Cô chủ lớn lên từ quán cóc

17 năm trước Diệp đã làm chủ, nhưng là chủ của quán cà phê vỉa hè bé tí ti, doanh thu 24.000-28.000 đồng/ngày. 17 năm sau, Diệp đã là chủ của năm công ty ăn nên làm ra. Tất cả khởi đầu bằng cái sạp bán lẻ.
Cô chủ lớn lên từ quán cóc ảnh 1

Diệp (giữa) cùng nhân viên của Việt Chay chuẩn bị phục vụ thực khách - Ảnh nhân vật cung cấp

Nghe tên Huỳnh Long Ngọc Diệp rồi lại nghe từng là “sếp” của Công ty Huỳnh Long. Giờ lại nghe đâu đã ra riêng, cũng tiếp tục làm sếp, tôi cứ ngỡ chị là con gái cưng của một đại gia.

Từ cà phê vỉa hè

Rớt đại học. Diệp biết mình đã đặt dấu chấm hết cho ước mơ làm cô giáo. Nhà khó khăn, ôn lại, thi lại là điều không dễ. Diệp bàn với cha mở một quán cà phê nhỏ ngay tại nhà ở Củ Chi, phục vụ mấy chú xe ôm, mấy chú chở vợ đi chợ khi trời còn chưa tỏ. “Ngày kiếm 24.000 đồng, ngày kiếm 28.000 đồng… Doanh thu chỉ mấy chục ngàn mỗi ngày Diệp đều tính toán mua bao nhiêu đường, cà phê”, Ngọc Diệp nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp.

Chuyện học vẫn canh cánh trong lòng nên cứ rảnh là cô lấy bộ đề thi ra giải. Một người khách đến quán bảo “sao không đi học ngoại ngữ, đang thời kỳ mở cửa có ngoại ngữ là có thêm cánh tay đắc lực”, Diệp bắt đầu ôm từ điển và học. Xin má cho đi học tiếng Anh. “Lấy tiền đâu mà đi hả con?”, má Diệp buồn hiu hỏi dù thương cô con gái đầu vất vả, từ tuổi lên 8 đã phải đi lượm ve chai, chăn bò, cắt cỏ, lượm củi… làm đủ thứ việc phụ ba má lo cho bốn đứa em.

Má khóc, gom mấy bộ quần áo đi bán được 70.000 đồng để Diệp lên TP.HCM học. Diệp đăng ký học bằng A tiếng Anh ở ĐH Tổng hợp. Diệp ở nhà người quen vừa phụ việc nhà vừa đi học. Một năm sau cô lấy bằng A. Quay về Củ Chi, Diệp dẫn du khách... chui địa đạo. Được hơn sáu tháng, Diệp... ngán việc mỗi ngày “nói hoài một câu” nên quay lại nội thành.

Thi đậu bằng B, Diệp thi tiếp vô hệ ĐH mở rộng của ĐH Tổng hợp. Thư ký, markerting, nhân viên, kế toán, dạy ngoại ngữ, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài… suốt bốn, năm năm làm sinh viên Diệp kiêm đủ thứ công việc để trang trải học phí, tích lũy kinh nghiệm. Rồi Diệp còn đi học thêm tiếng Hoa.

Lúc tốt nghiệp Diệp đang là thư ký tổng giám đốc Công ty Thủy Tinh. Một người bạn khuyên Diệp nên thử sức mở công ty. “Nghe cũng ham lắm nhưng lấy vốn đâu ra, tiền để dành chỉ có mấy chục triệu đồng…”, Diệp nhớ lại.

Kết quả là liều đi vay nóng 40 triệu đồng, mỗi ngày chạy 400.000 trả góp cả gốc và lãi. “Cá hộp, vải, nước đóng lon… cái gì Diệp cũng bán. Nói là doanh nghiệp nhưng chẳng khác nào Diệp bê một cái sạp từ chợ vô nhà để buôn bán”, cô chủ trẻ nhớ lại ngày mình bắt tay khởi nghiệp.

Giám đốc “5 trong 1”

“Đi làm thư ký yên ổn lĩnh tiền mỗi tháng không chịu, lại ra đường bon chen”, mấy tháng đầu làm ăn Diệp rút ra một câu đau lòng. Hàng Diệp bán mua từ chợ, đầu vô mua đắt, đầu ra thì… ngồi chờ thời. Vốn thì vay, thị trường cũng không, chẳng ai biết Diệp là ai, chỉ là “một đứa con nít 24 tuổi đầu tập tành bán hàng”.

Muốn lợi nhuận nhiều phải lấy tận gốc, bỏ sỉ lại cho các cửa hàng và bài toán ngược được đặt ra. Cái khó ló cái khôn. Nhờ một người bạn Hàn Quốc đã từng theo học tiếng Việt với Diệp, cô lặn lội qua đến tận Busan (Hàn Quốc) để mua vải tận gốc, rồi cũng nhờ một người bạn Singapore, Diệp làm bao bì… Ròng rã bốn năm tìm thị trường, năm 2000 Diệp đã có căn nhà đầu tiên. Ba công ty song song hoạt động.

Sau 10 năm kinh doanh, Diệp có thể tự tin với thương hiệu của chính mình. Cứ tưởng công việc của Diệp như một đoàn tàu, đường ray cũng đã xây xong, lộ trình sẵn có, hành khách thì không phải lo, cứ thế mà chạy. Ai dè năm 2007 Diệp nhường lại hết ba công ty cho em trai quản lý, mình làm cố vấn chiến lược. Cả dòng họ ai cũng giật mình, bao nhiêu cực khổ mới có ngày hôm nay vậy mà đùng một cái tuyên bố “con làm cái khác”.

Mấy năm nay cứ vài tuần là Diệp rủ bạn bè đến những vùng quê khó khăn để tặng bịch gạo, chai dầu ăn, thùng mì gói, tặng những em nhỏ cặp sách, tập vở, đồng phục… “Làm từ thiện gần như trở thành một công việc quen thuộc mà thiếu là không được. Khổ nỗi nguồn tài trợ cho từ thiện lúc có lúc không, phải mạnh dạn kinh doanh tiếp để khi không xin được tài trợ mình vẫn có nguồn để tổ chức những chuyến từ thiện”, Diệp cho biết.

Sẵn trong đầu đang manh nha xây dựng một siêu thị Phật giáo, nơi cung cấp tất tật những thứ mà các phật tử cần, trong đó có cả nhà hàng chay, thực khách có thể vừa nghe kinh vừa thiền... Diệp bắt tay tìm mặt bằng, huấn luyện đầu bếp, lên thực đơn. Ròng rã hơn ba tháng thì nhà hàng Việt Chay ra đời. Công việc lại tất bật thêm.

“Diệp đang ở Tứ Đại Phật Sơn, 3g sáng 19-9 về đó”, “Đang ở Tây Tạng rồi, 18 ngày nữa mới về…”… Chưa hết, Diệp còn đứng ra tổ chức những chuyến đi mà điểm đến là những nơi nằm trên dãy Himalaya như Tây Tạng, Ấn Độ, Bhutan… cô chẳng khác nào con thoi thoắt đi thoắt về.

Ngày ngày Diệp vẫn tất bật với đủ thứ công việc, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cô chịu nghỉ. Vừa về 3g hôm trước thì 5g sáng hôm sau đã thấy Diệp tất tả sắp xếp gạo, bánh đi làm từ thiện. Vừa xuống xe lúc 7g tối thì 1g khuya Diệp đã ở sân bay chuẩn bị cho những chuyến đi của mình.

Huỳnh Long Ngọc Diệp trong một lần làm từ thiện, trao quà cho các bé - Ảnh: Vi Thảo
Huỳnh Long Ngọc Diệp trong một lần làm từ thiện, trao quà cho các bé - Ảnh: Vi Thảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày