GNO - Các thức uống có cồn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú ở người nữ; tuy nhiên nhiều người nữ lại không biết về mối nguy hại này - theo một nghiên cứu từ Vương quốc Anh.
Nghiên cứu phân tích thông tin từ 205 người nữ đã khám ung thư vú hoặc đang tìm kiếm liệp pháp điều trị các biểu hiện của bệnh này tại một bệnh viện ở Vương quốc Anh.
Người tham gia cũng được khảo sát sự hiểu biết về các yếu tố nguy cơ của ung thư vú.
Kết quả cho thấy, một nửa số người tham gia cho biết họ biết rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư vú và 30% nhận biết béo phì cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư nhưng chỉ có 20% có nhận thức rằng hấp thu cồn là yếu tố nguy cơ của ung thư vú.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chưa thể khái quát hóa kết quả này vì nghiên cứu chỉ tiến hành ở một bệnh viện riêng lẻ và số người tham gia chưa thể đại diện cho một dân số lớn hơn.
Kết quả nghiên cứu này cũng tương thích với nghiên cứu tại Hoa Kỳ năm 2017 bởi Hội Ung bướu Lâm sàng Hoa Kỳ: 70% người Hoa Kỳ không nhận biết được cồn là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư.
Theo nghiên cứu, hấp thu cồn chiếm 5 - 11% số lượng người bị ung thư vú và nguy cơ này cao hơn ở người nghiện bia rượu. Nghiên cứu phát hiện rằng uống một chai rượu mỗi tuần có tác động lên người nữ tương đương như hút 10 điếu thuốc mỗi tuần, đối với nguy cơ ung thư chung.
Nghiên cứu mới này cho biết, sẽ khó để mọi người dự đoán chính xác mức cồn họ hấp thu vào. Và hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu không thể dự đoán chính xác hàm lượng cồn trong 4 loại thức uống chứa cồn phổ biến trong 1 ly rượu vang, 1 pint bia (tương đương 0,6 l bia), 1 lít rượu trái cây lên men và 1 chai rượu mạnh.
Chính sự hạn chế trong nhận thức này làm tăng mức hấp thu cồn vào cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở họ, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu này đăng trên tạp chí BMJ Open giữa tháng 6 qua.
Bên cạnh khám ngực và theo dõi các bất ổn vùng ngực, giảm hấp thu cồn cũng là cách hiệu quả giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở người nữ.
Trần Trọng Hiếu (theo Live Science)