Chuyện về anh Kim khiếm thị

GN - Nhiều người khuyết tật xung quanh chúng ta vẫn cứ vượt qua bão táp cuộc đời dù bản thân họ chịu rất nhiều thiệt thòi. “Ông Kim mù” là một ví dụ khi một mình gánh vác cả một gia đình 6 người gồm vợ, 2 con, mẹ già và 1 đứa cháu...

Không chùn bước

Anh Đỗ Phú Kim, 53 tuổi (đội 3, thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Số phận khá khắt khe khi cướp đi đôi mắt của anh lúc vừa tròn 3 tuổi.

TTXH (2).jpg

Anh Kim đang xay lúa cho khách hàng

Căn bệnh quái ác đã nhấn chìm cuộc đời của anh trong bóng tối. Những tưởng, số phận tật nguyền sẽ đưa anh đến con đường không lối thoát. Nhưng ngay từ nhỏ, cậu bé Đỗ Phú Kim đã ý thức được mình phải cố gắng nhiều hơn so với người bình thường để có được cuộc sống ít ra là đủ ăn, đủ mặc.

Không chấp nhận mình là một người phải sống dựa vào bố mẹ vốn đã nghèo với nghề nông còm cõi, anh đã mày mò tự làm tất cả những việc mà mình có thể làm. Đôi tai tập trung nghe, đôi tay lần mò trong bóng tối để tập quen dần với những công việc mà một người bình thường phải làm hàng ngày. Và, anh đã tập cho mình tính tự lập từ rất sớm.

Miệt mài cố gắng, rồi anh cũng có được niềm vui như bao người khác. Năm 1983, lúc ấy anh vừa tròn 24 tuổi, trời cũng thương tình cho anh một người vợ. Cô ấy ở làng bên, một phần vì cảm nghị lực của anh, một phần là mắc bệnh hơi ngớ ngẩn nên đồng ý theo anh về làm vợ. Từ khi có vợ, anh Kim càng quyết tâm làm việc, cố gắng lo cho hạnh phúc của gia đình.

Hai người con một trai, một gái lần lượt ra đời trong niềm vui khôn tả của anh. Dù không thể nhìn thấy, nhưng bằng đôi tay và các giác quan còn lại, anh làm tất cả mọi việc để kiếm tiền. Từ chăn nuôi heo, gà, vịt, làm vườn cho đến mở xưởng máy xay gạo, mở quán trò chơi điện tử cho trẻ con hàng xóm.

 Thành công nhất của anh là giờ đã có một tiệm internet do chính mình làm chủ. Ở cái miền quê nghèo này, mở được quán internet không phải là chuyện đơn giản. Với một người mù thì càng đáng trân trọng vô cùng.

Bây giờ, con gái anh đã có việc làm ở một khu công nghiệp ngoài Đà Nẵng. Cậu con trai nhỏ thì đang học ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Nhiều lúc, anh cũng thấy hãnh diện nhưng tự nhủ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Anh chia sẻ: “Thì đói quá, phải nghĩ ra kế sinh nhai thôi à. Họ sáng mắt thì có cách làm của họ. Mình mù thì có cách làm của mình. Chậm hơn một chút nhưng hiệu quả cũng tương đối tốt. Nhiều lúc nghĩ lại, thấy mình như ri mà gồng gánh được cả gia đình, cũng thấy vui lắm chứ...”.

Năm 2010, em ruột anh Kim là chị Đỗ Thị Hường, bị bệnh ung thư, bị chồng bỏ mặc, mang con nhỏ về ở cùng gia đình anh. Suốt 2 năm trời, vừa vay mượn, tích cóp chạy chữa cho em gái lại vừa phải nuôi thêm đứa cháu gái gọi mình bằng cậu.

… Là ông chủ khiếm thị

Chúng tôi đến nhà khi anh Kim đang miệt mài bên chiếc máy vi tính chủ để tính tiền cho những trẻ em trong xóm đến chơi game. Lần mò bàn tay trên từng phím chữ nhưng anh chưa bao giờ sai một thao tác nào.

Anh bảo, ban đầu tiếp cận với vi tính nói chung và phần mềm quản lý gần 20 cái máy vi tính nói riêng rất khó khăn với một người khiếm thị. Nhiều đêm, anh thức trắng để nghiên cứu, để đôi tay và đôi tai của mình kết hợp với nhau nhuần nhuyễn trong các thao tác. Và giờ, ngay cả những đứa trẻ được tiếp cận với internet sớm, vào quán cũng phải phục ông chủ.

TT.jpg
Anh Kim trở thành tấm gương cho trai tráng trong làng

Cụ Nguyễn Thị Én, mẹ ruột anh Đỗ Phú Kim năm nay đã 83 tuổi, vừa móm mém nhai trầu, vừa kể chuyện về con trai mình. Anh Kim có tật, có tài. Chuyện leo nóc nhà lợp lại mái ngói, mở xưởng máy gạo, mở quán trò chơi điện tử kinh doanh… trở thành tấm gương cho trai tráng trong làng.  

Hiện tại, công việc ở nhà máy xay gạo của anh Kim với khá nhiều quy trình, một người sáng mắt đã phải rất vất vả để làm. Đối với anh, mọi việc đều rất nhẹ nhàng, nhanh chóng, từng động tác chính xác như một người sáng mắt. Anh không làm rơi vãi cả một hạt gạo của khách ra khỏi bao, khỏi máng xay. Điều ấy làm cho tôi thật sự ngạc nhiên và mến phục anh hơn. Có lẽ, qua rất nhiều lần rèn luyện, thao tác, biết bao mồ hôi đổ ra thì anh mới có thể làm được như thế.

Vừa làm giữa tiếng máy gạo chạy ù ù, anh vừa bảo: “Cũng không có chi giỏi giang đâu. Làm miết rồi quen thôi mà. Tui còn sửa được điện, máy xay xát, mô-tơ kia. Lần đầu loay hoay, bị điện giật miết. Nhưng không nản lòng, vẫn cứ mày mò tìm chỗ hỏng và sửa. Chừ cầm vào những thiết bị, máy móc điện đơn giản, tui sửa được hết. Chỉ còn loay hoay với mấy đồng tiền polymer thôi. Tiền giấy thì tui sờ được, còn tiền polymer thì hơi nhầm”.

Anh bảo, vợ mình hơi ngớ ngẩn, chỉ biết nấu nướng, giặt giũ và làm việc vặt thôi, còn hầu như anh làm tất cả mọi việc trong nhà. Nhưng, anh vẫn bảo như vậy là vui rồi, bởi lẽ, có một gia đình để lo toan, vất vả…  cũng là ước mơ mà nhiều người tìm kiếm cả đời không được...

Ngoài giờ làm việc, anh Kim còn lên mạng “xem” tin tức thời sự cả trong và ngoài nước. Được địa phương cho đi học một lớp tin học ngắn hạn, sẵn chiếc máy vi tính của con trai được học bổng mang về, anh cài phần mềm âm thanh cho phù hợp với mình rồi say sưa với những thông tin mới lạ. Nếu như ngày trước, anh chỉ biết bóng tối và miệt mài làm việc, bây giờ có máy vi tính, có phần mềm âm thanh dành cho người khiếm thị, anh được sống như... “người sáng”.

Chia tay anh Kim và gia đình sau bữa cơm thân mật và những câu chuyện vui mà anh kể, tôi như được anh tiếp thêm nghị lực sống, niềm lạc quan, sự tin yêu trong cuộc sống còn bộn bề này…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày