng hơn, tính khí khó chịu hơn và khó dỗ dành hơn”.
Về lời nói hàng ngày, nếu không khéo, ba mẹ cũng có thể đang “bạo hành” con cái bằng ngôn ngữ. Theo tác giả đó có thể do họ tiếp nhận một số cách thức giáo dục giới hạn trong gia đình chòm xóm, thấy các thế hệ trước làm thế nên không nghĩ suy cũng áp dụng vì tưởng rằng chúng có hiệu quả. Hoặc cũng có thể từng bị bạo hành trong quá khứ nên không biết điều tiết những cảm xúc của chính mình, dễ bị cuốn đi bởi những cơn đau khổ, hoảng sợ và vì sợ hãi nên đã gieo rắc sự sợ hãi cho người khác, mà cụ thể nhất là con của mình. Và đây là một điều rất nguy hiểm vì “tất cả những sự thay đổi về não bộ và cảm xúc của trẻ sẽ đến lúc ảnh hưởng tới tính cách và hành vi của trẻ khi trưởng thành. Biên giới của việc tự phê phán, tự chán ghét và tự miệt thị trở nên mong manh và nguy hiểm. Mỗi chuyện xảy ra trong đời, nhẹ như sơ suất, nặng như thất bại, cũng đều làm trẻ càng thêm khinh bỉ những khiếm khuyết có thật hay tưởng tượng của chính mình một cách đau đớn”.
Để xây dựng tính cách cho trẻ, tác giả nhận định “Lòng vị tha là một phần bản chất của con người qua tiến hóa và có gốc rễ trong cấu trúc sinh học của tất cả chúng ta, đặc biệt là bộ não. Nó là nền tảng của một thân thể khỏe mạnh và động lực cho sự sinh tồn của nhân loại”.
“Cuốn sách này có thể không dễ đọc với một số độc giả vì mỗi bài là một nổ lực của tác giả nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, tâm lý lẫn triết học, thường nghiệm lẫn nghiên cứu, văn chương lẫn khoa học. Không chắc tác giả đã đạt được điều chính mình mong muốn hay sự mong muốn của độc giả, nhưng nổ lực có một cái nhìn đa chiều chính là mục đích của tác giả. Vì thấy tuổi thơ trong quá khứ của mình và trung thành với tâm nguyện “chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ” - TS.Lê Phương Nguyên chia sẻ. Ảnh: Như Danh Được biết, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương hiện là Chuyên gia Tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường tại Đại học Chapman. Là chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp phát triển Tâm lý học đường tại Việt Nam vào năm 2009. Năm 2011, Tiến sĩ nhận giải Chuyên gia thực hành Tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất. Ông nhận bằng Thạc sĩ giáo dục và chứng chỉ hành nghề Tâm lý học đường tại Đại học California State Long Beach và bằng tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California. Hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp Chánh niệm Nhận thức và chứng chỉ Cao cấp liệu pháp Thân nghiệm. |