Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn dũng cảm đối diện trước nỗi đau khuyết tật của bản thân mà sống lạc quan từng ngày và thực hiện biết bao điều có ích cho cộng đồng, xã hội. Những câu chuyện về hành trình vượt khó của các bạn như là cổ tích, tôi gọi đó là những câu chuyện “… còn chồi nẩy cây”!
Nguyễn Thanh Bằng
19 tháng tuổi, bị sốt, nhà không có tiền chữa nên mắt em bị hư một con, con còn lại thì nhìn thấy chỉ lờ mờ. Ấy vậy mà 11 năm cắp sách đến trường là ngần ấy năm em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, đứng nhất nhì lớp. Khi được Ban Giám hiệu, thầy cô thăm hỏi, khen tặng, em mỉm cười trả lời: “Em học tốt, nhìn rõ chữ là nhờ ánh sáng từ ước mơ được nuôi cha mẹ”.
Bước qua nghịch cảnh
Em là Nguyễn Thanh Bằng, đang là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Long An, tỉnh Long An. Nhà em thuộc hộ cận nghèo, ba làm nông, mẹ làm thuê, toàn bộ vật dụng trong nhà từ tủ, bàn ghế đến mái nhà đều là của chú bác họ hàng cho. Nhà của em thì cả làng ai cũng biết vì cả hai chị em của Bằng đều học rất giỏi.
Ngày nhỏ, chơi cùng mấy đứa trẻ con trong xóm Bằng thường xuyên bị tụi nhỏ chọc ghẹo, chê cười. Biết Bằng buồn nên chị Hai của em dẫn em về nhà dỗ dành, chơi đùa với em. Lúc thấy chị Hai học bài, Bằng cũng lấy tập ra học chung với chị. Biết nhà nghèo nên hai chị em Bằng cùng dìu nhau học.
Chăm chỉ, cố gắng suốt ngày lo cho con chữ nên năm nào Bằng cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Bạn bè trong lớp từ đó không còn chọc ghẹo Bằng nữa, mà lại thường tìm đến em hỏi bài vở, trò chuyện. Thầy cô dạy em, đều bất ngờ. Nhưng bất ngờ nhất có lẽ là năm học hết cấp II, thi vào trường chuyên của tỉnh, em đạt số điểm gần như tuyệt đối.
Ngày nhận được giấy trúng tuyển, biết thi đậu, em và gia đình mừng khôn xiết. Nhưng em cũng rầu vì biết để đủ tiền nuôi em lên tỉnh học thì ba mẹ em phải gồng gánh thêm công việc. Mà ba mẹ em sức khỏe vốn chẳng được ổn định mấy, bệnh cũng nhiều. Nghe lời mẹ động viên: “Con cứ đi học đi, ở nhà ba mẹ kiếm gì đó làm thêm, gói ghém tiền nuôi hai chị em. Ráng học để sau này làm có tiền phụng dưỡng, chăm sóc lại cho ba mẹ, chứ mẹ biết về già, ba mẹ bệnh nhiều lắm”.
Nghe mẹ thỏ thẻ như vậy mà Bằng quyết tâm tiếp tục đi học. Có khi bạn bè ở ký túc xá đã lên giường yên giấc, Bằng vẫn cặm cụi giải từng bài toán khó, đọc thêm một bài văn tham khảo. Có một “nghịch lý” đó là càng ngày, mắt em càng mờ nhưng càng lên lớp cao, em lại học càng giỏi.
Em là niềm tự hào của ba mẹ
Từ ngày em đi học xa nhà, tưới liếp rau, hoặc lo chuyện nhà ba mẹ phải tự làm hết tất cả, em không còn phụ làm được như xưa. Nhưng cả ba mẹ em ai cũng tâm niệm, chỉ cần thấy em học giỏi thì dù có gánh trên vai đôi nước nặng kềnh hay phải làm thuê ngoài đồng giữa cái nắng đổ lửa lúc trưa, mồ hôi chảy nhễ nhại, mệt đến đâu chăng nữa thì ba mẹ em cũng thấy mát lòng.
Có những hôm học bài nhiều mắt đau buốt, mẹ em dẫn em đi khám thì biết thị lực em ngày càng yếu. Nếu không kịp chữa thì con mắt bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến con mắt còn lại và sẽ khó khăn cho em nhìn thấy con chữ. Về em buồn nhưng cũng lấy bình tĩnh mà trấn an ba mẹ.
Mẹ em kể: “Nhà nghèo, có hai đứa con là tài sản quý nhất. Đứa lớn thì lành lặn đỡ lo, còn Bằng thì thấy thương và lo nhiều lắm. Chưa gom đủ tiền chữa mắt cho nó, nó kêu mình đừng rầu quá rồi bệnh. Có gì nó ráng học bài ban ngày cho xong hết rồi tối không học để đỡ đau mắt. Cuối tuần đi học về, thấy mình làm việc lặn hụp cực nhọc, nghe nó nói là con thấy thương mẹ, thương ba quá. Ba mẹ cực khổ nuôi con, con sẽ ráng học sau này thành tài, làm được tiền con sẽ lo lại cho ba mẹ chứ không bỏ ba mẹ, nghe mà thấy thương đứt ruột”.
Khi hỏi em, nhà nghèo mà em lại khuyết tật em có tủi không? Nhìn ba một hồi lâu rồi em trả lời: “Em không tủi mà em chỉ thấy thương ba mẹ. Ba mẹ hy sinh quá nhiều vì em nên em càng cố gắng học để sau này làm có tiền nuôi ba mẹ. Em chỉ sợ là mắt em không nhìn thấy nữa thôi, vì không nhìn thấy thì em không học được nữa, không tìm được việc làm và quan trọng hơn là lúc ba mẹ già yếu, em không thể thấy đường mà nấu bữa cơm, bưng ly nước chăm sóc cho ba mẹ…”.
Nghẹn! Và tôi hiểu được nỗi lo của người con hiếu thảo trong em, đó là nỗi lo mà bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh như em cũng đều phải lo sợ. Câu chuyện về em - cậu học trò miền quê nghèo khó, khuyết tật học giỏi không ít lần chạm vào trái tim thầy cô, bạn bè để rồi bất kỳ ai nghe kể về em đều cảm thấy xúc động, thấy thương cho tấm lòng hiếu thảo sáng ngời, vượt lên trên nỗi đau mà em đang phấn đấu.