Chuyện về một Phật tử lão thành

GN - Đã lâu rồi, tôi muốn viết về cô nhưng chưa có dịp. Hôm qua, tôi đến thăm vì đã lâu không thấy cô đi chùa. Cô tên là Đoàn Hồng Ngọc, sinh năm 1931, pháp danh Nguyên Tín, quê ở Chợ Búng, phường An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Gia đình cô bao đời đều theo đạo Phật…

Từ nhỏ cô đã theo bà ngoại đi chùa, lớn lên cô lập gia đình. Chẳng may trong số những người con của cô, có đến bốn người không giữ được. Điều này làm cho cô cảm nhận thêm về nỗi vô thường và đau khổ của cuộc đời nên cô đã chính thức quy y và phát nguyện ăn chay cho đến trọn đời. Đến nay, Phật tử Nguyên Tín đã ăn chay được hơn 40 năm.

Hinh XH GN 899.JPG

Phật tử Nguyên Tín

Người bạn đời của cô cũng là một Phật tử thuần thành. Khi thấy con cái đã trưởng thành thì ông mới “xin phép” vợ cho ông đi xuất gia. Mặc dù vẫn còn hai đứa con đang đi học nhưng trước tâm nguyện cầu đạo của người bạn đời, cô đã đồng ý để cho ông đi, coi như sự hy sinh của mình cho đạo pháp. Cô nói với ông rằng: “Ông đã muốn đi tu thì cố gắng mà tu cho tốt, để không uổng sự hy sinh của tôi”.

“Hoàn cảnh của cô cũng giống Da Du Đà La dữ à”, tôi nói đùa. Cô cười tươi:“Được vậy cũng mừng à, hé thầy”. Ông xuất gia ở Thường Chiếu, pháp danh là Kiến Hiệu. Khi ông bịnh sắp qua đời, cô đã tận tình chăm sóc và nói rằng: “Duyên nợ phu thê kiếp này thôi nhe, kiếp sau có gặp thì làm pháp lữ tu hành”. Ông đi rồi, một mình cô nuôi hai đứa con còn lại ăn học đến nơi đến chốn. Điều đặc biệt là tất cả các người con của cô đều theo ngành y, dù là Đông y hay Tây y, để có thể giúp đời cứu người.

Phật tử Nguyên Tín cũng luôn căn dặn con phải lấy mục tiêu giúp người là chính, chứ đừng có vì tiền mà đánh mất lương tâm nghề nghiệp. Cô cũng hướng dẫn các người con đi theo con đường tâm linh. Mặc dù có người chưa quy y Tam bảo nhưng đều tin tưởng Phật pháp và biết đi chùa, lễ Phật, nghe pháp. Bản thân cô hễ nghe đâu có cao tăng thạc đức quang lâm là tìm đến đảnh lễ. Những vị Hòa thượng lớn như HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Thanh Từ… cô đều đến tham bái và đảnh lễ.

Là một Phật tử thuần thành, cô rất thấm nhuần lời dạy của Đức Phật về đức tính nhẫn nhục, từ bi, hỷ xả… Cô kể, hồi đó đối diện nhà của cô có một người rất hung dữ, hay chửi bới người khác, cô cũng là một trong những nạn nhân của người đó. Tuy nhiên mỗi lần người đó chửi, cô không chửi lại mà còn bắc ghế ngồi nghe, và đem nước cho người đó uống. Dần dần, cô cảm hóa được người đó và làm cho người đó hiểu đạo. Hàng xóm xung quanh đều được cô cảm hóa và đến với đạo Phật.

Mặc dù cô chỉ là một cư sĩ tại gia nhưng cái tâm và hạnh chẳng khác gì người xuất gia. Cô kể, gần nhà cô, có ngôi chùa theo Phật giáo Cổ sơn môn (tu mà vẫn có gia đình), cô vẫn thường lui tới công quả. Bữa nọ có phái đoàn Phật tử ở thành phố hành hương đến chùa, trong khi bên ngoài chùa đang phơi đầy đồ của em bé. Thấy vậy, cô liền chạy ra lấy đồ vô cất. “Mình hiểu chứ có người đâu hiểu, phải không thầy”, cô nói. Phật tử Nguyên Tín sợ vị thầy đó và Phật pháp nói chung bị mang tiếng.

Vào những năm 1980, Phật giáo nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng chưa phát triển. Nhìn thấy Phật giáo tỉnh nhà thiếu người đủ trình độ hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử tu tập nên Phật tử Nguyên Tín đã thuyết phục và lo cho hai vị Tăng đến với thiền viện của HT.Thích Thanh Từ học đạo để trở về hoằng dương Phật pháp.

Khi thầy C.M về trụ trì một ngôi chùa ở Chợ Búng, thấy thầy bịnh hoài, cô đã phát nguyện bịnh thay để thầy được khỏe mạnh mà lo cho ngôi Tam bảo, Phật pháp nơi đó. Cô còn hỗ trợ hết lòng cho các vị Tăng trẻ có điều kiện học hành. Và, tôi là một trong những Tăng sinh như vậy. Tuy sự ủng hộ của cô không nhiều, vì đã lớn tuổi, sống nhờ vào con cháu nhưng tấm lòng đó thật đáng trân trọng.

Hiện giờ Phật tử Nguyên Tín rất ít đi chùa và làm các Phật sự nhưng quý thầy cô và các Phật tử đều rất kính trọng. Ở đâu có sự hiện diện của cô là ở đó mọi người cảm thấy hoan hỷ và như được tiếp thêm sức mạnh, vững niềm tin tu tập.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày