Chuyện kể bên miếu cô hồn

GN - Cứ mỗi buổi sáng sớm, khi đi tập thể dục, Thành đều thấy người đàn bà có đôi mắt thâm quầng có lẽ vì mất ngủ, khá khó nhọc bày biện lỉnh kỉnh các loại báo trên chiếc kệ nhựa cạnh miếu cô hồn đầu ngõ.

Người phụ nữ ấy bị mất một chân nên mọi động tác đều nhờ vào chiếc nạng gỗ. Khi quay về, bao giờ anh cũng thấy bà để tấm ảnh nhỏ của một người con trai vào trong miếu với mấy trái cam, trái quýt rồi bật khóc sau khi đọc những bài kinh Phật nguyện cầu.

minh hoa.jpg


Tranh minh họa

Cái miếu này có từ hồi Thành còn bé tí teo thường theo chúng bạn len lén ăn cắp bánh ngọt, trái cây rồi chạy thục mạng vì sợ người lớn bắt được. Có lần, Thành hỏi má:

- Miếu thờ ai mà người ta tới đốt nhang hoài vậy má?

- Thờ cô hồn các đảng đó con. Má đáp.

Hôm qua, không thấy người đàn bà ấy đến bán báo như mọi khi, Thành cảm thấy thiếu vắng một cái gì khó tả trong suy nghĩ của mình. Bà ấy đi đâu ? Sao không bán báo? Người trong ảnh là ai? Có phải là cô hồn các đảng như lời má anh thường kể? Sao đôi mắt bà ấy chứa đựng một sự nhẫn nhịn, u uất, đau khổ dồn nén rất lạ thường. Đôi mắt có thể làm người đối diện thấy bối rối, tò mò muốn tìm hiểu những ẩn khuất chất chứa trong cuộc đời người phụ nữ lạ lùng ấy.

Sáng nay, sự trằn trọc làm Thành dậy sớm hơn mọi khi. Anh thong thả bước đi trên con hẻm xi-măng rộng thoáng. Xa xa, cái miếu cô hồn đã thấp thoáng le lói ánh sánh của những chiếc đèn cầy và cái đèn hột vịt nhỏ xíu. Người phụ nũ ấy đang đốt nhang khấn nguyện. Trong ảnh, chàng thanh niên với nụ cười hiền lành chân chất rạng rỡ niềm tin. Trên ngực áo trắng tinh khôi còn nguyên chiếc bảng tên ghi rõ: Nguyễn Trường Sinh, sinh viên khoa Thủy sản, Trường Đại học C.T.

- Dì ơi! Người trong tấm ảnh ấy là ai vậy? Thành hỏi khẽ.

- Là con nuôi của tui. Tui chỉ có mình nó. Vậy mà nó… Nói tới đó, bà khóc nấc lên trong sự đau khổ tuyệt vọng.

- Vậy còn gia đình của dì ở đâu?

- Quê tôi ở miệt Gò Công, Mỹ Tho. Tui đâu còn ai trên cõi đời này nữa.

Câu chuyện về người phụ nữ ấy cứ cuốn hút Thành không dứt. Bà tên Xuân vốn là bộ đội phục viên. Trong những ngày chiến tranh ác liệt trên đất bạn Campuchia, bà đã từng tiễn đưa bao đồng đội của mình trong đau đớn tái tê. Thấy đó rồi chết đó. Chiến tranh mà. Đến và đi cũng rất bất ngờ và không dung thứ một ai. Vậy đó. Tàn nhẫn và lạnh lùng. Trong ký ức người cựu binh ấy mãi mãi không phai mờ hình bóng đồng đội của mình. Con Hoa Bến Tre hát hay múa dẻo hy sinh trận Bát-tam-băng. Con Liên Cà Mau mặt mày đỏ phừng phừng như say rượu khi bị mấy tay lính thông tin trêu chọc, hy sinh ở trận Pô-sát. Con Hoàng Rạch Giá tướng tá như con trai, kiện tướng lao động đơn vị, tay chân to bè như nải chuối quạ, ăn cơm mỗi lần sáu chén, làm đơn vị cứ bật cười, nó mất khi tiến vào thị xã Kô-kông. Nhiều. Nhiều lắm. Những người con gái, con trai đã nằm xuống trên xứ người, có đứa tới nay chưa tìm được hài cốt đem về quê hướng xứ sở. Có đứa mất đi một phần thân thể xương máu của mình, trở thành thương binh như bà: mất đi một chân vì vướng mìn của bọn Pôn-pốt. Chiến tranh là vậy. Bà không trách móc oán than vì sự mất mát của mình. Còn nhiều, nhiều lắm những mảnh đời đơn độc, hy sinh lặng thầm như bà trên khắp mọi miền đất nước. Bà còn nợ một lời nguyền với chị Hai Tâm, trung đội trưởng trước lúc hy sinh năm 1988.

- Sau này ổn rồi, bây dìa Châu Đốc kiếm nhà má tao cho hay tao đi rồi, còn nữa, thằng Sinh con tao mới hai tuổi, bây ráng nuôi nó dùm tao. Nhà tao nghèo chắc khó lo đầy đủ cho nó Xuân ơi.

- Chị yên tâm. Em hứa sẽ lo cho nó như là mẹ ruột, bà nói khe khẽ.

Vậy là chị Hai Tâm ra đi trong thanh thản - thanh thản giữa núi rừng thâm u lộng gió, trong tiếng chim gọi bạn thê lương. Mới năm trước đó, anh Quang chồng chị hy sinh trên biên giới Thái Lan. Phút sanh ly tử biệt mà chị không gặp được mặt chồng, giờ lại không gặp được mặt con.

Năm 1989, bà về nước trong đoàn quân bộ đội tình nguyện Việt Nam, trong niềm hân hoan rạng rỡ vì đã làm nên lịch sử giúp những người dân vô tội xứ chùa tháp thoát cảnh diệt chủng tàn khốc. Cái chân mất đi của bà đã hòa vào niềm vui chung của hai dân tộc anh em. Bà bắt đầu đi tìm con của chị Hai Tâm miệt Châu Đốc. Năn nỉ riết bà ngoại thằng Sinh mới đồng ý cho bà đem nó về nuôi sau khi bắt bà ra xã làm cam kết nuôi nó cho đàng hoàng tử tế. Bà ở vậy nuôi con. Mà nói cho cùng, chắc cũng không một ai chịu lấy một người thương tật như bà làm vợ. Bà nghĩ vậy. Thằng bé lớn nhanh như thổi, khuôn mặt nó giống mẹ như đúc, lại chăm ngoan học giỏi. Nhiều lần nó gặng hỏi:

- Sao quanh năm suốt tháng, con không thấy má nhắc tới ba? Ba con còn hay mất? Còn hai tấm hình trên bàn thờ là của ai vậy má?

- Là bạn của má hồi ở Campuchia đó con. Chuyện dài dòng lắm. Lớn lên má kể cho nghe.

Thấy bà buồn, thằng Sinh không dám hỏi tới chuyện đó lần nào nữa. Bà cũng định nói cho nó biết nhưng rồi lại thôi. Nói rồi được gì? Có chăng là sự giằng xé đớn đau vì sự mất mát quá lớn với nó, với bà. Lặng im là có tội nhưng đôi khi lại mang đến cho nó một sự sống, một niềm tin. Bà định khi nó ra trường, bà sẽ kể hết mọi chuyện rồi ra sao thì ra. Nhưng rồi bà có còn kịp làm cái chuyện luôn dày xéo trong tâm hồn mình suốt mấy mươi năm qua đâu. Nó chết vị bị đám thanh niên say rượu lạng lách phóng xe bạt mạng đụng vào ngay miếu cô hồn này đây. Chết trong cái ngày nó đi lãnh bằng tốt nghệp kỹ sư thủy sản. Bà vật vã, đau đớn, tỉnh rồi lại ngất xỉu. Niềm tin còn sót lại trong cuộc đời của một người lính như bà giờ tắt lịm. Bà thảng thốt mê sảng khi cảm nhận chập chờn đâu đây đôi mắt của chị Hai Tâm trách móc quở rầy vì không làm tròn trách nhiệm.

Vậy mà ra tòa, trước những khuôn mặt non choẹt, những cái cúi đầu sợ hãi có, ân hận có của đám trẻ đua xe gây ra cái chết cho thằng Sinh, bà chợt xao lòng. Nhìn những đôi mắt cầu cứu, khẩn khoản van lơn sự tha thứ của những người phụ nữ chắc tuổi độ như bà, bà lại thấy xót xa thương hại. Bà khấn nguyện: Anh Quang, chị Tâm, Sinh ơi! Hãy tha tội cho bà, tha tội cho đám thanh niên kia để chúng có dịp tìm lại cuộc đời. Bà khóc giữa phiên tòa im lặng. Bà bãi nại và không yêu cầu bất kỳ một sự bồi thường nào khác. Lại một sự im lặng đến ngạc nhiên. Người nữ chánh án lau vội vàng những giọt nước mắt xúc động. Những bà mẹ trẻ lao tới quỳ lạy dưới chân bà. Bà từ tốn đỡ họ đứng lên với ánh mắt cảm thông.

Từ đó, mỗi ngày bà không còn công tác ở phường mà đến đây bán báo. Bán ngay tại miếu cô hồn này để ngày ngày đốt nhang cho thằng Sinh và bao vong linh chết oan vì tai nạn khác. Bà nói: Làm vậy để thanh thản tâm hồn và sẵn sàng kể chuyện chiến tranh, kể rất thật về những người đã hy sinh thầm lặng cho bất kỳ ai muốn nghe, và hãy tha thứ những lỗi lầm trong cuộc đời sóng gió để nghe lòng tĩnh tại, nhẹ tênh như lòi Phật dạy.

Bình minh đang lên. Trong ánh sáng mờ mờ của ngôi miếu cô hồn, Thành thấy bà sao cao thượng quá, thánh thiện quá, trầm lặng mà thanh cao giữa bộn bề cuộc sống bon chen cơm, áo, gạo, tiền. Chiếc nạng gỗ và dáng dấp liêu xiêu của người đàn bà nhỏ bé ấy hôm nay bỗng sáng lên giữa lồng lộng mây trời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày