Phật tử thuần thành
Người nữ doanh nhân ấy sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, từ nhỏ đã mơ ước được khoác trên mình màu áo lam bình dị khi trở thành thiếu nữ. Tiếp cận với giáo lý Phật nhờ sinh hoạt gia đình Phật tử chùa Ấn Quang (Q.10), được quý thầy, cô và các anh chị huynh trưởng hướng dẫn nên dì Năm Nguyệt (người viết bài xin được gọi thân mật như vậy) đã phần nào thẩm thấu được suối nguồn vi diệu của lời Phật dạy. Từ khi hiểu đạo đến nay, người nữ doanh nhân này vẫn lấy luật nhân quả của Phật giáo làm kim chỉ nam, cũng như phương châm sống cho mình. Với quan niệm rất đơn giản, đơn giản như chính những gì đã và đang hiện hữu xung quanh cuộc sống: Ở hiền gặp lành, đã giúp dì Năm Nguyệt tồn tại, thành đạt và sống hạnh phúc cho đến ngày hôm nay.
Ngày ngày vẫn dành một quỹ thời gian nhất định cho việc tu tập, dì Năm Nguyệt lập riêng cho mình một cái cốc nhỏ để sáng chiều có chốn trì danh hiệu Phật. Các con cái của dì cũng vậy, được thừa hưởng từ mẹ tinh thần từ bi của Phật giáo từ nhỏ nên ai nấy đều sống biết yêu thương, chia sẻ và cảm thông với những mảnh đời khó khăn. Từ việc xây cầu, dựng nhà tình thương hay tổ chức lớp học phổ cập cho các em học sinh không có điều kiện đến trường, cả gia đình cũng như nhân viên của Công ty Văn Hóa Việt đều chung tay góp nhặt yêu thương.
Vốn liếng thành công
Để có được vị trí như ngày hôm nay, người phụ nữ này đã phải trải qua những ngày bươn chải trong cuộc sống. Đậu nữ trung học trường công, sau khi kết thúc, vì không có điều kiện để tiếp tục học cao hơn, dì Năm Nguyệt kiếm gì làm nấy để duy trì cuộc sống. Tích cóp được chút vốn, ban đầu chỉ vỏn vẹn trong phạm vi cho thuê xe du lịch. Qua tích lũy kinh nghiệm, cũng như các mối quan hệ, tổ chức cho anh chị em Phật tử đi hành hương… cứ như vậy, tích tiểu thành đại mà đến bây giờ dì Năm Nguyệt đã trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch và Dịch vụ lữ hành Văn Hóa Việt, một nhà tổ chức tour chuyên nghiệp trong nước và quốc tế được nhiều khách hàng tin cậy.
Dì Năm Nguyệt chia sẻ: “Sở dĩ công việc kinh doanh của tôi tồn tại và có được chút thành công như ngày hôm nay là tôi luôn thực hành và sống theo lời Phật dạy. Điều đó đã giúp tôi thuần hóa được tâm hồn cũng như suy nghĩ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thành công hay thất bại tôi đều cố gắng bình tâm, nhẫn nhục, suy nghĩ để tìm ra lối thoát. Không nóng vội, không hời hợt, điều tiên quyết và quan trọng hơn cả là biết giữ lấy chữ tín và sự chân thành trong lĩnh vực kinh doanh”.
Không phải lần đầu tiên tiếp xúc với dì Năm Nguyệt nên tôi đã phần nào hiểu và thán phục cách sống và cách làm việc của người phụ nữ này. Không màu mè trong cách nói chuyện, nghĩ sao nói vậy như sự mộc mạc của chính mình. Thoạt đầu, khi chưa nói chuyện, ít ai biết mình đang tiếp xúc với vị chủ tịch hội đồng thành viên của một công ty với gần 100 nhân viên. Dì Năm Nguyệt bộc bạch: “Với một nhà kinh doanh, thì phương châm hoạt động và cung cách phục vụ sẽ quyết định việc thành công hay thất bại. Tập thể nhân viên của Văn Hóa Việt luôn ý thức được vai trò đó, và nhờ một chút kinh nghiệm và chia sẻ giáo lý của Đức Phật mà tất cả đều dồn hết tâm lực và trí lực của mình. Điều quan trọng nữa là phải có đạo đức của người kinh doanh. Kinh doanh ắt phải có sự cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Cạnh tranh để phục vụ được tốt hơn chứ không cạnh tranh để giẫm đạp lên nhau. Chúng ta đang sống trong một xã hội cùng phát triển, vì vậy cạnh tranh được coi như một sự kết hợp của các doanh nghiệp để vực dậy nền kinh tế nước nhà”.