GN - 1. Hai nhỏ lượm liên phanh, bỏ lia lịa vào túi rồi phụt ra đường thở dốc. Chúng thở xì xì như cái bong bóng căng phồng vừa bị chiếc đinh to chọc thủng.
Chỉ là nhặt lén mấy vỏ lon mà cảm giác như vừa phá được trái bom nổ chậm, mừng như lượm được lon vàng. Khổ vậy á! Đồ nhôm nhựa nhưng không dễ ăn đâu. Bà chủ quán nhậu này khó trùm. Đừng hòng “tắt nháy” với bả. Nhà cao, ngước nhìn thiếu điều gãy cổ, quán xá khách ra vô tấp nập, làm ăn phát tài cỡ đấy mà có mấy vỏ lon tem tẻm cũng khó khăn, không để rớt lon nào. Thằng An nhiều lần phẫn chí, ngoẻo cổ nhìn về phía quán nhậu, nhìn căn nhà uy nghi như biệt thự của bà rồi hếch răng thách thức: đợi đấy, mai mốt ông giàu, ông cất một ngôi nhà hoành tráng, kéo hết mấy nhỏ lang thang cơ nhỡ về ở, thử coi vỏ lon ai thèm lượm nữa mà giành...
"Cô... Bụt" và quà - Ảnh minh họa
Lao động nào chẳng đổ mồ hôi. Hai đứa nhỏ không nản, dắt nhau đi tiếp. Lê la tới trưa, hai cái túi to vật vã cũng thút mút. Khởi đầu khó khăn nhưng vẫn là một ngày trúng mánh. Con Hương, thằng An khệ nệ đem chiến lợi phẩm về, hí hửng định rủ mấy đứa đi ăn bún mắm. Chết thật, trưa trật trưa trề nhưng không thấy bóng dáng một đứa nào. Hai nhỏ ngồi thở xì. Lo lắng.
Tụi nó không bà con thân thích nhưng thương nhau như người cùng nhà vậy. Mà cùng nhà thiệt. Tụi nó hùn hạp, thuê căn phòng tẹp nhẹp, chui rúc chung ổ nên thương nhau như anh em vậy. Chắc tại đồng cảnh nên dễ đồng cảm. Chủ trương này là của Nhã, cô bé mười lăm tuổi, là “chị Hai” của gia đình côi cút.
Căn phòng đặc biệt cưu mang những đứa trẻ đặc biệt. Mỗi đứa một hoàn cảnh: đứa mồ côi từ hồi mới lọt lòng, đứa ở với bố mẹ nuôi cay nghiệt, được/bị đối xử như cục nợ rồi phẫn chí bỏ nhà đi bụi, đứa bị mẹ bỏ. Mỗi đứa một việc: xin ăn, đánh giày, bán vé số, nhặt ve chai, xách nước cho mấy bác bán đồ ăn nhanh trong chợ, rửa chén,... Bọn nhỏ chưa từng đến trường - nếu đến cũng là những lần lê la trước cổng trường trong bộ dạng nhếch nhác, có đứa bật khóc khi bị các bạn cùng lứa đứng bên trong cổng trường trêu chọc. Ở cái tuổi phải được học những câu chuyện cổ tích, phải được nhận những món quà yêu thương của cô Tiên, ông Bụt thì lũ nhỏ chỉ toàn gặp “phù thủy”.
Nhã kể, trước kia bé Hương đi bán vé số. Hôm đó em đến một quán cơm gần bến xe, hy vọng bán được ít vé cho khách vãng lai. Bà chủ quán người cao lớn đẫy đà; thấy em đứng mệt lả, thèm thuồng nhìn mấy đĩa cơm bày trước mắt. Bà kêu ngồi vô chiếc bàn trống rồi lấy một đĩa cơm bỏ trước mặt hối ăn. Em mừng như người sắp chết đói được mời đến bữa đại tiệc. Ăn no, mệt, gió nồm thổi hiu hiu mát rượi nên gục mặt lên bàn ngủ luôn. Tỉnh dậy hoảng hốt vì trong túi chẳng còn một xu, tập vé số cũng bốc hơi luôn. Cu An có may mắn gì hơn, nó cũng mới đổi nghề. Trước kia đi “diễn” cho một ông chủ ăn mày. Sáng dậy, đầu tóc rối bờm, mặt mày lem luốc cầm tay dắt một ông lão lếch thếch đi ăn xin. Lão bị mù, bẩn thỉu. Mà lão chỉ mù, chỉ dơ vào ban ngày thôi. Buổi tối lão tráng khí như thanh niên, ngồi đếm tiền, mắt sáng hơn pin, áo quần bảnh bao. Cu An dẫn đường, “diễn” rất đạt nhưng cũng chẳng được “cát-xê” là bao. Có khi còn bị ổng nện te be. Khi Nhã giúp nó nhận ra nó là công cụ kiếm sống của lão ta, nó liền bỏ “nghề”.
Nhã rủ tụi nó về chỗ của mình, cùng nương nhau mà sống.
2. Thu là cô sinh viên tỉnh lẻ lên phố trọ học. Tuổi thơ cô cũng khá vất vả. Từ nhỏ đã biết phụ gia đình kiếm cơm.
- Nhưng cũng chỉ là chăn bò, cắt cỏ chứ không đến nỗi lê lết đến rạc chân như mấy nhỏ - cô nói chuyện với Nhã.
- Ngày đó, Thu khổ sở khi thấy bạn bè đi học thơm tho, có tiền ăn vặt. Buồn quá cỡ cái thân nghèo. Chỉ mong sao có phép mầu để có bộ váy áo, có đôi hài đẹp. Thảm hơn, có khi còn mong một ông nhà giàu nào đó nhận làm con nuôi.
- Những đứa trẻ này không biết quần áo mới đâu. Đồ chúng mặc là đồ mình xin được.
- Giờ nhìn mấy nhỏ, mới thấy tuổi thơ mình hạnh phúc. Hồi đó ngu lắm, cứ nghĩ mình là đứa trẻ thê thảm nhất hành tinh. Mùa đông, mấy bạn cùng lớp đều có áo ấm xinh đẹp. Còn mình, má tháo áo len cũ, mót cả những khúc len thừa mà chị hàng xóm bỏ ra để đan áo ấm cho. Áo ấm đủ màu, mấy bạn thấy rằn ri cứ kêu con cọp cái. Có nhiêu vậy mà hậm hực với má…
- Những đứa trẻ được mẹ may áo cho là những đứa trẻ hạnh phúc, Nhã nói.
- Hồi đó mình chưa nghĩ được như vậy. Hy vọng hoàn cảnh thiệt thòi sẽ giúp sự trưởng thành của mấy nhỏ bước nhanh hơn - như Nhã chẳng hạn.
- Hồi mới lâm cảnh côi cút, phải bỏ học giữa chừng, đau thương vật vã, cũng muốn tới sông cắm đầu cho chết. Nhưng phải thực sự cảm ơn câu nói mà mình đã đọc được trên một tờ lịch cũ “Tôi đã khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Đó là câu nói đã thay đổi mình.
- Vậy mình cũng sẽ thay đổi!
3. Đầu hôm, Thu tập trung các em lại, phát mỗi đứa một quyển vở, cây bút chì. (Khi có âm mưu sẽ thực hiện chương trình này, Thu cắt suất ăn sáng và tăng cường học hành với hy vọng sẽ lấy học bổng hạng cao để trang trải). Thu tập các em làm quen với con chữ, giúp các em cầm bút, vẽ nét. Cô sinh viên cầm bàn tay các em nhỏ, rèn từng nét thẳng nét nghiêng. Nhìn cung cách làm việc của Thu, thấy thương lắm. Mọi cử chỉ, ánh nhìn, lời nói đều dịu dàng, bao dung như một người mẹ trẻ.
Trong những buổi học, Thu đều không quên dành thời gian để kể những câu chuyện về cô Tiên, ông Bụt, về chiếc nhẫn thần kỳ, cây bút thần, cây đèn thần, những điều ước…
Thằng An hỏi:
- Sao lại gọi cô Tiên, ông Bụt mà không gọi cô Bụt, ông Tiên?
Con Hương khen câu hỏi thông minh rồi trả lời:
- Người ta bảo “đẹp như tiên” nên “tiên” phải đi với “cô”. “Cô” mới đẹp chứ “ông” thì không cần đẹp, “ông” chỉ cần tốt bụng là được. Thế nên mới có cô Tiên, ông Bụt.
- Nếu kể lại cổ tích, tao sẽ kể “cô… Bụt”.
- Này, nếu được gặp “cô Bụt”, mày ước gì?
- Được gặp mẹ.
Thằng An vừa dứt lời thì bé Hương mếu xệu, không kịp bụm miệng, đứng hu hu khóc.
- Mình không ước gặp mẹ.
- Vì sao?
- Vì chỉ lên thiên đường mới được gặp mẹ. Mình ước “cô Bụt” cho một bộ đồ, một đôi hài đẹp như của chị Tấm.
Thằng An thấy bạn buồn nên xuống nước:
- Vậy thôi, mình cũng ước được đôi giày đá bóng để cao lớn như Thánh Gióng rồi gặp mẹ sau.
4. Sáng hôm ấy, cũng như những buổi sáng khác, Hương dậy sớm, đi thẳng tới góc phòng lấy “chiếc bao thần kỳ”. (Biết chuyện cổ tích rồi, em gọi cái túi đựng đồ nhôm nhựa theo cách gọi cổ tích). Chiếc bao xếp gọn gàng bên góc phòng qua một đêm bỗng biến thành tấm lót đặt hộp… quà. Hộp màu hồng, xếp vuông vức, cũng đính nơ hồng. Mở hộp ra. Em ngỡ ngàng vì trước mắt hiện ra bộ đầm trắng viền đăng ten hồng cùng lớp voan mỏng bồng bềnh. Và còn một đôi giày xinh xắn có chiếc nơ đằng mũi nữa. Cả hai giống hệt như món quà trong giấc mơ. Em ôm cả hai vào ngực, mở miệng cười rồi hớn hở, reo to:
- An ơi, mình có quà của “cô Bụt” rồi nè...
Thằng An đang ngơ ngác vì đôi giày thể thao mơ ước cũng được em lấy ra từ chiếc bao của mình. Mới toanh. Vừa như in.
- Sao “cô Bụt” lại biết cỡ chân của mình??
- Vậy mới là... Bụt.
Không tin là sự thật, thằng An la to:
- Nhưng chị Nhã, chị Thu ơi, tụi em làm gì mà Bụt tặng quà? Tụi em đâu có khóc?
- Vì hai em học giỏi và chăm chỉ. Các bạn khác, nếu cũng đủ hai điều kiện đó, Bụt cũng sẽ gửi quà.
- Vui ơi vui… - hai nhỏ cầm tay nhảy nhót - các bạn cũng ráng học hành nghen, chị Thu mà khen giỏi thì “cô Bụt” sẽ nghe thấy, sẽ biết các bạn cần gì, sẽ gửi quà như tụi mình.
Tất cả đều cười vang. Nhã kêu chè đậu đen đã múc ra bát hết rồi, vào ăn nhanh kẻo tan đá. Buổi tối hôm đó thật rộn ràng, ấm áp.
(Nói nhỏ nghe: Để có được hai món quà đó, Thu đã lấy hết tháng lương phụ việc ở quán ăn để mua. Bạn đừng tiết lộ bí mật này nhé, cứ để mấy nhỏ tin có “cô Bụt” trên đời mà ráng học để được nhận quà).