Con đường Phật giáo

GN - Tôi đã đọc được phát biểu của Albert Einstein (1879-1955), một nhà Vật lý học lừng danh khắp thế giới về Phật giáo ở một góc trang trọng tại chùa Di Đà (Bảo Lộc, Lâm Đồng) trong một lần ghé thăm nơi đây.

Nội dung này có lẽ cũng đã quen thuộc với nhiều người, ông nói: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.

Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".

Con duong Phat giao.jpg
Chân dung nhà bác học Albert Einstein và câu nhận định về Phật giáo

Khi khoa học ngày càng phát triển, khi vật chất và các phương tiện hiện đại đang đồng hành cùng đời sống con người, thì đó cũng là lúc nhiều người nhận ra, cái bên trong quan trọng hơn cái bên ngoài, việc tìm về với mạch nguồn tâm linh mới chính là hạnh phúc chân thật nhất.

Ở đâu đó, bạn sẽ đọc được, từ một người viết nhạc rock cuồng loạn, Frank Jude Boccio đã chuyển sang thực hành thiền tập Phật giáo và dần dà trở thành một người tổ chức các khóa thiền miễn phí cho người dân địa phương. Hiện tại phần lớn thời gian của ông tập trung vào thiền tập và viết sách về Phật giáo. Hoặc, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Scotland nhiệt tình đăng ký cho những khóa học về “chánh niệm” do các vị tu sĩ Phật giáo giảng dạy. Rồi Ngài Gyalwang Karmapa Ogyen T. Dorje thứ 17 đã có buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Harvard (Mỹ) với chủ đề “Chăm sóc mầm sống Trái đất trong thế kỷ XXI”. Và vận động viên điền kinh xếp hạng thứ 3 châu Âu - Lawrence Clarke muốn nói lời cảm ơn suốt thời gian thực tập thiền Phật giáo vừa qua... (*)

Mới đây, từ ngày 1 tới 13-5, Tăng thân Làng Mai đã có khóa tu dành cho 1.200 người, truyền năm giới cho hơn 300 thiện tín - trong khuôn khổ chuyến hoằng pháp tại Nhật. Ngoài ra, còn có các ngày quán niệm như: ngày quán niệm cho bác sĩ, ngày quán niệm cho tu sĩ Nhật Bản và ngày quán niệm cho người trẻ và doanh nhân Nhật Bản.

Đặc biệt, vào ngày 14-5, các lãnh đạo Phật giáo đã cùng tham gia một hội nghị - Hội nghị của những nhà lãnh đạo Phật giáo lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng, Hoa Kỳ. “Hội nghị giúp nhận thức về sự hiện diện, sức mạnh và tính đa dạng của Phật giáo, cũng như hướng đến việc phát huy “tiếng nói của Phật giáo - tiếng nói của lòng từ bi”, tại Hoa Kỳ” - William Aiken, Giám đốc Hoạt động cộng đồng, gần 20 năm làm việc tại Tổ chức Soka Gakkai International (tại D.C) nói với tờ Lion’s Roar.

"Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có tôn giáo thì tôi phải là một Phật tử. Vì những gì tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua kinh Phật đã nói hết rồi" - Albert Einstein

Tất cả những thông tin trên chỉ là một phần rất nhỏ về những cảm tình, đánh dấu việc thấy con đường đi mang tên Phật giáo của những người có duyên tìm hiểu, học và hành theo lời Phật dạy, là những người đã có ít nhiều thành công trong sự nghiệp thế tục của mình. Ở Việt Nam nhiều nghệ sĩ ăn chay, hướng Phật, nhiều doanh nhân lớn cũng tìm tới Phật giáo để phụng sự chúng sanh theo lời Đức Thế Tôn dạy và trở thành những vị Cấp Cô Độc đương thời, không ngừng cống hiến cho con người, chúng sinh bớt khổ.

Sở dĩ người ta chọn Phật giáo vì có duyên với Phật, nghe được Phật pháp, dẫu “Phật pháp khó nghe”. Khó nghe vì nói sự thật, mà sự thật thường khó được số đông chấp nhận bởi “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Bảo con người hãy xả láng đi, mặc sức sống theo bản năng... thì có lẽ sẽ dễ khiến xuôi người ta theo, bởi đằng sau đó là lời hứa về một đời sống hưởng dục lạc vĩnh cửu. Còn bảo hãy làm lành lánh dữ, tin nhân quả để sợ điều ác mà không làm thì có người sẽ trù trừ, đôi khi làm được một đoạn sẽ bỏ, bởi vì thói quen nhiều đời nhiều kiếp là tham-sân-si rồi, nên dễ sa ngã trước những cám dỗ ngọt ngào, những cái lợi trước mắt và cũng sẽ dễ gục ngã trước những thử thách, khó khăn.

Ngã thì coi như trở lại như ngày xưa, tức là sẽ lại lội dưới bùn nhơ, đi trong nỗi khổ niềm đau và không tìm thấy lối thoát. Chìa khóa Phật giáo trao tay là “phóng hạ đầu đao, lập địa thành Phật”, ngay giây phút dừng lại những lao xao, những ham muốn để an trú trong hơi thở, với phút giây hiện tại, nhận diện sự thật sanh diệt, khổ đau trong mình và quanh mình để chấp nhận, chuyển hóa là đã có hạnh phúc rồi.

Chống lại cái già, cái chết hoặc nghĩ cuộc sống không vô thường, là bất biến, còn mãi thì người ta sẽ khổ, vì đó là tri giác sai lầm, dẫn tới hành động sai lầm, tạo nghiệp dữ. Đã gieo hạt giống bất thiện thì quả khổ cầm chắc trong tay và ngược lại. Theo đó, khi ta hiểu được bản chất của thân mình, của mọi biểu hiện xung quanh thì việc buông, bỏ những cái bên ngoài sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.

Ví dụ, thấy cái khổ của ham ăn uống mà sát hại loài khác, vay sức khỏe và mạng sống của chúng sinh phục vụ cho sự khỏe mạnh của mình là một “hợp đồng ép buộc” (ta tự cho quyền được giết, ép kẻ khác phải chịu chết) - để rồi sau đó lãi phải trả rất cao, dài lâu nhiều kiếp thì việc trường chay sẽ không phải là việc khó, bởi vì khi đó hành giả thực tập trên cái nền “biết thương yêu chính mình”. Biểu hiện của từ bi ở ngay chỗ thấy nhân xấu mà không tạo, nhằm tránh gây đau khổ cho người, cho loài khác và chuốc quả khổ cho bản thân.

Phật giáo khoa học và được thực chứng bằng sự thực tập quán niệm như thế nên Albert Einstein khẳng định “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa” là đương nhiên.

Tất cả mọi phương tiện tạo ra để phục vụ con người, những mong con người có hạnh phúc, có bình yên. Nếu nhớ mục đích ban đầu của việc làm này thì ta sẽ thấy cái sâu xa trong tiến trình dẫn tới kết quả của việc làm, để rồi ta nhất quyết không thể chấp nhận những đánh đổi trong quá trình đi đến mục đích đó.

Cụ thể, Phật giáo nhận thức “hạnh phúc là con đường chứ không phải là đích đến”, nghĩa là hạnh phúc là quá trình đi tới, đang là chứ không phải là một sự hy sinh để đạt được. Hành giả học Phật nhận chân ra chỗ này thì sẽ không cần cố gắng niệm Phật hay ngồi thiền theo kiểu ép xác nhằm chứng quả Thánh hay được về Tây phương, mà sẽ chánh niệm với việc thực tập của mình một cách khoa học, từ những việc nhỏ nhất đến những ý niệm vi tế nhất. Khi đó, mỗi giờ phút hành thiền, niệm Phật hay đi dạo chơi, làm vườn, làm việc trên máy vi tính đều là lúc ta đi trong cõi Tịnh, trong ý thức “bây giờ ở đây”.

Đạt được sự thực tập đó hay đơn giản là ý thức được sự thực tập này để bắt đầu tìm hiểu, thực tập chánh niệm như Phật dạy thì hành giả chắc chắn sẽ tháo gỡ được rất nhiều ràng buộc bên trong, trở thành người tự do, đi giữa Ta-bà như dạo chơi trong cõi yên bình; gặp trắc trở cũng có thể thấy được nguyên do mà mỉm cười, gặp thuận lợi cũng rõ biết đường hướng biểu hiện mà buông sự chấp ngã, ôm giữ để đi tiếp, đi xa.

Có lẽ, chính vì giá trị giúp chữa trị, hòa giải bên trong một cách đầy yêu thương, hiểu biết, với điều kiện là nỗ lực tự thân phải thấy và làm trong cái thấy của mình nên rất nhiều hành giả đã tìm tới Phật giáo. Đồng thời, các nhà chính trị, hoạt động nhân quyền chọn Phật giáo là tôn giáo hòa bình, cùng nhau ngồi tại Nhà Trắng để thảo luận cũng như đã lấy Phật đản làm ngày lễ trọng trên toàn cầu (Vesak) để tôn vinh Đức Phật, Bậc Giác Ngộ hoàn toàn...

Lưu Đình Long

(*) Tin đã đăng trên Giác Ngộ và Giác Ngộ online

______________

* Đọc thêm:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày