Chuyện về một “Vị Ni ”

Cô Hương trong những phút thảnh thơi, trở về với sự nghiệp của mình
Cô Hương trong những phút thảnh thơi, trở về với sự nghiệp của mình
Việc bà Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1961) đang là vị Ni của Chùa Từ Hạnh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bỗng dưng… xin thầy trụ trì cho về với gia đình khiến không ít người hoài nghi, thắc mắc. Thế nhưng, đó là chuyện của gần 20 năm trước. Còn bây giờ, những việc cô Hương làm ai ai cũng hiểu và càng cảm phục hơn tấm lòng của một “người tu” hiếu hạnh

Phép tính cho gia đình

Vốn là chị cả trong gia đình, từ nhỏ, cô  Hương đã xác định sự nghiệp của mình chính là con đường tu hạnh. Thế rồi vào chùa sống chưa được bao lâu, bà hay tin hạnh phúc của hai người em trai cùng đổ vỡ, mỗi người lại sớm xây dựng cho mình một mái ấm khác. Do vậy, bốn cô con gái của hai người em này sớm rơi vào tình cảnh nheo nhóc, không biết nương tựa vào đâu. Thương ba mẹ già yếu không thể làm điểm tựa cho các cháu, cô  Hương quyết định xin nhà chùa về nuôi dạy, chăm lo cho bốn cô cháu này. Bà chia sẻ: “Nhìn các cháu rơi vào hoàn cảnh thiếu ăn thất học, tôi nhận ra sự hiếu đạo của mình với gia đình vẫn chưa được trọn vẹn. Vì vậy, lòng tôi không thể thanh thản để lo cho sự nghiệp tu hành của riêng mình”.

Rời bỏ chốn yên tịnh để về làm “mẹ” - trụ cột của gia đình với những lo toan cơm áo gạo tiền là cả một chặng đường khốn khó đối với người tu hành. Tiền không có, bốn cô cháu lại quá nhỏ, lớn nhất cũng chỉ mới được 5 tuổi nên cô  Hương không thể bỏ đi tìm việc làm. Để trang trải, ngoài việc làm vàng mã kiếm sống, mỗi cuối ngày, bà Hương tranh thủ ra các chợ đầu mối nhặt nhạnh từng mớ rau, củ quả người ta bỏ đi để mang về làm thức ăn. cô Hương nhớ lại: “Vì là người tu hành nên tôi chỉ nấu được món ăn chay, thời gian đầu các cháu không quen với món chay nên ngày càng ốm yếu, suy dinh dưỡng. Sau đó tôi phải đi “gõ cửa”, nhờ đến sự giúp đỡ của làng xóm, xin thức ăn mặn về nuôi các cháu”. Còn chuyện học hành của bốn cô gái, cô  Hương kể vui: “Ban đầu không có tiền đi học, tôi vừa làm mẹ vừa kiêm luôn chức giáo viên. Từ nhỏ tôi dạy cách đánh vần a, bê, xê (c) cho các cháu nên khi đến trường, thấy cô giáo dạy a, bờ, cờ chúng ngơ ngác lắm. Vậy nên, khi từng đứa vào trường nhập học, tôi phải đi theo để xin cô giáo rộng thoáng, bỏ lỗi cho các cháu nếu chúng có quen đọc chính tả theo cách của tôi”…

Về với cuộc sống thường ngày và giải bài toán cho gia đình, cho các cháu nhưng bản thân cô Hương chưa một lần quên đi sự nghiệp cũng như con đường tu hành mình đã chọn. Gần 20 năm qua, trong căn nhà nhỏ nằm cuối con hẻm 687 đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM luôn có một góc riêng tư, thanh tịnh để mỗi ngày bà Hương gói mình trong kinh Phật, trút bỏ bụi đời để trở thành “người tu”.

Trọn vẹn với tổ tiên

Luôn tâm niệm phải dạy dỗ để các cháu không vì hai chữ “hoàn cảnh” xô đẩy mà trở nên hư hỏng, thất học, trong khi đó, sự nghiệp tu hành của mình có… dài thêm một chặng, chênh vênh thêm một quãng thì bà Hương cũng thấy nhẹ nhàng, coi như mình đã trọn lòng với ông bà, cha mẹ. Đáp lại tấm lòng này, từ nhỏ, bốn cô gái Thiên Thảo (SN 1987), Thiên Thuận (SN 1988), Thiên Trang (SN 1989) và Thiên Thanh (SN 1991) đã cố gắng học tập, luôn phấn đấu trở thành những học sinh khá giỏi. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, thời đi học, phải thay phiên nhau từ cây bút chì đến chiếc áo, đôi dép nhưng bốn chị em vẫn không quên xác định, chỉ có con đường học tập mới giúp các em nên người và phần nào đáp trả được công ơn cao cả của người cô. Tháng 7 vừa qua, Thiên Thuận tốt nghiệp với xếp hạng khá ngành ngoại thương Trường Đại học Kinh tế. Hiện tại, em là nhân viên thử việc cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (quận Tân Bình). Còn Thảo, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp thư ký y khoa Trường Đại học Hoa Sen cũng đang làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Chỉ còn hai cô gái Trang, Thanh vẫn đang là sinh viên của Trường Đại học Hoa Sen và Cao đẳng Kinh tế đối ngoại. Khi được hỏi đến ước mơ và hướng phấn đấu của mình, các em cho biết sẽ cố gắng ra trường đi làm, dành dụm tiền… trả nợ vì cùng một lúc lo cho bốn chị em ăn học, cô Hương đã phải chạy đôn đáo để vay mượn, trang trải học phí. “Và sửa nhà cho cô Hương ở nữa chứ!”, chúng tôi buột miệng khi nhìn lướt căn nhà đã quá cũ kỹ, dột nát và không có một vật gì quý giá. Nhưng cả bốn cô gái đều im lặng. Bà Hương cho hay: “Đợi hai đứa nữa ra trường, trả xong nợ rồi tôi trở lại hẳn với con đường tu hành. Tôi sẽ vào chùa sống và làm tiếp những việc mà 20 năm qua còn gác lại”.

Đã theo nghiệp tu hành thì ai cũng muốn có một nơi yên tịnh, không vướng víu bụi trần để sống cho trọn đạo. Nhưng hoàn cảnh chạy ăn từng bữa và sống giữa cuộc đời với đủ cung bậc hỷ, nộ, ái, ố thì lòng mình phải càng tịnh, phải phân định rạch ròi. Gần 20 năm qua, đôi lần tôi cũng cảm thấy không vui bởi một số hành động không đúng của các cháu nhưng rồi kịp trấn tĩnh, các cháu không phải là “người tu” nên tôi không thể áp dụng tư tưởng, suy nghĩ của người tu hành lên các cháu”, bà Hương chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày