Có một làng nghề điêu khắc đá ở Thủ đô

Từ trung tâm Thủ đô Hà Nội đi theo đường Nguyễn Trãi-quốc lộ 6A khoảng chừng 17 km, du khách đã đến với chùa Trầm linh thiêng, cổ kính. Ngay sát bên chùa Trầm là làng Long Châu Miếu (Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội) nổi tiếng với nghề chạm khắc đá…  

Thăng trầm làng nghề

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Củng (74 tuổi), thì không ai trong làng còn nhớ được chính xác thời điểm xuất hiện nghề chạm khắc đá ở Long Châu Miếu. Ông chỉ biết, thời cha ông là cụ Nguyễn Văn Diên đã có nghề này rồi. Tuy nhiên, có lúc nghề chạm khắc đá ở quê ông tưởng như không trụ vững được và có nguy cơ thất truyền, nhất là trong những năm bao cấp. Lúc đó, trong ông luôn trăn trở làm thế nào để giữ lấy nghề truyền thống của quê mình? Thế rồi, ông vận động, thuyết phục con cháu trong nhà, rồi đến các thanh niên trong làng, trong xóm hãy giữ lấy nghề của cha ông… Nói đi đôi với làm! Một mặt, ông Củng mở lớp dạy chạm khắc đá không thu phí. Mặt khác, ông lăn lộn đi mua nguyên liệu, tìm kiếm việc làm cho thợ…

Có một làng nghề điêu khắc đá ở Thủ đô ảnh 1

Đến với làng Long Châu Miếu hôm nay, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhộn nhịp tại các xưởng chạm khắc đá

 Cùng với thời gian, tâm huyết của ông Củng cũng được đền đáp, bởi nghề chạm khắc đá quê ông dần được hồi sinh và trong những năm gần đây, nó đã phát triển mạnh mẽ, với chục xưởng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho cả trăm lao động có mức thu nhập ổn định, bình quân đạt 2-4 triệu đồng/người/tháng.

Cũng như các làng nghề chạm khắc đá trên cả nước, cùng với sự phát triển của xã hội, từ một vài mẫu sản phẩm truyền thống trước đây, đến nay người thợ đá Phụng Châu có thể cho ra đời rất nhiều sản phẩm khác nhau trên nguyên liệu đá. Từ thể loại tượng thờ, như: Phật Bà Quan âm, La hán, ông Địa, ngựa, voi, rùa đội bia...; cho đến các loại tượng dùng để trưng bày sân vườn hoặc trang trí nội thất với hàng trăm phong cách, khối lượng khác nhau, như: tượng nàng Tiên Cá; sử tử dũng mãnh dựng bờm, vươn vai; hay tượng bé trai bụ bẫm, trắng trẻo với nét cười thơ ngây, tinh nghịch; rồi là những bức phù điêu, câu đối… Bất kỳ loại sản phẩm nào, người thợ đá Phụng Châu đều phải thực hiện các khâu, gồm: chọn thể loại, khối lượng đá phù hợp, đục thô, đục chi tiết và chạm tinh hoàn thiện.

Nguồn cung cấp nguyên liệu cho làng nghề chạm khắc đá ở Phụng Châu chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố, như: Thanh Hoá, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng… Khi có đơn đặt hàng, tùy theo kích cỡ, các chủ doanh nghiệp, chủ xưởng sản xuất ở Phụng Châu sẽ báo đến nơi cung cấp nguyên liệu để cắt phôi theo nhu cầu sử dụng của mình.

Sau khi đã có phôi đá phù hợp, tuỳ theo từng mẫu được yêu cầu, người thợ đá sẽ sáng tác tác phẩm bằng những nét vẽ trên phiến đá bằng bút sáp. Trên cơ sở đó, mới tiến hành tạo sản phẩm, với các công đoạn từ đục thô (hay còn gọi là phá phôi), cho đến đục theo từng chi tiết... và cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm. Trong các công đoạn đó, công đoạn đục tinh vô cùng quan trọng nên chỉ những người có tay nghề cao, nét chạm đục tinh xảo và rất cẩn trọng mới được giao làm. Hiện nay, hầu hết các công đoạn chạm khắc một sản phẩm trên đá ở Long Châu Miếu đã được cơ giới hóa với các loại máy móc hiện đại, như máy cắt, máy đục, không còn thuần túy làm thủ công như xưa. Tuy vậy, không vì thế mà làm giảm đị độ tinh xảo, sắc cạnh trong những đường nét chạm khắc tác phẩm. Nhờ giữ được chữ tín, cũng như sự tài hoa của người thợ Long Châu Miếu với nét chạm khắc tinh xảo trên từng sản phẩm mà khách hàng khắp các tỉnh, thành ở miền Bắc đã tìm đến đây để đặt hàng. Do đó, các xưởng sản xuất tại đây quanh năm nhộn nhịp với công việc; quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng.

Một ý tưởng hay

Hiện nay, trong số 10 xưởng chạm khắc đá tại làng Long Châu Miếu có 3 xưởng của các con trai ông Nguyễn Văn Củng. Trong số đó, anh Nguyễn Văn Trường là con út của ông, vừa được thừa hưởng sự khéo léo của cha, vừa được đào tạo cơ bản nhất so với các anh em trong gia đình. Tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội, rồi sau 4 năm phụ trách thiết kế mẫu mã sản phẩm tại xưởng của người anh ruột, anh Nguyễn Văn Trường cũng tự mình đứng ra mở xưởng chạm khắc đá, mà theo anh tâm sự là để thỏa chí với những ý tưởng sáng tạo các mẫu mã sản phẩm mới của mình.

Có một làng nghề điêu khắc đá ở Thủ đô ảnh 2

Ngày nay, các sản phẩm điêu khắc đá ở làng Long Châu Miếu rất đa dạng về mẫu mã và kích cỡ

Thừa hưởng sự nhiệt huyết từ người cha, anh Trường cũng đang nung nấu ý tưởng sáng tác và hoàn thành 1.000 tác phẩm với đa dạng kích cỡ, mẫu mã trên nguyên liệu đá để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Anh Trường cho biết: “Nhưng cái khó nhất hiện nay của tôi không phải là nhân lực, hay ý tưởng sáng tác mà là nguồn vốn đầu tư”. Theo anh Trường, để thuận lợi trong giao dịch công việc anh đã thành lập công ty. Thế nhưng dù mang cả "sổ đỏ" đi thế chấp để vay vốn ngân hàng, nhưng vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn. “Trong khi, quỹ thời gian thì không còn dài nữa” - Anh Trường tâm sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày