Cổ tự nghìn năm sắp thành… đống gạch vụn

Chùa Vĩnh Thái (xã Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên) có từ triều nhà Lý, được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1999. Nhưng ngôi chùa cổ kính, đậm tính văn hoá vùng đồng bằng sông Hồng này đang đứng trước nguy cơ trở thành… đống gạch vụn.

Nghìn năm giữ một nét đời

Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1 ha giữa một làng quê trù phú, chùa Vĩnh Thái thấp thoáng ẩn hiện trong những bóng cây nhãn, sấu cổ thụ, toát lên một vẻ đẹp uy nghi cổ kính. Hàng chục cây sấu cao lớn tỏa bóng xanh mát bao bọc lấy chùa. Có nhiều cây dễ đến hai người ôm không xuể. Những khoảng đất không trồng cây lâu năm đều được nhà chùa tận dụng trồng kín các cây thuốc nam để cung cấp cho nhân dân quanh vùng chữa bệnh khi cần.

Đại đức Thích Minh Quyết, trụ trì chùa Vĩnh Thái cho biết: “Theo các văn bia, văn chuông, tượng phật và các khảo cứu của các nhà Hán nôm, Sử học đã dịch và xác định thì chùa Vĩnh Thái có niên đại gần 1000 năm tuổi, được xây dựng vào vương triều Nhà Lý (khoảng năm 1054). Các chuyên gia cũng đánh giá đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, có giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật vào loại bậc nhất tỉnh Hưng Yên, thuộc vào nhóm: “Chung danh nam cổ tự”. Mỗi năm, chùa thường tổ chức 2 ngày lễ chính để cầu yên cho làng xã, chúng sinh”.

Tấm bia đã ngót nghìn năm tuổi

Giới thiệu với chúng tôi về khu Tam bảo chính điện của Chùa, sư trụ trì khẳng định: “Hàng loạt các tượng Phật đều được tạc bằng gỗ mít, lưu truyền lại từ thời nhà Lý, thời Hậu Lê… tôn chí (đặt) trên các ban ở trong khu Tam Bảo. Quả chuông của chùa được đúc từ thời nhà Lý, những hoa văn chạm khắc trên chuông vẫn còn.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Mỹ càn, đã nhiều lần quả chuông được người dân địa phương chôn giấu xuống sông, ao trong làng để tránh sự nhòm ngó của kẻ thù. Nhiều chum vại, bát đĩa, lộc bình, bát hương từ nhiều thời để lại vẫn được nhà chùa lưu truyền trong kho”.

Quang cảnh thiên nhiên trong khuôn viên của chùa cũng vẫn giữ được nét cổ kính. Trụ trì Quyết vui miệng kể: “Vừa qua, các mặt hàng khan hiếm, đồ gỗ cũng vậy. Thấy nhà chùa có hơn chục cây sấu đường kính gần 2m, mấy tay buôn cứ đến gạ nhà chùa bán cho chúng chặt làm đồ. Bực mình, thầy cấm tiệt, khiến đám đó sợ không dám bén mảng đến gạ gẫm nữa.”

Cụ Đặng Thị Xuân (78 tuổi) nhà ở làng Ngọc Lịch kể: “Ngôi chùa này là niềm tự hào của cả xã, cả huyện chúng tôi. Mỗi dịp xuân về, chúng tôi tổ chức hội làng vui lắm. Người thân từ mọi miền nhớ ngày hội làng từ khắp nơi đổ về, chật cả đường làng. Làng này còn có nghề làm thuốc chữa bệnh, nhà nào cũng tổ chức sản xuất, trồng cây thuốc nam. Mùa này đang là mùa thu hoạch của thuốc nam, hoa cúc vàng nở vàng cả một cánh đồng. Người dân hái thứ hoa quý ấy đem về phơi để làm thuốc xông mắt, bổ mắt… Những tam thất, thập sâm… (các loại cây họ củ) cũng đang vào mùa thu hoạch nên được phơi dọc suốt đường làng. Sân chùa rộng rãi là thế cũng được nhân dân mang thuốc đến phơi nhờ.” 

Để di tích không thành “đống gạch vụn”

Bao năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bây giờ, chùa Vĩnh Thái đã có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, mặc cho sự cố gắng gìn giữ của các vị trụ trì suốt bao năm qua. Nguy cơ mất đi những nét uy linh, cổ kính vốn có mang đậm nét văn hoá vùng đồng bằng sông Hồng của nó đang hiện hữu rất rõ. Hàng loạt những vết nứt, vết rạn trên mái, trên tường, đặc biệt là khu Tam Bảo đang là nỗi lo của trụ trì cũng như những người dân địa phương.

Trụ trì chùa Vĩnh Thái lo lắng trước các vết nứt ngày một trong chùa

Ông Nguyễn Duy Hy, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hưng Yên lo lắng: “Sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích lịch sử quốc gia - Chùa Vĩnh Thái đã ở mức trên báo động. Trong chùa Vĩnh Thái có rất nhiều tượng phật, chuông đồng, bia đá, sắc phong… từ nhiều thời để lại và cổ nhất là thời nhà Lý. Nếu không sớm tu bổ, để lâu mà bị sập khu Tam Bảo, có lẽ tất cả những bức tượng kia chỉ có vỡ vụn thành nhiều mảnh. Ý thức được điều này, Sở đã có 3 lần “dâng tấu” báo cáo vụ việc và đề nghị cho tôn tạo lại di tích. Sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã ra quyết định cho phép trùng tu lại ngôi chùa.

Vết nứt trong khu Tam Bảo đã rất nguy hiểm

Ông Nguyễn Chí Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc nói: “Trên địa bàn xã có 6 thôn, mỗi thôn đều có 1 ngôi chùa nhỏ. Chùa Vĩnh Thái là chùa duy nhất được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2004, thầy trụ trì của chùa ra thông báo về các vết nứt, các dấu hiệu xuống cấp của Khu Tam Bảo trong quần thể thắng cảnh của chùa. Xã đã xuống và lập biên bản hiện trạng. Sau đó, năm 2006, UBND Xã đã làm tờ trình, trình lên UBND huyện, rồi UBND huyện làm tờ trình lên Sở Văn hóa. Sau 3 năm chờ đời, vừa rồi ngày 24/12/2008, UBND Tỉnh Hưng Yên đã đồng ý cho tu bổ lại ngôi chùa trước khi bị sập.”

Đại đức Thích Minh Quyết cho biết:, nhà chùa đang lên kế hoạch để từng bước tu bổ, tôn tạo lại di tích lịch sử như hiện trạng của nó. Từ các họa tiết hoa văn, kiến trúc… đều phải là thời kỳ nhà Lý. Tuy nhiên, trong những bước ban đầu, nhà chùa cũng còn gặp phải một số khó khăn. Nguy cơ đổ sập khu Tam bảo chính điện của Chùa Vĩnh Thái đã hiện hữu rất rõ. Đã đến lúc phải cứu lấy di tích trước khi nó thành một “đống gạch vụn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày