Chuyện về một Oanh vũ “cồ”

GN - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Phật tử thuần thành, ngay từ những ngày đầu cấp 1, em đã được ba, mẹ đưa đến sinh hoạt trong Gia đình Phật tử Xá Lợi (quận 3, TP.HCM). Dù sinh hoạt trong một môi trường đề cao các giá trị đạo đức, tu học tĩnh lặng nhưng cậu bé này vẫn còn làm nhiều người phiền lòng…

Cho đến khi cậu đến với cuộc thi nghiên cứu khoa học và đoạt giải nhì quốc gia, những hạt giống đã gieo mới thực sự nảy mầm, mở ra một trang mới. Cậu bé đó chính là Dương Anh Thức - PD.Minh Trí, hiện là học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Khai Nguyên.

Từng là một Oanh vũ… không ngoan!

Những ngày mới vào sinh hoạt Gia đình Phật tử, Thức thường không nghe lời và bị anh huynh trưởng phạt… quỳ hương. Đã có lúc, gia đình em thấy phiền các anh chị và có ý định không cho Thức tiếp tục sinh hoạt nữa. Nhưng được sự khuyên nhủ, động viên của huynh trưởng Nguyễn Bình San nên gia đình đã yên tâm và bớt lo lắng hơn.

ANH 2 (2).jpg

Phật tử Minh Trí - Ảnh Nhân vật cung cấp

Đúng như những gì mong đợi, Thức trưởng thành và bớt đi phần ngỗ nghịch như khi còn bé nhưng cái tôi của Thức thì vẫn “cao ngất”. Sinh hoạt ở chùa, Thức có sự tiến bộ hơn so với trước đó nhưng ở cái tuổi “bồng bột”, cậu thường hay đi ngược lại với các quy tắc, quy định của gia đình.

Hành trình lấy lại niềm tin….

Cho đến khi gia đình không còn để ý tới Thức nữa, các anh chị em trong Gia đình Phật tử cũng ít nói chuyện với Thức do nhiều lần Thức nói dối để trốn đi chơi, Thức dần nhận thấy giá trị của bản thân cũng như niềm tin của mọi người dành cho mình không còn như lúc trước. Đỉnh điểm là khi Thức về nhà trao đổi với mọi người về cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà giáo viên phát động.

Tất cả chỉ im lặng và nhìn nhau không mấy tin tưởng, thi thoảng Thức còn nghe được những lời bàn tán từ những người thân trong nhà rằng: “Thằng Thức lại nói dối đi chơi nữa rồi!” hoặc “Học có giỏi giang gì đâu mà nghiên cứu khoa học”… Không những thế, ở trường Thức còn phải chịu áp lực từ thầy cô và bạn bè cũ. Những lời nói và thái độ “hững hờ” của mọi người đã in sâu vào tiềm thức của Thức. Chúng đã khiến cho Thức phải suy nghĩ và cậu tự đặt cho mình một quyết tâm…

Lần đầu tiên Thức đoạt giải là giải nhì về nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp thành phố, đề tài mà Thức nghiên cứu cùng các anh chị khóa trên. Cuối cùng, Thức cũng khiến cho ba, mẹ tin việc Thức tham gia nghiên cứu khoa học là có thật. Nhưng, với sức học chỉ ở mức trung bình khá, Thức không thể khiến cho gia đình có niềm tin vào cậu và việc nghiên cứu khoa học. Đã có những lúc, cậu bị ba mẹ bắt buộc phải dừng lại việc nghiên cứu, tập trung vào việc học nhưng với cái tính “cố chấp”, ương bướng, cậu không dễ dàng từ bỏ.

Biến khuyết điểm thành… ưu điểm

Mãi cho tới đợt nghiên cứu khoa học năm nay, Thức đã tận dụng hết khả năng, tâm huyết, với một phần kiến thức được học hỏi từ thầy cô, anh chị đi trước, nhận ra các ưu và khuyết của kỳ nghiên cứu trước. Thức đã quan sát, đặt ra câu hỏi “vì sao những người trẻ hiện nay lại dễ bị đột quỵ và thường mắc các bệnh thiểu năng tuần hoàn não?”.

Được biết đến cao bạch quả có chứa flavonoid glycoside (chất thường dùng để điều trị một số bệnh như: ung thư, rối loạn trí nhớ, thiếu máu não...) nhưng thường thì thuốc có chất này giá thành lại rất cao. Những lý do đó đã thôi thúc, khiến Thức phải tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn.

ANH 1 (2).jpg

Em Dương Anh Thức đang thí nghiệm - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Cách tách chất Flavonoid Glycoside trong cây bạch quả, bằng phương pháp tổng hợp chất lỏng ion khung choline chloride ứng dụng li trích Flavonoid  Glycoside từ lá cây bạch quả định hướng điều trị bệnh thiếu máu não” là đề tài nghiên cứu khoa học của Thức, có vẻ quá tầm với của cậu bé học sinh lớp 11.

Đến lúc lọt được vào vòng trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, Thức mới thật sự vui mừng. Bởi lẽ, đây là đề tài tâm huyết do cậu cùng bạn Trần Quang Linh (lớp 10, Trường THPT Trần Khai Nguyên) thực hiện. Quá trình nghiên cứu với bao khó khăn nhưng cậu vẫn kiên trì, chăm chỉ, miệt mài và nó đã mang về kết quả tốt nhất, đền bù công sức cho cậu bé “ngông”.

Càng không ngờ hơn với khả năng lập luận - khả năng mà trước đây khiến nhiều người không hài lòng về mình, Thức đã “ẵm” được Giải nhì cấp quốc gia về lĩnh vực hóa học. Niềm vui lớn nhất của Thức chính là “tấm vé thông hành” - được tuyển thẳng vào đại học. Giờ đây, Thức không những lấy lại được niềm tin với ba mẹ mà còn là một tấm gương sáng để các em Oanh vũ trong Gia đình Phật tử học tập.

Với người viết, câu chuyện về cậu học sinh lớp 11 ngỗ nghịch - một Oanh vũ “cồ” đoạt giải cao trong cuộc thi về nghiên cứu khoa học, đã cho thấy, mỗi người có một mục đích khác nhau, có người suốt đời chỉ có một điểm đến, có người thì dừng lại để theo đuổi đam mê riêng, không phải ai cũng như ai. Vì vậy, chúng ta đừng lấy tiêu chuẩn của mình làm thước đo cho người khác. Cũng như câu chuyện của Thức, nếu cậu không có hướng đi riêng mà chỉ nghe theo sự sắp đặt của mọi người thì có lẽ giờ này, cậu không thể vượt qua được giới hạn của chính mình.

Dù đang là học sinh THPT, Phật tử Minh Trí đã ý thức được sự cần thiết của nghiên cứu y khoa phục vụ cho đời sống nên em đã đăng ký hiến xác cho khoa học sau khi qua đời. Hiện tại, Minh Trí đang ấp ủ một đề tài nghiên cứu mới có liên quan đến Phật giáo và mong muốn có nhiều thời gian hơn để đi sinh hoạt GĐPT Xá Lợi, để học hỏi thêm các kiến thức từ các anh huynh trưởng của mình. Em cũng cho biết sẽ phấn đấu trở thành huynh trưởng gương mẫu trong tương lai, có thể tiếp tục nối tiếp “sợi dây kết đoàn”, truyền lại kiến thức mà mình học hỏi được đến với các em Oanh vũ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày