GN - Vừa qua, đạo diễn - diễn viên nổi tiếng trong giới điện ảnh Hollywood đồng thời là một Phật tử - Richard Gere đã khẳng định bài viết được đăng tải trên mạng xã hội Facebook về ông không phải là sự thật. Tuy nhiên, ông chia sẻ ý nghĩa của vấn đề này đáng được nhìn nhận.
Hình ảnh Richard Gere cùng câu chuyện hư cấu trên trang Facebook được đăng tải vào ngày 9-10-2015
“Khi tôi rong ruổi trên các con đường ở New York trong bộ dạng cải trang thành người vô gia cư, không một ai chú ý đến tôi. Khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận sâu sắc cảm xúc của một người vô gia cư là như thế nào. Những người đi trên phố lướt qua tôi với ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm. Chỉ duy nhất một người phụ nữ tốt bụng, rủ lòng tốt cho tôi chút thức ăn. Đó thật sự là một trải nghiệm tôi không bao giờ quên. Bao nhiêu lần chúng ta quên mất mình may mắn như thế nào và chúng ta không nên cho sự may mắn đó là điều hiển nhiên. Nếu có thể giúp ai đó trong khả năng của mình, thì chúng ta nên làm như vậy. Đó là lý do tại sao, sau sự việc này, tôi đã quyết định trao 100 đô-la cùng thức ăn cho bất cứ người vô gia cư nào tôi bắt gặp trên đường. Họ khóc và tràn đầy phấn khởi. Tôi tin rằng, đây là sự thay đổi chúng ta mong được nhìn thấy trong thế giới này”.
Khoảng đầu tháng 10 vừa qua, thông tin Richard Gere dành những chi phiếu100 USD để phân phát cho những người vô gia cư, nhanh chóng được lan truyền và trở thành vấn đề nóng trên mạng xã hội Facebook. Bài viết còn được đính kèm thêm ảnh chụp Gere trong trang phục cải trang thành một người vô gia cư và cả dòng trích dẫn của Gere (hoàn toàn là bịa đặt) về việc ông đang bí mật học cách sao cho giống người vô gia cư.
Bức ảnh, sau đó được khẳng định là từ một cảnh quay trong phim mới đây của Gere: Time Out of Mind. Vào thứ Năm (29-10) vừa qua, Gere đã đăng tải một đoạn video trên trang Facebook của nữ diễn viên kiêm đạo diễn Jena Malone để giải thích rõ về câu chuyện không có thật kia.
Trong đoạn video, Gere khẳng định: “Trang Facebook đó không phải là tôi và đó hoàn toàn không phải là những gì tôi nói. Thật sự tôi nghĩ rằng đó là phát ngôn của những người theo thuyết Gandhi và nhân tiện, tôi khẳng định mình không theo thuyết đó. Tôi không có ý đề cập đến bộ phim”.
Tuy nhiên, tiếp lời, Gere đưa ra một quan điểm, phần nào đó tạo nên khía cạnh “hiện thực” cho câu chuyện “hư cấu” kia: “Lúc đó, tôi chỉ đang thực hiện vai diễn của mình, nhưng tôi không cố tình che giấu điều gì cả. Đúng là tôi đã bị lay động bởi chính câu chuyện không có thật kia. Tôi có muốn làm điều gì đó cho những con người đang khốn khổ kia không ư? Vâng, chắc chắn là có rồi. Tôi hiểu mình cần làm gì và cố gắng dùng hết khả năng của mình, cũng như tận dụng những dịch vụ xã hội để biến thông tin sai lệch kia thành một việc làm thực tế và có ý nghĩa hơn.
Trong bài viết đó nói rằng tôi đã trao những tờ ngân phiếu hàng trăm đô-la cho những người vô gia cư. Và tất nhiên là không hề có chuyện đó. Nhưng quả thật, tôi cảm thấy xúc động mạnh mẽ hơn khi nghĩ đến việc có thể trao cho bất cứ người cơ nhỡ nào mà mình tình cờ gặp trên đường một thứ gì đó giúp được cơn khổ nạn của họ. Tất cả chúng ta đều có những thứ nằm trong khả năng có thể cho đi, với một thái độ tích cực và đừng có bất kỳ lời phán xét nào. Hãy chỉ nghĩ đơn giản rằng, chúng ta đang gửi gắm một hành động, một tấm lòng rộng lượng, một điều gì đó quan trọng để duy trì sự sống cho một con người được trao đi”.
Gere tâm sự rằng, ông đăng tải đoạn video trên không vì mục đích vạch trần bài đăng sai lệch trên Facebook. Trên thực tế, chính bài viết không đúng sự thật kia lại truyền cho Gere một nguồn cảm hứng để ông nhắn gửi những thông điệp to lớn hơn, ý nghĩa hơn về những người vô gia cư, về nỗi thống khổ và sự ích kỷ.
Ông nói: “Tôi tự hỏi rằng, liệu có một thứ gì đó chúng ta cùng chung sở hữu và phải cùng nhau làm việc để có được nó, như vậy từ đó có thể tạo ra một xã hội có trách nhiệm hơn. Tôi thật sự hoan nghênh các bạn tham gia bình luận về vấn đề này, các bạn có bao giờ tự hỏi: Làm thế nào để chúng ta có thể thoát ra khỏi vỏ bọc của mình và nhìn nhận tất cả mọi người như người thân hay xem họ như chính bản thân chúng ta và đưa họ vào thế giới chan chứa tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc mà chúng ta đang có? Đó là cách duy nhất chúng ta có thể trải lòng trong thế giới này, có thể thay đổi xã hội, đất nước, hành tinh, vũ trụ này lên một tầm cao mới. Tôi tin rằng, có điều gì đó ẩn sâu trong tấm ảnh đăng hình tôi với bộ dạng một người vô gia cư đang ngồi co ro kia, thứ đã khơi dậy những suy nghĩ này trong tôi và khơi dậy cả sự quan tâm trong chính các bạn nữa”.
Tuy không đề cập đến đạo Phật, Gere lại bàn luận về những tư tưởng Phật giáo về bản thân và sự giải thoát (thực tế, ông là một Phật tử và là một trong những học trò của Đức Đạt-lai Lạt-ma, đồng thời hồi đầu tuần, ông cũng đã nhận được Huân chương Tự do thay cho thầy của mình):
“Chỉ mới cách đây hai ngày thôi, tôi cảm thấy mình thật vinh dự và may mắn khi có thể thay mặt Đức Đạt-lai Lạt-ma nhận Huân chương Tự do ở Philadelphia. Đó là một trong những giải thưởng lớn tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, tôi dường như bắt gặp những suy ngẫm của chính mình xoay quanh chữ “tự do” - Huân chương Tự do. Đó như là một tiếng chuông tự do, một hiến pháp, một Bản Tuyên ngôn Nhân Quyền - sự tự do. Nhưng, sự giải thoát lại nằm ở một cấp độ khác và còn quan trọng hơn cả sự tự do. Bản năng hơn và quan trọng hơn là cảm nhận mình được giải thoát khỏi sự ích kỷ của bản thân”.
“Tôi từng học Thiền khoảng 5 - 6 năm trước khi có cơ hội được gặp vị Thầy của tôi ở Ấn Độ - Đức Đạt-lai Lạt-ma. Tôi còn nhớ, khi đó giữa chúng tôi có một cuộc trò chuyện nhỏ, Thầy của tôi đã hỏi rằng: “Ồ, con là diễn viên ư?”. Dừng lại suy nghĩ trong vài giây, ngài tiếp lời: “Vậy, khi con diễn xuất cảnh giận dữ, có thật là con đang tức giận không? Khi con diễn cảnh sầu bi, có thật đó là nỗi buồn của con không? Và khi con khóc, có thật là nước mắt của con đang rơi chăng?”. Tôi mạnh dạn trả lời ngài với tư cách một diễn viên rằng đó là những cảm xúc chân thật nhất và tôi đã thật sự thả hồn vào vai diễn của mình. Thầy như nhìn sâu vào ánh mắt tôi và chỉ lặng cười. Điên loạn. Ngài cười vào chính suy nghĩ điên loạn này của tôi, vì tôi tin vào những cảm xúc kia là thật, vì sự nỗ lực làm việc của tôi, rồi chỉ để tin vào sự tức giận, hờn ghét, sầu bi, tổn thương và nỗi đau kia là có thật (…). Điều đó hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi từ ngay lần đầu tôi hiện diện trước Thầy. Không một chút hồ nghi gì. Không phải sự suy nghĩ đắn đo: “Mình phải lìa bỏ tất cả những gì mình đang có và đi vào tu viện để tu tập”, mà nó dường như là một cảm xúc đến rất tự nhiên, rằng tôi mong muốn được thực hành cùng những vị Thầy của mình, được sống trong dòng truyền giáo của Đức Phật, tiếp thu tất cả những gì tôi có thể, nguyện dâng hiến cả tấm lòng vào đây. Và kể từ đó, tôi chưa từng để mình rơi ra ngoài con đường tu tập này”. Richard Gere và Thầy của mình - ngài Dalai Lama |
Giao Hảo dịch
(theo www.lionsroar.com)