GN - Sinh ra 6 người con thì đến 5 người bị tật nguyền, trong đó 4 người bị thần kinh. Cuộc sống của hai vợ chồng ông Trần Văn Thiệt, 60 tuổi, bà Xa Thị Cẩm, 54 tuổi ngụ tại tổ 2, thôn Phước An 2, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) và những người con thật sự khốn khổ...
Không còn đường nào khổ hơn...
Năm 1982, từ chiến trường Campuchia trở về, ông Thiệt kết hôn cùng bà Cẩm. Người con gái đầu sinh ra thì bị khuyết tật hai chân, đi lại khó khăn. May mắn là dù số phận khắt khe nhưng em vẫn có gia đình riêng.
Người con thứ nhì và thứ ba là Trần Thị Tuyến, 30 tuổi và Trần Văn Khánh, 27 tuổi sinh ra vốn bình thường nhưng lớn lên, lại bất ngờ bị bệnh tâm thần, nhiều lúc không tự chủ được hành vi của mình. Cả hai người đến giờ vẫn không thể làm gì để tự nuôi sống mình, chỉ biết ngồi ở nhà, nhìn và cười...
Riêng cậu con út Trần Văn Khôi, năm nay 15 tuổi, từ khi sinh ra đã nằm một chỗ, không biết nói. Càng lớn lên, em càng có những biểu hiện nặng của bệnh động kinh. Nếu không có người trông giữ, em liên tục đập đầu vào tường, đập vỡ đồ đạc hay lấy vật cứng tự đập vào đầu.
Cô bé áp út, em Trần Thị Tuyển, năm nay học 12 nhưng đã phải bỏ học từ trước Tết do bệnh tâm thần đột nhiên bộc phát. Niềm hy vọng của cả gia đình dồn ở nơi em, bởi em học tốt, lại siêng năng. Nhưng rồi một bữa, từ trường về, em bỏ sách vở, lăn ra ôm đầu kêu đau. Từ lúc ấy, ông Thiệt đã đưa con gái đi nhiều bệnh viện, uống nhiều thuốc, cả thuốc Tây lẫn thuốc Nam nhưng không có hiệu quả. Nợ nần chồng chất mà hy vọng để con gái bớt bệnh, được trở lại trường học thì ngày càng mong manh với vợ chồng ông.
Nhà chỉ còn lại cô con gái Trần Thị Thanh Tuyền, 23 tuổi là bình thường. Thương cha mẹ khổ cực, thương anh chị em bệnh tật hiểm nghèo, Tuyền đã bỏ học từ cấp 2, ra Đà Nẵng miệt mài mưu sinh, làm thuê làm mướn.
Hàng tháng, em đều gửi tiền về phụ giúp ba mẹ lo cho gia đình. Ông bà Thiệt - Cẩm thì tuổi đã cao, lại không làm được bao nhiêu bởi một người ra đồng, một người phải chăm con, nên cuộc sống vô cùng bấp bênh. May một phần là chính quyền địa phương có sự trợ cấp vài trăm ngàn hàng tháng cho hai người con bị tâm thần nặng nhất của ông bà, số tiền ấy không là bao so với chi phí chữa bệnh nhưng cũng đỡ đi một chút vất vả cho hai thân già khốn khổ...
Niềm tin vào Phật pháp...
Dù gia đình gặp nhiều bất hạnh, ông bà Thiệt - Cẩm vẫn luôn giữ niềm tin vào Chánh pháp. Nơi trang nghiêm nhất trong căn nhà của ông bà là bàn thờ Phật, trong nhà luôn luôn có tiếng niệm Phật phát ra từ một chiếc máy nhỏ đặt trên bàn.
Bác sĩ nhiều lần bảo, các con ông bà bị di chứng của chất độc màu da cam nhưng trong thâm tâm, ông bà vẫn hiểu là một phần do nghiệp của mình quá nặng. Ông Thiệt bảo, mỗi lúc thấy lòng bất an, khổ não vì gia đình, ông đem kinh ra tụng niệm, cũng là một cách để lòng an lại. “Làm lụng tối ngày ngoài ruộng, không có thời gian đi chùa nhưng hễ rảnh là vợ chồng tôi lại tự tụng niệm theo những bài kinh mà sư cô ở chùa trong thôn tặng. Niệm Phật, tôi thấy lòng nhẹ bớt những nỗi lo đang chồng chất hàng ngày... Tôi đang có ý định dần dần quy y cho cả nhà để mong mọi thứ nhẹ nhàng hơn”, ông Thiệt chia sẻ.
Từ khi thờ Phật, ông Thiệt cảm nhận bệnh tình của những đứa con đều có những biến chuyển tốt. Điều đó càng làm ông bà vững tin và cố gắng hơn trong bước đường tu tại gia. Hiện tại, mối quan tâm lớn nhất của ông Thiệt, bà Cẩm vẫn là chữa bớt bệnh cho con gái Trần Thị Tuyển. Bởi bệnh của em vừa phát, có khả năng chữa bớt cao hơn so với các anh chị em khác.
Hai vợ chồng ông vẫn tất tả đưa con đi đến những cơ sở, bệnh viện uy tín để chữa bệnh, dù phải vay mượn, phải nợ nần. Dẫu niềm tin chữa khỏi bệnh cho con còn mong manh nhưng những người nông dân khốn khổ ấy vẫn không ngớt hy vọng.