GNO - Sống trên đời, khó nhất là vượt qua chính bản thân mình. Mà ở đời, ít ai không tự huyễn hoặc mình. Như con cáo trong chuyện ngụ ngôn Con cáo và chùm nho vậy. Rõ ràng là cáo nhìn thấy chùm nho chín mọng trên cao, thèm rỏ dãi nhưng không tài nào hái được nên tự nhủ: Chùm nho xanh thế, ta chả thèm!
Và chúng ta, không ít lần là những con cáo bên ngoài câu chuyện ngụ ngôn ấy.
Khi bản thân mình không đủ vững chãi để tri nhận và phản hồi một cách tích cực
với những tác động của cuộc đời thì khép mình lại, sửa mình, soi rọi lại mình - Ảnh minh họa của Taxu
Trước cuộc đời bại nhiều hơn thành, mất nhiều hơn được, trong cảnh lực bất tòng tâm, người ta buộc lòng phải tự lừa dối bản thân mình, để vượt qua nghịch cảnh, tiếp tục tồn tại và đi về phía trước. Trước nghịch cảnh, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi người phải cố sức vượt qua, phải tự giúp mình thay vì trông mong vào sự hỗ trợ của người khác. Cái hạnh phúc tự mình tạo ra và gìn giữ mới thật sự quý giá và bền vững, thay vì sống trong cái hạnh phúc người khác mang đến cho mình.
Và có khi có cố gắng đến mấy con người cũng không thể thoát khỏi vòng duyên nghiệp. Đó là cái nhân quả sâu xa chi phối mọi tiến lùi, vui buồn của con người trong đời sống này và nhiều kiếp sống khác nữa.
Cũng vậy, người và người trong cuộc sống này đến với nhau do bởi nhân duyên, xa rời nhau cũng do nhân duyên. Và còn lại gì, sau mỗi cuộc đến đi? Mà nhiều khi cũng xót xa khi người người, ta ta cứ vin vào hai chữ nhân duyên mà trở nên hời hợt, nhạt nhẽo với nhau và với chính mình.
Ở đời, khi mà người ta chưa được chính danh (làm điều mình được làm và làm điều mình phải làm) với sự hết lòng và tận tụy đúng nghĩa thì ý nghĩa của hai chữ nhân duyên bị lạm dụng như một sự ngụy biện và huyễn hoặc chính bản thân mình. Cứ như thế người ta dần trở nên hèn yếu, bất lực. Ai cũng có cái lý riêng của mình, ai cũng có nhân sinh quan và hành vi có chủ đích để thực hiện và bảo vệ nhân sinh quan của riêng mình. Nhưng đời cũng công bằng lắm, lịch sử và lương tâm con người sẽ là sự phản chiếu công tâm nhất những gì mình đã làm cho người và cho chính mình.
Đứng giữa làn ranh gìn giữ và đánh mất của chữ tình, cổ nhân đã có dạy: Ân tình bất năng du.
Làm người, phải giữ được ân tình. Trong lòng đã có ân tình với một ai đó rồi thì không nên “du” - vì sự “du” ấy sẽ làm cho người ta đánh mất ân tình của mình với người. Đi nhiều, đi xa (trong cái nghĩa lang bạc và gá nghĩa khắp nơi) sẽ có nhiều ân tình khác chen vào và một lúc nào đó, người ta xem sự đánh mất ấy là bình thường, và nhiều khi gán cho nó hai chữ “vô thường” - cái pháp đạo thiêng liêng của đời, của vũ trụ nhân sinh.
Chuyện xưa nhưng không cũ. Bản chất con người vốn ham thích cái mới cái lạ, lại hay ban rải ân tình khắp nơi, rung cảm loạn động, lăng xăng mọi chốn. Tất cả cũng là quy về cái ta của chính mình mà thôi. Xưa nay vẫn thế: Chữ ân tình, khó bề vẹn giữ…
Khi bản thân mình không đủ vững chãi để tri nhận và phản hồi một cách tích cực với những tác động của cuộc đời thì khép mình lại, sửa mình, soi rọi lại mình để nhận chân ra đâu là đối đãi chân thành, đâu là giá trị chân thật của mình, của người. Âu cũng là một cách bớt gieo và gặt nghịch duyên trong cõi ta bà này…