Con đường con đi đó, có ba là “hộ pháp”

GN - Con sinh ra trong một gia đình thuần nông, lớn lên với cánh đồng lúa xanh mướt, với mùi rơm rạ; con trưởng thành từ những đêm ngủ tại rẫy cùng ba và em để đem lại sự tươi mát, sức sống cho rừng cà-phê bạt ngàn vào mùa nắng.

Tuổi thơ của con là những ngày theo mẹ ra đồng, bắt cua làm bạn; là những ngày mò mẫm với mảnh đất đỏ bazan nhặt từng hạt cà-phê rơi vãi khi mùa đến. Ký ức tuổi thơ con gắn liền với bạt ngàn bắp và đậu, với cả những măng tre và đêm trăng nghêu ngao mỗi một bài hát: “Trăng rằm sáng lên em đi đến chùa…”.  Và không thể thiếu được ba, với những đòn roi của mẹ khi mải chơi, quên đường về nhà; để rồi đêm về ba vừa xoa dầu vừa nói: “Tội nghiệp con gái tui”.

Anh 1, PGTT gn 768, minh hoa bai của THANH THI.jpg


Con đường thanh lương đó, có ba dõi theo
với ước mong con đi trọng lý tưởng đời mình - Ảnh minh họa

Con lớn lên rồi, vội xa gia đình, đi con đường lý tưởng tâm linh mà con đã chọn. Con đã để lại sau lưng cả cánh đồng lúa xanh non, để lại cả rẫy cà-phê đang độ đỏ lựng giữa mùa, con bỏ lại cả nắng và gió cao nguyên; hành trang con mang theo chỉ là tình thương và giọt nước mắt của mẹ, là lời nói của ba: “Hay con đừng đi tu nữa, ở nhà ba nuôi!”.

Con từng trách ba không thương con, nhưng con biết có người cha nào mà lại không thương con, hơn nữa con lại là đứa con gái duy nhất của ba, là cháu gái duy nhất của dòng họ bên nội. Làm sao ba lại không thương con cho được.

Con từng giận ba, giận lắm; vì ba không thương mẹ, ba làm mẹ khổ, nhưng khi ba nói câu: “Cô tu rồi mà còn giận dai quá, ba biết ba sai, ba đã sửa sai, vậy mà cô còn giận ba, không về nhà thăm ba lấy một lần”, thì bao nhiêu giận hờn trong con bỗng tan biến hết.

Con về thăm ba vào một ngày cuối tháng Giêng, cái lạnh tê tái của xứ cao nguyên vẫn chưa tàn, con sung sướng hòa mình vào mùi của “rừng bông tuyết trắng” đặc trưng của xứ cao nguyên - hoa cà-phê. Con hạnh phúc đi quanh góc sân thân quen ngày xưa, hái những quả mận trái mùa, ngắm hàng cau kiểng ba vừa trồng năm ngoái. Khi con thấy mình lớn lên đôi chút, ba đã vội già đi. Lúc xưa ba hay gọi con lại, nhờ con lấy hạt lúa kẹp vào cọng tóc bạc, nhổ tóc bạc cho ba. Giờ đây tóc ba đã bạc trắng, hạt lúa nào dám làm nhiệm vụ nhổ tóc nữa? Cô bé ngày nào giờ nhìn tóc ba chỉ chực trào nước mắt, sợi đen sợi trắng, nhổ sợi nào đây ba ơi?

Con ở Sài Gòn bao năm, quen mùi khói bụi, quen cái hối hả tấp nập, quen cảnh kẹt xe hàng giờ đồng hồ khi đi học về chiều, cũng quen luôn cảnh ngập nước tới nửa thân người khi mùa mưa đến. Đôi lần con vấp ngã với cái tôi quá lớn, sự chuyển hóa tâm thức trong con chưa trọn vẹn, con bất lực với chính mình - là lúc những kỷ niệm về một thời quá khứ ùa về trong con, nhớ về một nơi mà ở đó con đã được yêu thương hết mực, ở đó có một người với câu nói vẫn in đậm mãi trong tâm trí: “Sao con biết ba không thương con?”.

Con đi rồi, em cũng bước theo con, ba như suy sụp hoàn toàn. Ba thương em, ba thương đứa con đã kề cận sớm tối bên ba bao năm nay, ba thương em con nhỏ dại, tính hay lạt lòng, ba sợ em bị người ta ăn hiếp, ba lo đủ thứ, ba không cho em đi theo con đường như con đang đi. Nhưng rồi em cũng quyết dứt áo ra đi, bỏ lại là nước mắt của ba. Lần đầu tiên ba khóc, khóc cho đứa con trai mà ba thương nhất.

Mùa cà-phê năm ấy, không có em, cà-phê vẫn chín mọng đúng độ. Ba cười mỉm khi thấy em trông chững chạc với bộ đồ nâu hò, quét từng chiếc lá bồ-đề trong sân, hay lúc lặt từng lá mai. Đó là lần đầu tiên ba vào Sài Gòn, thăm đứa con trai nối dõi tông đường của ba. Thấy con đã lớn, ba yên tâm ra về với tượng Bụt em tặng, như mang cả thế giới của Bụt về nhà.

Đối với ai đó là bốn mùa yêu thương, nhưng với con: ba là cả trời yêu thương. Vì ba đã cho con hình hài, lại cho con cả một tuổi thơ đẹp; và rồi giờ đây, ba vẫn đang tiếp tục hy sinh cho con, là hộ pháp, trong vai ông thí chủ ủng hộ hết lòng cho sự tu học của con. Ơn sâu đậm như vậy, khi nào con mới trả hết đây?

Tháng nữa lại về trong quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Vẫn còn đó cánh đồng lúa ngai ngái mùi rơm rạ, vẫn còn rừng cà-phê bạt ngàn xanh mướt và những trái chín đầu mùa chen chúc trong nách lá xanh, và vẫn còn đó ba - người mà con có lỗi nhiều nhất. Ba ơi! Sài Gòn vẫn nắng mưa thất thường với con đường đến trường ngập úng, ngày tháng này, ở nơi ấy có còn lạnh se thắt sáng sớm không ba?
Thanh Thị

_______________

* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ, bạn đọc hoan hỷ gửi về phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày