Chuyện người mẹ bán nhang trên núi Bửu Long

GNO - Bà cụ nói đơn giản tên Nguyễn Thị Tư, năm nay 86 tuổi. Bà nói đi bán nhang trên núi Bửu Long (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) từ năm... 30 tuổi để nuôi con.

Nhẩm ra, bà Tư bán nhang suốt 56 năm nên chết cái danh “Tư bán nhang”. Giá mỗi bó nhang chỉ 10.000 đồng. Tôi "hào phóng" rút tờ 50 ngàn mua 3 bó nhang (dù biết rằng trong chánh điện chùa Bửu Phong đã có sẵn nhang), rồi xua tay:

 - Bà khỏi thối nha...

  Bà cụ nói giọng rặt Nam bộ:

- Mèn đét ơi, sáng giờ chưa bán bó nhang nào, tiền lẻ hổng có. Thôi, cậu vô trỏng thắp nhang cho Phật đi, lát ra tui thối lại. Cậu có lòng mua thêm hai bó. Tui đi bán nhang chứ hông có đi xin bố thí cậu ơi...

Tôi chưng hửng rồi chột dạ, cảm thấy nhột nhột trọng bụng, cúi gằm mặt bước đi. Mới sáng sớm, một bà cụ đi gần hết cuộc đời sương gió tóc phủ bạc đã dạy tôi một bài học ứng xử của đời: của cho không bằng cách cho.

camxuc1.jpg
Bà Nguyễn Thị Tư (86 tuổi) bán nhang trên núi Bửu Long
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai) từ gần 56 năm - Ảnh: Tri Sắc

Tôi vô chánh điện gặp sư bà trụ trì có việc. Ngồi trò chuyện với sư bà gần một tiếng đồng hồ, lúc sắp về tôi tò mò hỏi thăm về bà già bán nhang "kỳ cục" dưới chân dốc của chùa. Sư bà tiết lộ bà đó bán nhang lâu lắm rồi, từ khi sư bà về tu chùa này đã gặp mà giờ cũng hơn 50 năm. Lạ một điều bà lão không bao giờ xin cơm chay của chùa ăn. Không biết bà sống ở đâu, 6 giờ sáng thấy đội thúng nhang lên núi bán cho khách hành hương, 6 giờ tối đội thúng nhang về. Chỉ nghe Phật tử nói lại, bà cụ có 4 người con nhưng tất cả đều nghèo, đi tha phương tứ tung đâu hết?

Và bà cụ có đôi bàn chân khá... "đặc biệt", phải nói là lạ, đôi bàn chân dài, 2 ngón cái bẹt ra hai bên. Hình như cả đời chưa bao giờ thấy bà mang dép!

camxuc2.jpg


Dù bán nhang tiền lời không nhiều nhưng bà Tư có 1 lòng tự trọng “kỳ lạ” - Ảnh: Tri Sắc

Cuối buổi vấn an, sư bà cho tôi 2 cái bánh bao chay ăn "lấy thảo". Tôi xách lủng lẳng 2 cái bánh bao bước ra về. Ngoài sân chùa, thấy bà bán nhang ngồi quay lưng, hướng mặt về phía triền dốc núi. Tôi sà tới, bắt chuyện:

- Gần trưa rồi, bà không về ăn cơm hả?

 - A... lát nữa thằng con trai tui giở cơm mang lên cho tui cậu ơi", bà lão đáp trả tỉnh bơ. Nhưng tôi biết chắc không có "thằng con trai" nào cả!

Tôi ngập ngừng tính đưa bà cái bánh bao chay, nhưng lại ngại "bị" bà từ chối nói một câu: "Tui không phản dân ăn xin" thì sẽ mắc công tôi bị "chột dạ" tiếp. Chần chừ một chút, thôi thì tôi áp dụng thử bài học "của cho không bằng cách cho" mà bà lão “dạy” tôi hồi sáng:

- Bánh này của sư bà cho. Bà cầm lấy nha, đồ cúng Phật mà...

Bà cụ cầm bỏ vào dưới cái thúng nhang, rồi bàn tay lục trong túi áo bà ba móc đưa tôi tờ 20.000 đồng: “Thối lại cậu...". Tôi nói với bà con sẽ mua thêm 2 bó mang về  thắp nhang ở nhà là vừa đủ.

Tôi tính bước đi, nghe bà lão ngồi quay lưng về dốc núi chép miệng bâng quơ:

- Vu lan năm nay sao vắng khách quá. Chớ mọi năm mùa này bán nhang chạy lắm!  Vu lan năm này buồn, ngồi mình ênh nhớ cha, nhớ mẹ, rồi nhớ đàn con...”.

Tôi đi một đoạn ngắn và đã nghe hết lời bà cụ  than vãn nhưng tôi không nỡ đành lòng quay lưng lại để tận nhìn vào đôi mắt buồn thăm thẳm chiều trôi và gương mặt chằng chịt dấu vết thời gian của bà cụ...

camxuc3.jpg
Cứ mỗi mùa Vu lan về, lúc ngồi một mình bà Tư chạnh lòng nhớ về đàn con đang lưu lạc phương nào?

Chùa Bửu Phong nằm cheo leo trên núi. Mùa này gió thu thổi nhiều. Người ta nói gió thổi trên chùa  không phải là gió bình thường, mà đó là những cơn gió vô thường của kiếp người.

Mùa Vu lan năm sau tôi quay lại, tôi ái ngại những cơn gió vô thường cuốn bà lão bán nhang đi về miền khuất núi nào...?

Tri Sắc
(Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai)

>> Cầu nối: Mời bạn đọc viết Cảm xúc mùa Vu lan

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày